Vấn đề ủy quyền giữa công ty mẹ và công ty con

Nội dung bài viết

Trong mục doanh nghiệp hỏi, luật sư trả lời, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung về vấn đề ủy quyền giữa công ty mẹ và công ty con.

Doanh nghiệp hỏi: Công ty chúng tôi là công ty mẹ thì có được ủy quyền cho Công ty con quản lý điều hành hoạt động tại Cảng ICD hay không? ( cảng này là Công ty mẹ sở hữu) không? Công ty con là đơn vị hạch toán độc lập.

Luật sư trả lời:

Theo quy tại Điều 147 Luật Doanh nghiệp có quy định về quyền và trách nhiệm của Công ty mẹ với Công ty con như sau:

“1. Tuỳ thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.

4. Người quản lý của công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều này phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về các thiệt hại đó.

5. Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con đòi công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.

6. Trường hợp hoạt động kinh doanh như quy định tại khoản 3 Điều này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại.

Như vậy về nguyên tắc giữa Công ty mẹ và Công ty con mà phát sinh Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa Công ty mẹ và Công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.

Trong trường hợp này nếu Công ty mẹ ủy quyền cho Công ty con quản lý điều hành hoạt động tại cảng ICD thì phải tuân thủ các quy định pháp luật dân sự về ủy quyền như Thẩm quyền ủy quyền, nội dung ủy quyền và bên nhận ủy quyền.

Hiên nay đang có nhiều tranh luận về việc pháp nhân có được là bên nhận ủy quyền hay không vì theo quy định Điều 143 Bộ luật dân sự có quy định về bên nhận ủy quyền như sau:

1. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện).

 

Như vậy nếu Công ty con không có chức năng đại diện theo quy định pháp luật thì không được nhận ủy quyền theo quy định pháp luật về ủy quyền.

Để thực hiện được các nội dung như yêu cầu của Công ty mẹ thì Công ty mẹ và Công ty con ký hợp đồng hợp tác về việc quản lý điều hành tại cảng ICD nếu Công ty con có nghành nghề kinh doanh quản lý điều hành hoạt động cảng.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan