Về việc chậm tiến độ đầu tư của các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn về vấn đề chậm tiến độ đầu tư của các dự án vồn ngoài ngân sách có sử dụng đất. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW

Câu 1: Theo ông, những yếu tố nào góp phần làm chậm tiến độ đầu tư của các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất?

Trả lời:

Các yếu tố làm chậm tiến độ đầu tư của các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất thường bao gồm: sự phức tạp trong quy trình pháp lý và thủ tục hành chính, sự chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng, những thách thức liên quan đến việc huy động vốn từ các nguồn tài chính khác nhau, và sự không chắc chắn về thị trường bất động sản. Ngoài ra, sự thiếu hụt trong cơ sở hạ tầng cũng có thể gây trở ngại cho việc triển khai các dự án. Đôi khi, sự không đồng nhất trong chính sách và quy định giữa các cấp chính quyền cũng tạo ra những rào cản không cần thiết.
Để giải quyết những vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ nhà đầu tư, chính quyền địa phương đến cộng đồng dân cư, nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc đầu tư và phát triển dự án. Đồng thời, việc cải thiện và đơn giản hóa các quy trình hành chính, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình, cũng như việc nâng cao năng lực quản lý dự án của các cơ quan chức năng, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư.

Câu 2: Có những hạn chế cụ thể nào trong quá trình thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xử lý các dự án chậm triển khai?

Trả lời:

Trong quá trình thực hiện các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xử lý các dự án chậm triển khai, có một số hạn chế cụ thể cần được nhận diện và giải quyết. Đầu tiên, việc lựa chọn nhà thầu thường gặp phải sự chậm trễ do các thủ tục đầu tư phức tạp và năng lực thẩm định, kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Thứ hai, quy định về nguồn vốn ODA còn phụ thuộc nhiều vào quy định của nhà tài trợ, điều này có thể gây chậm trễ trong tiến độ thực hiện và giải ngân vốn. Ngoài ra, các vấn đề về quản lý và điều hành dự án cũng là một thách thức, bao gồm việc thiếu hướng dẫn cụ thể trong quy trình triển khai dự án do liên quan đến nhiều luật và ngành khác nhau.
Để khắc phục những hạn chế này, cần có sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ từ các cấp chính quyền, từ việc ban hành các nghị quyết, quyết định, đến việc lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Việc phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án và tổ chức giao ban định kỳ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng là những bước quan trọng.
Bên cạnh đó, việc tăng cường năng lực thẩm định, kiểm tra, giám sát và thi công cũng cần được chú trọng để nâng cao hiệu quả quản lý dự án. Cuối cùng, việc cải thiện các quy trình và thủ tục đầu tư, đặc biệt là việc đơn giản hóa và minh bạch hóa, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân và triển khai dự án.

Câu 3: Liệu việc công khai và minh bạch trong quy trình xử lý các dự án chậm triển khai có thể giúp giải quyết được tình trạng này không?

Trả lời:

Thực tế cho thấy, muốn công khai, minh bạch quá trình quản lý, sử dụng vốn ngoài ngân sách của các dự án có sử dụng đất, cần coi trọng sự tham gia của cộng đồng dân cư để dự án xây dựng không chỉ phù hợp hơn với lợi ích của cộng đồng cả về mặt vật chất và phong tục, tập quán, văn hóa, mà còn có được sự giám sát tại chỗ và thường xuyên trong suốt quá trình thực hiện dự án và cả khi công trình được đưa vào sử dụng.

