Vấn nạn trục lợi bảo hiểm

Nội dung bài viết

Nhận lời mời của kênh truyền hình cáp Đài truyền hình Việt Nam, VCTV 9, InfoTV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty Luật S&B (S&B Law) sẽ trả lời về vấn đề trục lợi bảo hiểm, S&B Law trân trọng giới thiệunội dung phỏng vấn:

Phóng viên: Thưa ông, vấn nạn trục lợi bảo hiểm hiện nay diễn ra khá phổ biến ở một số nghiệp vụ bảo hiểm như xe cơ giới, sức khoẻ con người… Phải chăng là luật pháp chế tài quy định xử lý về vấn đề này chưa nghiêm để đủ sức răn đe?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:. Đối với các chế tài hiện nay Chính phủ đã ban hành 3 nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm gồm Nghị định 86/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; Nghị định 92/201/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế và nghị định 41/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Trong các nghị định này đã quy định rõ chế tài đối với mỗi hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức theo đó ngoài việc bị phạt tiền thì người vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là buộc hoàn trả số tiền bảo hiểm bị trục lợi, nghĩa là nếu một khi hành vi vi phạm bị phát hiện người vi phạm không những phải đối mặt với khả năng bị xử phạt mà còn bị mất số tiền bảo hiểm đã trục lợi.

Tuy nhiên, các chế tài hành chính này là không đủ mạnh và hiện nay, trong Bộ Luật Hình Sự không có quy định về tội trục lợi bảo hiểm, điều này không có tính răn đe mạnh đối với các đối tượng vi phạm.

Phóng viên: Bên cạnh việc xử lý thì việc phát hiện ra những vụ việc vi phạm này cũng rất khó khăn. Theo ông nguyên nhân vì sao?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:Như trên tôi đã nói khó khăn trong việc điều tra, phát hiện các hành vi trục lợi bảo hiểm là nguyên nhân chính của việc trục lợi bảo hiểm xảy ra khá phổ biến trong một số lĩnh vực.

Khó khăn này có thể xuất phát từ chính các doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm do không đủ năng lực, nguồn nhân sự để có thể độc lập tiến hành điều tra việc trục lợi bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân nữa là do các công ty, tổ chức bảo hiểm chưa xây dựng được một quy trình chặt chẽ để có thể kiểm soát ngăn ngừa các hành vi trục lợi. Điều này dẫn đến trong thực tế đã có nhiều trường hợp các cá nhân có trách nhiệm cấu kết với người được bảo hiểm để trục lợi bảo hiểm trong việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để hoàn thiện hồ sơ được nhận bảo hiểm.

Phóng viên: Hiện nay, khi phát hiện các vi phạm, các công ty bảo hiểm thường chỉ có thể chấm dứt hợp đồng và từ chối chi trả bồi thường chứ chưa đủ quyền hạn và chức năng để xử lý nhưng bên vi phạm liên quan như y tế, cơ quan chức năng khác. Ông có suy nghĩ gì về thực tế này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:Về vấn đề này tôi cho rằng nó liên quan đến quyền hạn của cơ quan nhà nước trong việc xử lý các hành vi vi phạm. Lúc này công ty bảo hiểm sẽ có vai trò là bên bị xâm phạm các quyền và nghĩa vụ dân sự và có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại đã xảy ra.

Trong trường hợp công ty bảo hiểm muốn xử lý bên thứ ba như cơ quan y tế hoặc tổ chức, cá nhân khác, công ty bảo hiểm cần phải thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để các cơ quan này tiến hành việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo các quy định của các nghị định về xử lý vi phạm hành chính mà tôi đã nêu.

Phóng viên: Có nhiều ý kiến cho rằng nên đưa tội danh trục lợi bảo hiểm vào luật hình sự để xử lý. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:Tôi cho rằngviệc này là cần thiết, để tạo ra một hình thức chế tài đủ mạnh để có tính chân răn đe những tổ chức và cá nhân vi phạm.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng có cơ sở để xử lý các đối tượng liên quan.

Phóng viên: Vậy theo ông, để hạn chế được vấn nạn này, cần phải có những giải pháp căn bản như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trước hết, mỗi công ty, tổ chức bảo hiểm cần phải hoàn thiện quy trình kiểm soát nội bộ và quy trình kiểm soát ngăn ngừa việc trục lợi bảo hiểm. Tiếp đến là các công ty bảo hiểm cần phải tập trung nguồn lực để đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho các nhân viên của mình trong việc điều tra trước khi thanh toán bảo hiểm.

Về phần mình, chính phủ và các cơ quan nhà nước cần phải ban hành các chính sách hỗ trợ các công ty bảo hiểm trong việc điều tra, thu thập chứng cứ cũng như đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật trong việc đẩy mạnh đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm mới này.

Việc học hỏi kinh nghiệm đi trước của các quốc gia có thị trường bảo hiểm phát triển cũng là một cách để có thể giải quyết được tình trạng hiện nay về trục lợi bảo hiểm.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn luật sư.

Xin mời bạn xem lại chương trình tại đây

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan