Trong bài "Về vụ lừa đảo 15.000 tỷ đồng tiền ảo: Người chơi không những mất tiền mà có thể phải ngồi tù" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, hiện có hai dạng đầu tư tiền ảo. Một là mua đi bán lại các coin để hưởng chênh lệch giá trên sàn. Hai là đầu tư theo dạng lending, một dạng gửi tiền để hưởng lãi suất “trong mơ”, từ 40-60%/tháng. Mô hình huy động vốn kết hợp cả hình thức đầu tư lending (thuê vốn và trả lãi bằng tiền ảo cho nhà đầu tư), ponzi (lấy tiền người sau trả cho người trước) và kinh doanh đa cấp (tức là có nhiều cấp).
Nhằm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, các công ty đã đưa ra mức lãi suất “khủng” khiến họ bị hoa mắt nên dễ dàng móc hầu bao đổ vào dự án. Với hi vọng thu lãi đậm, lãi nhanh trong thời gian ngắn do khối tài sản của mình ngày càng tăng lên theo cấp số nhân, có người dân đã phải bán nhà hoặc đi vay mượn để đầu tư nhưng thực chất đó chỉ là tài sản ảo, họ không thể rút tiền của mình ra được.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, pháp luật hiện hành quy định các loại tiền ảo là không là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, không được thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức, cá nhân phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định từ năm 2014 rằng tiền ảo không phải là tiền tệ. Nếu người nào cung ứng, sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật và chịu xử phạt theo quy định.
Ngoài ra, theo Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 - 200 triệu đồng.
Trường hợp tổ chức cá nhân lợi dụng tiền ảo để huy động vốn hay góp vốn trả lãi siêu lợi nhuận là bất hợp pháp. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015 (nếu có thủ đoạn gian dối) với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân; Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp theo Điều 217a BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù hoặc Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 BLHS 2015 (nếu có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả) với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Như vậy, theo BLHS 2015, không chỉ xử lý hình sự với các đối tượng đứng ra tổ chức, mà những người tham gia vào đường dây này, kêu gọi người khác tham gia cũng có thể bị truy cứu. Trong trường hợp này, họ vừa là nạn nhân vừa là đồng phạm với đối tượng cầm đầu.
“Do không được pháp luật thừa nhận nên việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người dân tham gia không những có nguy cơ mất trắng mà còn có thể tự đẩy mình vào vòng lao lý. Nhằm hạn chế những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, cơ quan chức năng cần tuyên truyền cảnh báo rộng rãi, rõ ràng đối với người dân về vấn đề này. Bên cạnh đó mỗi cá nhân cần hết sức cảnh giác trước khi đầu tư vào các loại tiền ảo” – Luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo.
Nguồn: http://anninhthudo.vn/phap-luat/ve-vu-lua-dao-15000-ty-dong-tien-ao-nguoi-choi-khong-nhung-mat-tien-ma-co-the-phai-ngoi-tu/763894.antd