Vấn nạn gian lận cước phí của tài xế taxi và giải pháp cho việc này

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã bày tỏ những quan điểm về vấn đề taxi gian lận cước phí qua việc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình báo lao động. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw.

PV: Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, ngay sau khi vụ việc xảy ra, một trong 2 hãng taxi cho biết đã tiến hành tổng kiểm tra khoảng 200 chiếc taxi đang hoạt động tại TP.HCM để tìm thiết bị gian lận có gắn trên xe hay không. Tuy nhiên, theo công bố thì dù đã kiểm tra khoảng 60-70% taxi, nhưng chưa phát hiện thiết bị “lạ” nào. Đây có phải hành động “mất bò mới lo làm chuồng” không thưa Luật sư? Thay vào đó các hãng xe này nên có những động thái gì?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Một trong hai hãng taxi tiến hành tổng kiểm tra khoảng 200 chiếc taxi đang hoạt động tại TP.HCM ngay sau khi vụ việc xảy ra, tuy nhiên, điều đó cũng không giải quyết được vấn đề. Nếu như vẫn còn những trường hợp khác có hành vi gian lận cước phí mà chưa bị phát hiện, thì sau khi vụ việc như trên xảy ra thì các đối tượng đương nhiên biết là công ty mình sẽ tiến hành kiểm tra. Từ đó các đối tượng sẽ ngay lập tức dừng hành vi đó lại, tháo bỏ tất cả các thiết bị “lạ” đi để tránh bị phát hiện. Chính vì vậy nên khi công ty tiến hành kiểm tra thì kết quả mới là dù đã kiểm tra khoảng 60- 70% taxi, nhưng chưa phát hiện thiết bị “lạ” nào. Các hãng xe cần phải có những biện pháp mới để quản lý tốt hơn tài xế và nhân viên của hãng mình, tránh xảy ra tình trạng gian lận giá cước như vụ việc vừa qua. Bên cạnh đó, các hang cần tiếp tục chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, chế tài áp dụng nếu có hành vi vi phạm như trên. Thường xuyên kiểm tra kỹ các phương tiện của hãng, nên có những buổi kiểm tra đột xuất, khi kiểm tra thì phải làm nghiêm túc và triệt để.

PV:  Theo Luật sư, trách nhiệm của các hãng taxi thế nào nếu có dấu hiệu buông lỏng quản lý, dẫn đến hành vi trục lợi của các đối tượng?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Ở đây phải kể đến trách nhiệm của người đứng đầu công ty. Người đứng đầu công ty không quản lý tốt dẫn đến việc gian lận cước làm ảnh hưởng tới khách hàng cũng như hình ảnh, uy tín của hãng taxi nói riêng và hình ảnh taxi TP.HCM nói chung. Để cho tài xế tự do, hoành hành như thế thì người đứng đầu công ty phải xem lại trách nhiệm của mình. Người đứng đầu cần thắt chặt lại việc quản lý để tránh xảy ra tình trạng gian lận như vậy lần nữa. Các hãng cần có những chế tài đối với những tài xế vi phạm cũng như những người buông lỏng việc quản lý, những chế tài đó phải đủ sức răn đe chứ không phải chỉ “Giơ cao đánh khẽ”.

PV:  Trên thực tế, đây không phải lần đầu những phản ánh về việc taxi “chặt chém” hành khách, du khách xuất hiện. Để những vụ việc như vậy diễn ra trong nhiều năm, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? (Thanh tra giao thông, Công an…?)

LS. Nguyễn Thanh Hà: Ngoài trách nhiệm lớn nhất thuộc về các hãng xe bởi đã buông lỏng việc quản lý thì bên cạnh đó một phần trách nhiệm cũng thuộc về các cơ quan thanh tra quản lý cũng như các đơn vị chức năng. Các cơ quan cũng chưa quản lý sát sao các xe kinh doanh vận tải cũng như có những biện pháp thích hợp nên mới vẫn còn tình trạng taxi “chặt chém” hành khách. Cũng chính vì thiếu sự quản lý chặt chẽ nên vẫn còn tình trạng taxi “dù”, taxi “giả” các thương hiệu uy tín gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và quyền lợi của hành khách. Mặt khác do thiếu các biện pháp xử lý phù hợp, các chế tài áp dụng hiện nay vẫn còn nhẹ chưa mang tính răn đe mạnh nên mới có những trường hợp bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục tái diễn.