Về việc chậm tiến độ đầu tư của các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất
Về việc chậm tiến độ đầu tư của các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất

Lâu nay sự tham gia của cộng đồng dân cư đã không được chủ đầu tư, chủ dự án coi trọng. Có những dự án sự tham gia của người dân và các đoàn thể chỉ được làm chiếu lệ, hình thức. Hậu quả đáng tiếc là giải phóng mặt bằng thì chậm trễ, khiếu kiện thì kéo dài.
Để có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, điều quan trọng là phải bảo đảm sự giám sát của nhân dân, công bố công khai, minh bạch dự án đầu tư để nhân dân nói chung, cộng đồng dân cư nói riêng góp ý kiến vào các khâu của quá trình xây dựng từ chủ trương đầu tư đến việc đấu thầu, thi công công trình. Các dự án này nhất thiết phải có sự tham gia của người dân cùng các đoàn thể có liên quan thông qua các cuộc họp, thư góp ý kiến... Qua đây, chủ đầu tư, nhà thầu phải có trách nhiệm lắng nghe, tiếp thu những ý kiến thẳng thắn, có trách nhiệm để điều chỉnh, bổ sung vào dự án quy hoạch hoặc dự án đầu tư những thông tin có giá trị để có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Câu 4: Trong việc xử lý các dự án chậm triển khai, vai trò của phối hợp giữa nhiều cơ quan, đơn vị là quan trọng như thế nào? Có cần phải cải thiện điều này không?

Trả lời:

Một trong những nguyên nhân chính góp phần làm chậm tiến độ các dự án nằm ở việc chậm trễ về thủ tục. Ngoài việc chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chậm triển khai thực hiện các thủ tục lập và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán dẫn đến chậm tổ chức đấu thầu và triển khai thực hiện dự án; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì thẩm định chưa được thường xuyên, chặt chẽ… cũng là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm tiến độ của các dự án lớn. Đồng thời, công tác chuẩn bị dự án của đơn vị đầu tư còn hạn chế, cơ quan quản lý phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu thi công một số dự án còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt, kịp thời…
Để kịp thời triển khai các dự án, các đơn vị có chức năng thẩm định, tham mưu phê duyệt hồ sơ liên quan đến triển khai thực hiện công trình, dự án đầu tư công cần phải tập trung nhân lực để thẩm định hồ sơ theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và thời gian. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, công trình. Cơ quan có thẩm quyền thuộc các tỉnh phải thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời tham mưu giải quyết, không để tồn đọng hồ sơ hoặc chậm xử lý hồ sơ. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; tổng hợp, tham mưu giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị về công tác giải phóng mặt bằng.

Câu 5: Trong bối cảnh số lượng dự án chậm triển khai vẫn còn khá cao, liệu có biện pháp nào để đẩy nhanh tiến độ triển khai của các dự án này?

Trả lời:

Trước tiên, cần tăng cường công tác quản lý, cụ thể như chỉ đạo các sở, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức các đoàn thành tra, kiểm tra và hậu kiểm tra liên ngành để xác định tình hình triển khai của các dự án, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện dự án, đưa đất vào sử dụng đúng theo tiến độ đã được phê duyệt. Rà soát, đánh giá nguyên nhân gây chậm tiến độ, phân loại theo mức độ cụ thể cho từng dự án. Yêu cầu các dự án phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết đồng thời thiết lập cơ chế báo cáo định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt khi có khó khăn.
Thứ hai, xác định những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn… Tìm kiếm giải pháp phù hợp cho từng vướng mắc, ưu tiên giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ dự án. Xem xét các quy trình phê duyệt, cấp phép và giám sát để tìm hiểu những bước rườm rà hoặc trùng lắp không cần thiết. Bằng cách đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, ta có thể tiết kiệm thời gian và giảm bớt sự chậm trễ.
Ngoài ra, không chỉ hỗ trợ vướng mắc của các dự án mà cũng nên xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai. Các dự án chậm triển khai nên được xử lý dứt điểm thông qua việc loại bỏ khỏi danh sách, chấm dứt hoạt động, thanh tra để thiết lập hồ sơ làm cơ sở xem xét chấm dứt. Các cơ quan nên xem xét thu hồi đất và bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất của các dự án chậm tiến độ để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Tham khảo thêm >> Hàng trăm dự án nhà ở thương mại đang chờ “gỡ khó” về nguồn gốc đất

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan