Nhận lời mời của Ban Đối Ngoại kênh VTC, luật sư Nguyễn Thanh Hà. Chủ tịch SBLAW đã có buổi trao đổi về Vai trò của luật sư trong việc tư vấn cho doanh nghiệp trong thương mại quốc tế.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:
1- Thưa Ông, trong thời gian qua việc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có những vướng mắc, thiếu thông tin về mặt pháp lý khiến công tác xúc tiến, phát triển xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Vậy bà có thể cho biết những thủ tục cần thiết nhất mà doanh nghiệp cần phải làm để có thể thực hiện kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa là gì?
Trả lời:
Trong thời gian qua có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có những vướng mắc, thiếu thông tin về mặt pháp lý nên ảnh hưởng đến việc xúc tiến, phát triển xuất nhập khẩu là cũng hoàn toàn không đúng.
Để khắc phục tình trạng này, hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động xúc tiến, khuyến khích xuất nhập khẩu đang được thay đổi một cách toàn diện nhất. Hiện nay Thông tư 128/2013/TT-BTC có hiệu lực từ 1/11/2013 đã hướng dẫn và quy định chi tiết về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong thông tư này đã chi tiết các thủ tục hành chính cũng như quy định, hướng dẫn việc các doanh nghiệp thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cán bộ hải quan trong việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Ngoài ra Thông tư còn quy định và hướng dẫn việc các doanh nghiệp trong trường hợp nào được nợ thuế, nộp dần tiền thuế, xóa nợ thuế cũng như thực hiện việc bảo lãnh nộp thuế xuất nhập khẩu của một tổ chức tín dụng.
Tại Điều 100 của Thông tư 128/2013/TT-BTC cũng thể hiện chính sách đối với doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại để phát triển hoạt động xuất nhập khẩu như: Miễn thuế xuất nhập khẩu đối với Hàng hoá tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc như: hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, khám chữa bệnh, linh kiện, phụ tùng tạm nhập để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài...
Các doanh nghiệp thực hiện việc xúc tiến thương mại để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu thì phải tự tìm hiểu các quy định pháp luật về xuất nhập khẩu chứ không nằm chờ thông tin tự đến. Nếu các Doanh nghiệp không thể cập nhập được các văn bản pháp luật, chính sách của nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu thì với tư cách là đơn vị trợ giúp pháp lý cho các Doanh nghiệp, chúng tôi (SB LAW) hoàn toàn có khả năng trợ giúp cho các doanh nghiệp này.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn về vai trò của luật sư
2- Thưa Ông, việc Mỹ thông qua đạo luật Nông trại, Farm Bill, trong đó có điều khoản, cá da trơn Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn tương đồng với các nông trại Mỹ từ quy trình sản xuất đến đóng gói và xuất khẩu, nhằm hạn chế cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Với cương vị là luật sư thương mại quốc tế, bà có ý kiến gì tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào lúc này?
Trả lời:
Khi Mỹ thông qua đạo luật Nông trại, Farm bill tức là họ đã thực hiện phương thức hàng rào kỹ thuật để nhằm hạn chế việc xuất khẩu các nông sản Việt Nam mà cụ thể ở đây là cá da trơn vào thị trường Mỹ. Trong quan hệ thương mại với các nước lớn mà cụ thể ở đây là Mỹ thì họ thường dùng phương thức bắt buộc các nước đang phát triển phải đảm bảo các tiêu chuẩn như đang áp dụng với các doanh nghiệp với họ từ sản xuất, đóng gói và xuất khẩu. Vì thông thường, các tiêu chuẩn về hàng hóa của các nước này rất cao, mà để các Doanh nghiệp Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn chất lượng như thế thì giá thành lại bị đẩy lên cao nên không vào được thị trường của họ. Thường các doanh nghiệp Việt Nam chỉ cạnh tranh được với các Doanh nghiệp bản địa về giá cả.
Vì vậy để vào được thị trường nước Mỹ, các Doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện việc tìm hiểu các quy trình, tiêu chuẩn của các sản phẩm được lưu hành tại nước Mỹ để làm cơ sở cho việc đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu. Các Doanh nghiệp xuất khẩu cần tham gia vào các hội chợ thương mại hàng nông sản của Mỹ để giới thiểu sản phẩm hoặc nghiên cứu thị trường và nhu cầu của Mỹ để thực hiện việc xuất khẩu các sản phẩm đã thông qua chế biến chứ không phải chỉ là các sản phẩm thô. Các doanh nghiệp cần liên hệ với các tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ để được trợ giúp pháp lý khi thực hiện hoạt động xuất khẩu.
3 - Thưa Ông, một thực tế rằng việc giao thương nông sản, hoa quả,.. qua đường tiểu ngạch, tức là buôn bán không có hợp đồng kinh tế với Trung Quốc đã gây rất nhiều thiệt hại cho phía chúng ta trong thời gian qua. Vậy để an toàn hơn, hiệu quả hơn thì những doanh nghiệp của chúng ta cần chuẩn bị những thủ tục liên quan đến pháp lý như thế nào?
Trả lời:
Những thủ tục liên quan đến pháp lý mà các doanh nghiệp cần chuẩn bị bao gồm:
Trước hết, các Doanh nghiệp cần tham gia các hội trợ thương mại về xuất nhập khẩu nông sản tại Việt nam hoặc tại nước xuất khẩu để tìm các đối tác có năng lực để hợp tác. Sắp tới từ 8-12/10/2014 tại Trung tâm triển lãm và hội trợ Tân Bình – 446 Hoàng Văn Thụ, phường 4 quận Tân Bình, TP. HCM có tổ chức Hội chợ nông sản xuất khẩu Việt Nam 2014. Đây là nơi để các Doanh nghiệp Việt Nam chào các mặt hàng của mình và tìm các đối tác cho hoạt động xuất khẩu.
Mặt khác để an toàn và hiệu quả hơn thì doanh nghiệp của chúng ta khi thực hiện hoạt động xuất khẩu cần có hợp đồng và thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa qua đường chính ngạch. Hiện nay các chính sách của Việt Nam là đang rất khuyến khích cho hoạt động xuất khẩu nông sản.
Ngoài ra, cần có đơn vị trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp hỗ trợ cho các Doanh nghiệp xuất khẩu trong việc cập nhật các văn bản pháp luật, chính sách xuất nhập khẩu cũng như quá trình đàm phán thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế để loại trừ những rủi do có thể xảy ra trong hoạt động xuất nhập khẩu.
4- Thưa Ông, những sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là hàng nông sản, nguyên liệu đầu vào dạng thô, và luôn gặp phải những rào cản phi thương mại như yêu cầu chất lượng sản phẩm ngặt nghèo, bị áp thuế chống bán phá giá,…Khi gặp những trường hợp này, thì Doanh nghiệp hay các hiệp hội cần phải thực hiện những hành động mang tính pháp lý như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trả lời:
Khi Việt Nam tham gia WTO là phải chấp nhận luật chơi chung của Tổ chức thương mại thế giới. Việc các nước phát triển thực hiện phương thức hàng rào kỹ thuật là để bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Vì vậy các doanh nghiệp, hiệp hội cần có sự hỗ trợ của các Luật sư am hiểu về Thương mại quốc tế cũng như Luật của các nước sở tại để tiến hành việc khởi kiện và chứng minh việc họ đặt ra các rào cản kỹ thuật là trái quy định của WTO. Hoặc để chứng minh việc giá thành của sản phẩm của Việt Nam thấp là do áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, do giá nhân công thấp chứ không phải do hỗ trợ từ Nhà nước. Thường các doanh nghiệp bản địa muốn ngăn cản các Doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường của họ thì họ lấy cớ là giá thành sản phẩm xuất từ Việt Nam là thấp là do được nhà nước trợ giá, hỗ trợ giá…
Ngoài ra các Doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu, tìm hiểu thị trường các nước để thực hiện việc xuất các sản phẩm đã qua chế biến thì giá trị xuất khẩu sẽ tăng và tránh được việc các Doanh nghiệp bản địa khởi kiện yêu cầu áp mức thuế cao hơn cho rằng bán phá giá.