PV:  Vâng, một điều mà dư luận rất quan tâm hiện tại, đó là phương thức, thủ đoạn… của các đối tượng này để gian lận cước phí ra sao. Có những chiêu trò gì mà các đối tượng có thể sử dụng để móc túi khách hàng?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Những phương thức, chiêu trò mà các đối tượng thường sử dụng để gian lận cước phí hành khách là các tài xế là phương thức ép giá thẳng. Phương thức này xuất hiện nhiều ở những chiếc chiếc taxi “dù”, taxi “giả” hoạt động với mức tính cước phí cao hơn rất nhiều, những đối tượng này cũng có những hành vi dọa nạt và bắt khách hàng phải trả tiền. Các đối tượng còn dùng thủ đoạn “móc túi”, bằng cách tính tiền chờ, tiền mở cửa xe, thay đổi kết cấu xe, giá cước không phù hợp với chất lượng xe và chất lượng phục vụ. Ngoài ra thì những đối tượng còn áp dụng những tiểu xảo khác để gian lận cước phí như chở khách lòng vòng để tăng thêm tiền cước, nhiều trường hợp sử dụng đồng hồ tính cước phí không chính xác hoặc là sử dụng những thiết bị để làm sai lệch đồng hồ tính cước, đổi lốp xe nhỏ hơn so với tiêu chuẩn quy định vì lốp xe nhỏ hơn thì với tốc độ vòng quay giống nhau nhưng quãng đường đi được lại ngắn hơn và tất nhiên từ đó gây ảnh hưởng đến đồng hồ tính cước.

PV: Vậy với những chiêu thức tinh vi như vậy, thường thì số tiền cước gian lận sẽ về túi ai? Những trường hợp này chỉ là “Con sâu làm rầu nồi canh” hay cũng là lời cảnh tỉnh cho những hãng Taxi đang có chiêu trò không đẹp lừa dối khách hàng?

LS. Nguyễn Thanh Hà: Ở Hà Nội, Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, tình trạng gian lận giá cước taxi đang là một vấn đề đáng báo động, đặc biệt là những hãng taxi hoạt động ở khu vực sân bay. Theo điều tra của các cơ quan chức năng và phóng viên đã ghi nhận được nhiều hình thức gian lận giá cước của các tài xế taxi để đánh lừa khách hàng. Một trong những chiêu trò phổ biến nhất đó là gắn chip điều khiển vào đồng hồ tính tiền cước hay cố tình đi sai tuyến đường khi thấy hành khách không phải người địa phương…Tất nhiên, với những chiêu thức tinh vi như vậy đều nhằm mục đích để chuộc lợi cá nhân chứ không phải tìm kiếm lợi ích cho công ty. Những số tiền cước gian lận trên sẽ được các tài xế “bỏ túi” của mình mà không nộp lại cho công ty.

Những trường hợp này không chỉ là “Con sâu làm rầu nồi canh” vì nó diễn ra quá phổ biến và tồn tại trong thời gian dài. Đây chính là lời cảnh tỉnh cho những hãng Taxi cần rà soát lại ngay hoạt động của doanh nghiệp vận tải của mình và tìm ra cách khắc phục tối đa cho thực trạng nhức nhối trên. Bởi lẽ hiện nay sự cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải truyền thống và đơn vị vận tải công nghệ là rất lớn, nếu các hãng taxi truyền thống không nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề thì khó có thể cạnh tranh được. Đối với các ứng dụng vận tải công nghệ hiện nay như: GRAB; BE; GOJEK… thiết kế các chức năng rất thuận tiện và kiểm soát được các hoạt động của tài xế, hạn chế được  tình trạng gian lận như: Số tiền và quãng đường hiển thị ngay trong ứng dụng để khách hàng có thể theo dõi trực tiếp, nêu tài xế gian lận thu quá số tiền hay đề nghị thu thêm tiền, có thái độ không tốt với khách hàng… ngay lập tức khách hàng có thể phản hồi qua ứng dụng và được nhà cung cấp ứng dụng chịu trách nhiệm xử lý. Thậm chí khách hàng sẽ được hoàn lại số tiền đã bị tài xế thu sai quy định, và các hình thức xử lý tài xế cũng rất rõ ràng. Thiết nghĩ các hãng taxi truyền thống cũng nên tiếp thu và làm mới cho doanh nghiệp của mình.

PV:  Trong vụ việc này, Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã tiến hành lập biên bản xử phạt hai tài xế với mức phạt là 700 nghìn đồng/người và công ty là 11 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn áp dụng hình phạt bổ sung là tước phù hiệu xe taxi trong thời gian 2 tháng. Theo Luật sư mức xử lý như vậy đã đủ răn đe các đối tượng hay chưa? Những người này có dấu hiệu vi phạm của tội danh nào khác hay không? (lừa đảo chiếm đoạt tài sản…?)

LS. Nguyễn Thanh Hà: Trong vụ việc trên, Thanh tra Sở GTVT TP HCM đang căn cứ vào Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để tiến hành xử phạt hai tàu xế và công ty. Tuy nhiên, mức hình phạt này chưa đủ sức răn đe, bởi số tiền các đối tượng vi phạm trục lợi có thể cao hơn rất nhiều so với số tiền nộp phạt. Do đó, thiết nghĩ, Thanh tra Sở cần đề xuất Sở GTVT báo cáo UBND thành phố, để có hướng xử lý mạnh hơn, tránh tái diễn các sai phạm nói trên.

Ngoài việc xử phạt hành chính, theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên, nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Do đó, ở đây có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng về giá trị tài sản bị chiếm đoạt và hậu quả của vụ việc cần  làm rõ hơn thì mới có thể đưa ra kết luận.

PV:  Ngoài những hình thức xử phạt, răn đe các đối tượng này thì có lẽ mỗi người dân cũng cần nâng cao cảnh giác khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng đúng không ạ? Có những cách thức nào để người dân có thể kiểm soát, nhận biết các đối tượng gian lận giá taxi hay không? Khi phát hiện các trường hợp này, người dân cần làm gì? (gọi điện báo tổng đài, không trả tiền…)

LS. Nguyễn Thanh Hà: Khi người dân, khách du lịch có nhu cầu di chuyển bằng taxi thì cần lưu ý các đặc điểm sau và một số việc cần làm:

 - Chọn hãng taxi uy tín, lưu lại số tổng đài và trước khi di chuyển nên gọi qua tổng đài thay vì bắt xe “dù” ở ngoài, trong trường hợp phải bắt xe ngoài thì cần hỏi giá và cân nhắc trước khi di chuyển, tránh tình trạng “việc đã rồi”.

 - Mỗi hãng taxi đều có giá cước dịch vụ và số tổng đài ở phần thân xe ngay cửa và  các vị trí rất dễ nhìn, chúng ta cần lưu lại để gọi ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, có thể sử dụng các ứng dụng để xác định quãng đường di chuyển để ước lượng cước phí. Hoặc có thể gọi đến tổng đài kiểm tra điểm đi và điểm đến để xem lại giá cước

 - Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện gian lận hãy gọi đến đường dây nóng của Sở GTVT để đơn vị phối hợp và xử lý.

 - Hiện nay các phương tiện di chuyển công nghệ đã rất phổ biến và có hệ thống chăm sóc khách hàng rất chu đáo và giám sát tài xế khá tốt chúng ta có thể tìm hiểu cân nhắc lựa chọn các đơn vị này.

PV: Thưa các chuyên gia, để ngăn chặn những vụ việc tương tự, dẹp bỏ tình trạng gian lận giá taxi, ép giá khách, chèo kéo khách, xe dù… thì các cơ quan chức năng, các hãng taxi, cũng như chính những tài xế cần làm gì?

LS. Nguyễn Thanh Hà:

Đối với các cơ quan chức năng

- Trước tình trạng gian lận giá cước taxi đang diễn ra phức tạp nhất là tại các Cảng hàng không quốc tế. Do đó các Cục Hàng không Việt Nam cần yêu cầu  các Cảng vụ Hàng không tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự và xử lý tình trạng này.

- Đồng thời, rà soát và bổ sung kế hoạch để tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ của các hãng taxi, xe công nghệ được nhượng quyền khai thác tại cảng.

- Cùng đó, rà soát lại các quy định, quy chế kiểm soát khai thác, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô tại cảng. Từ đó, xử lý doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định, quy chế hoặc hợp đồng đã được ký kết.

- Ngoài ra, cần rà soát, cần điều chỉnh lại các quy định, quy chế hoặc nội dung hợp đồng. Việc này nhằm có hình thức xử lý phù hợp, tăng tính răn đe và ngăn chặn cao đối doanh nghiệp vận chuyển hành khách bằng xe ô tô được nhượng quyền khai thác và người điều khiển phương tiện vi phạm có hành vi gian lận giá dịch vụ đã ban hành.

 - Đối với tất cả các đơn vị vận tải nói chung thì cơ quan chức năng cần đưa ra biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với các trường hợp vi phạm để từ đó đủ sức răn đe với tất ca các trường hợp đã, đang và sẽ vi phạm nhưng chưa bị phát hiện.

Đối với các hãng taxi:

- Tăng cường việc giám sát, kiểm tra hoạt động của tài xế nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm.

- Áp dụng các chính sách thưởng đổi với các tài xế thực hiện đúng nội quy công ty và tôn trọng khách hàng từ đó khuyến khích các hành động tích cực của tài xế khi làm việc.

- Phát triển tổng đài chăm sóc khách hàng để có thể nắm bắt được ngay vấn đề khi có vi phạm và xử lý những vấn đề trên một cách nhanh chóng.

- Áp dụng các biện pháp khoa học-kỹ thuật trong việc giám sát việc thu cước và các hoạt động của tài xế để doanh nghiệp có thể kiểm soát và phát hiện gian lận, thập chí là khách hàng cũng có thể phát hiện được như các đơn vị vận tải công nghệ đã thực hiện trên thực tế.

Đối với những tài xế :

- Thứ nhất, cần trung thực với khách hàng, bởi lẽ trong thời đại công nghệ 4.0 mức độ phủ sóng các mạng xã hội rất lớn nên nếu để sảy ra các vến đề gian lận KH cũng rất dễ dàng tố cáo và tài xế phải chịu hậu quả khá nghiêm trọng, thậm chí là mất việc làm. Do đó các tài xế cần cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện các hành vi gian lận đó.

- Thứ hai, cần tuân thủ theo đúng quy định của doanh nghiệp và các quy định của pháp luật, như phân tích nên trên việc gian dối để chiếm đoạt tài sản của khách hàng nếu thoả mãn các điều kiện của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tài xế không chỉ bị phạt hành chính mà còn đối mặt với trách nhiệm hình sự.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan