Vai trò của các cơ quan tư pháp trong việc tạo dựng Môi trường đầu tư kinh doanh “an toàn” tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Tạp chí Pháp lý có bài phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thanh Hà về vai trò của các cơ quan tư pháp trong việc tạo dựng Môi trường đầu tư kinh doanh “an toàn” tại Việt Nam.

 

Tổng hợp 7 điểm mới của Luật Đầu tư 2020

Câu hỏi 1 : Theo báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) về Môi trường Kinh doanh 2020, trong 190 nền kinh tế được đánh giá, Việt Nam đạt 69,8/ 100 điểm và xếp thứ 70 toàn cầu. Qua đó, có thể thấy được trong những năm qua, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã dần được cải thiện.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh tuy nhiên yếu tố chính sách pháp luật là vô cùng quan trọng.

Ông đánh giá thế nào về pháp luật tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hiện nay (trong đó bao gồm chính sách pháp luật và cơ chế thực thi…)?

Luật sư trả lời:

Mức độ ổn định về chính sách pháp luật của một quốc gia cho phép doanh nghiệp có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng của môi trường đầu tư kinh doanh đến doanh nghiệp như thế nào, vì vậy, hệ thống pháp luật có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Tại Việt Nam, mới đây, Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa cả về chất lượng và số lượng doanh nghiệp, trở thành công cụ hữu hiệu để cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.

Ví dụ như điểm mới của Luật Ðầu tư năm 2020 là cắt giảm tới 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết về chấp thuận chủ trương đầu tư với cá nhân, hộ gia đình nhằm tiếp tục tinh thần tạo sự thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn và minh bạch trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ðồng thời, hóa giải nhiều xung đột pháp luật do sự chồng chéo, vướng mắc giữa các luật chuyên ngành, nhất là ở lĩnh vực xây dựng, đất đai…, vốn là nguyên nhân tạo thành điểm nghẽn trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án quy mô lớn mà nhiều địa phương, doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Tuy nhiên, thực tế thì môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao và phức tạp. Nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện dự án đầu tư không biết bắt đầu từ đâu, thực hiện quy định nào trước, quy định nào sau. Với các thủ tục về cấp phép dự án đầu tư, được quy định trong nhiều luật dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, không rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau. Những hạn chế đó dẫn đến việc e ngại đầu tư. Nhà đầu tư không dám kinh doanh lớn mà buộc phải kinh doanh nhỏ hay từ muốn kinh doanh chính thức chuyển sang kinh doanh không chính thức.

Câu 2: Theo như tìm hiểu của Phóng viên, nhiều chuyên gia, Doanh nghiệp đánh giá môi trường pháp luật về đầu tư kinh doanh của Việt Nam hiện nay là khá đầy đủ. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng khâu thực thi triển khai trong thực tế hoạt động kinh doanh của chung ta hiện nay đang tồn tại nhiều điểu yếu. Nguyên nhân dẫn đế tình trạng này đó là phần nào đó xuất phát từ chính các quy định pháp luật còn nhiều chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong thực thi; phần nào đó cũng xuất phát từ 1 bộ phận cán bộ, quan chức thực thi chưa thực sự nghiêm túc…, Ông có thể cho biết quan điểm của mình về những ý kiến này như thế nào?

Trả lời:

Thứ nhất, ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo bởi nhiều cơ quan khác nhau. Từ Luật xuống Nghị định, xuống Thông Tư còn có tình trạng là một Luật nhưng rất nhiều Thông tư, nhưng khi áp dụng thì lại áp dụng Thông tư chứ không không áp dụng Luật. Thông tư áp dụng lại có nhiều Thông tư quy định khác nhau. Chính những điều này dẫn tới nhiều mẫu thuẫn chồng chéo, rủi ro, rườm rà trong áp dụng pháp luật cho cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước khi thực hiện hoạt động quản lý.

Thứ hai, một số cán bộ, công chức, cơ quan công quyền, nhất là ở cấp cơ sở vẫn còn tồn tại tình trạng làm việc với tinh thần trách nhiệm chưa cao, nhiều khi còn cứng nhắc, thiếu sự cảm thông, chia sẻ, gây nhũng nhiễu với người dân và doanh nghiệp dẫn đến khó khăn rất nhiều trong việc tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, có hiệu quả.

Câu 3: Thời gian qua, Tạp chí Pháp lý thực hiện chuyên đề về xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh “an toàn”. Trong đó, có nhiều ý kiến chuyên gia đã nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan Tư pháp (Cơ quan điều tra; Viện Kiểm sát; Toà án) là rất lớn trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh “an toàn”. Quan điểm của Ông về vấn đề này như thế nào? Cá nhân ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về vai trò của các cơ quan Tư pháp trong việc đảm đảm bảo môi trường kinh doanh “an toàn” tại Việt Nam trong thời gian qua?

Trả lời:

Môi trường đầu tư kinh doanh chịu sự tác động của nhiều yếu tố như yếu tố kinh tế, chính trị, pháp luật, xã hội, văn hóa, tự nhiên, công nghệ. Trong đó, hệ thống pháp luật và các cơ chế thi hành pháp luật là một trong những yếu tố rất quan trọng. Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ của Chính phủ, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, bình đẳng, minh bạch và thuận lợi hơn. Từ đó từng bước tạo nên một môi trường đầu tư “an toàn”.

Ở Việt Nam, từ trước đến nay, vai trò của các cơ quan tư pháp như Tòa án, Cơ quan điều tra, Việt kiểm sát đối với việc áp dụng, bảo vệ pháp luật luôn luôn được đề cao. Hệ thống pháp luật chỉ ghi nhận và điều chỉnh những hoàn cảnh và hành vi đặc trưng nhất và điển hình nhất trong đời sống thực tế, coi đó là những quy tắc mẫu mực hợp lý nhất. Đó là cũng là yêu cầu về tính ổn định của pháp luật. Chính vì vậy, các quy phạm của pháp luật không thể phản ánh được hết tất cả các mặt của đời sống xã hội rất đa dạng. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự sáng tạo và thể hiện vai trò quan trọng của hoạt động áp dụng luật, của hoạt động thực tiễn.

Từ năm 2014 cho đến nay, hàng loạt các chính sách được ban hành và thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước. Việc này đã cho nhiều kết quả tích cực: Chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam ngang hàng với mức trung bình các nước ASEAN 4, môi trường kinh doanh năm 2020, Việt Nam đạt 69,8/ 100 điểm tăng đáng kể so với 2018 (58/100) và 2019 (61,5/100) và xếp thứ 70 toàn cầu. Qua đó, có thể thấy Hệ thống tư pháp Việt Nam đã từng bước được cải cách đáng kể và không ngừng hỗ trợ phát triển ngành kinh tế.

Những bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế và chính sách liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh “an toàn” có thể thấy rõ nhất qua việc thực hiện triệt để việc phòng chống tham nhũng để phần minh bạch hoá môi trường kinh doanh, như: thông qua Luật Tiếp cận thông tin, hoàn thành công tác đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và triển khai sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng (tháng 11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tham nhũng mới), tiếp tục luật hóa quy định của Công ước Chống tham nhũng của Liên Hợp quốc (UNCAC) về hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi, xử lý nghiêm các vụ án thiếu minh bạch trong quá trình thực thi pháp luật.

Có thể nói, đây là những bước tiến đầu tiên của nhà nước trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh an toàn - chìa khóa để có thể thúc đẩy kinh tế, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư và cùng phát triển.

Câu 4: Xin Ông chỉ ra một số những bất cấp hạn chế của các cơ quan Tư pháp trong việc đảm đảm bảo môi trường kinh doanh “an toàn” tại Việt Nam trong thời gian qua?

Để có được một môi trường kinh doanh thực sự “an toàn” tại Việt Nam, Theo Ông các cơ quan Tư pháp (gồm: cơ quan điều tra; Viện Kiểm sát; Toà án) trong thời gian tới cần có những giải pháp gì?

Trả lời:

Hoạt động tư pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, đảm bảo môi trường kinh doanh “an toàn”, góp phần phát triển các mặt của đời sống xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, trong hoạt động tư pháp vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục như:

Thứ nhất, tiến độ giải quyết các vụ việc tại các cơ quan tư pháp thường bị kéo dài, chia tách thành nhiều giai đoạn, đơn cử như một số vụ việc tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại kéo dài tới hàng chục năm, làm phát sinh chi phí tố tụng rất lớn, ảnh hưởng nguồn lực của doanh nghiệp, người dân.

Thứ hai, trong hoạt động giám định tư pháp còn nhiều bất cập, cụ thể về cơ chế, tổ chức, thẩm quyền, chức năng và phương pháp, căn cứ xác định thiệt hại. Hiện vẫn còn tình trạng không thống nhất về thời điểm xác định thiệt hại như thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử, ...

Những hạn chế, vi phạm trong hoạt động tư pháp không những khiến cho lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp bị lung lay mà còn ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đây là yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn xã hội.

Để đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và áp dụng luật pháp công bằng, thiết nghĩ, trước tiên các cơ quan tư pháp phải củng cố chuyên môn để làm việc chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và đặc biệt phải liêm chính, bình đẳng, công minh, thượng tôn pháp luật.

Hiện nay, hệ thống pháp luật thực định do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành vẫn thiếu cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu rõ ràng trong những tình huống nhất định và tiềm ẩn những khả năng phải điều chỉnh. Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra và bảo đảm thực thi nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, phán quyết của Tòa án. Từ đó mới có thể tạo niềm tin cho doanh nghiệp về hệ thống tư pháp để doanh nghiệp không còn e ngại khi có rủi ro xảy ra không giải quyết được mà dè chừng khi tham gia môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Câu 5: Vừa qua, Chính phủ đề ra chủ trương yêu cầu các cơ quan Tư pháp không hình sự hoá quan hệ kinh tế… Điều này đã góp phần trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh “an toàn”. Tuy nhiên, bên cạnh viện hạn chế hình sự hoá các quan hệ kinh tế, việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn đòi hỏi các cơ quan Tư pháp phải bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư (trong đó đặc biệt là quyền tài sản) như thế nào khi có những tranh chấp, kiện tụng xảy. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này? Để bảo vệ quyền tài sản cho Doanh nghiệp, nhà đầu tư, vai trò của các cơ quan Tư pháp như thế nào?

Trả lời:

Có thể hiểu khái niệm "hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế" đơn giản sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự theo đó người có hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hoàn trả tài sản xác lập từ giao dịch dân sự hoặc kinh tế tuy không cấu thành tội phạm nhưng đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo pháp luật hình sự và tố tụng hình sự bởi các cơ quan tiến hành tố tụng. Như vậy, đây trước hết được cho là sự sai lầm trong áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan tư pháp. Sự sai lầm dù cố ý hay vô ý này có thể gây oan sai cho người vô tội và các nhà đầu tư có thể hiểu lầm, cho rằng các cơ quan tư pháp đang can thiệp trái pháp luật vào sự vận động bình thường của các giao dịch dân sự.

Do đó, nếu tình trạng này diễn ra nhiều, phổ biến sẽ không thể khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư có hiệu quả được do e ngại về môi trường đầu tư thiếu minh bạch và “không an toàn”.

Tương tự, đối với việc được bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp. Nếu như doanh nghiệp có thể được bảo vệ một cách chắc chắn về tài sản sẽ có thêm động lực gia tăng lượng của cải, làm giàu cho bản thân doanh nghiệp, cho xã hội. Còn trong trường hợp quyền tài sản của họ không được bảo vệ và dễ bị xâm hại thì các doanh nghiệp sẽ nảy sinh tâm lý dè chừng, chỉ lo “giữ của” mà không hăng hái tham gia vào phát triển kinh tế- xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp không thể phát triển lớn mạnh như kỳ vọng mặc dù Chính phủ rất quan tâm đưa ra nhiều chính sánh, giải pháp để cải cách môi trường kinh doanh, một phần chính là do sự hạn chế của các cơ quan tư pháp.

Thực tế thì doanh nghiệp chỉ nhìn nhận vai trò của các cơ quan tư pháp khi có tranh chấp xảy ra và họ mới phát sinh nhu cầu về một thể chế tư pháp có hiệu lực, có năng lực, công bằng và nhanh chóng để bảo vệ tài sản cho họ. Tuy nhiên, nhiều vụ kiện còn rất mất thời gian, kéo dài, hiệu quả không cao gây lãng phí tài chính cho doanh nghiệp. Nhìn từ góc độ này, nền tư pháp sẽ kìm hãm và cản trở nền kinh tế.

Chúng ta cũng dễ thấy được rất nhiều ý kiến thúc đẩy cải cách tư pháp nhưng lại không nhận được sự quan tâm thích đáng ở các cấp và vẫn thiếu đi động lực thúc đẩy cho cải cách nền tư pháp. Để có thể thực sự tạo dựng Môi trường đầu tư kinh doanh “an toàn” tại Việt Nam, đòi hỏi không chỉ ở trình độ lập pháp mà còn từ khâu áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật của mỗi cá nhân hoạt động trong ngành tư pháp. Chỉ khi ngành tư pháp hoạt động hiệu quả, các nhà đầu tư tin tưởng thì kinh tế mới có thể đi lên trong điều kiện tốt nhất.

Câu 6: Từ năm 2019 đến nay, rất nhiều chủ trương khẩu hiệu đề cao tinh thần “liêm chính” của cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước cũng như chủ thể môi trong môi trường đầu tư kinh doanh như: Chính phủ “liêm chính”; các bộ ban nghành “liêm chính” Tư pháp “liêm chính”; Kinh doanh “liêm chính”, …

Để đạt được “liêm chính” trong môi trường đầu tư kinh doanh cần những giải pháp gì để “liêm chính” không còn là khẩu hiệu? Có cần luật hoá “liêm chính” hay không? Chế tài thế như thế nào nếu không “liêm chính”?

Trả lời:

Có khá nhiều cách khác nhau để định nghĩa về từ “liêm chính”. Hiểu một cách dễ nhất, “liêm chính” tức là trung thực, có đạo đức, không tham lam, trong sạch và ngay thẳng. Đặt vào trong môi trường đầu tư kinh doanh và các quan hệ giữa Chính phủ, các bộ ban ngành và các nhà đầu tư, ta có thể hiểu liêm chính theo nghĩa rộng nhất, tức là tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực chung.

Với định nghĩa ngắn gọn như vậy nhưng khi áp dụng vào thực tế, ta thấy rằng để có thể ứng xử một cách “liêm chính” thì lại rất khó khăn mặc dù có rất nhiều chủ trương và khẩu hiệu đề cao tinh thần này.

Đầu tiên, khung pháp lý của chúng ta nhìn chung, đã có thể bao phủ được hầu hết các mối quan hệ đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những quy tắc mới thì cũng còn nhiều quy tắc đang không phù hợp thực tế, đòi hỏi được sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn chi tiết. Đặc biệt, việc có quá nhiều quy tắc và thủ tục, thậm chí là mâu thuẫn pháp luật có thể tạo ra rào cản đối với các nhà đầu tư.

Do đó, chúng ta cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật bằng cách nâng cao trình độ lập pháp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhưng cũng đồng thời siết chặt các chế tài nhằm răn đe và quy định rõ nghĩa vụ, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan.

Thiết nghĩ, việc luật hóa “liêm chính” là không thể trong thực tiễn và cũng không cần thiết. Lý do bởi vì chúng ta đã có quá nhiều quy tắc, quy định từ các văn bản pháp luật đến các quy chế của tổ chức và chuẩn mực đạo đức xã hội, …. mà bản chất liêm chính thì chính là việc tuân thủ đầy đủ các quy tắc này.

Vậy nên nếu ban hành thêm một bộ quy tắc hoặc một đạo luật mang tính chất bắt buộc về “liêm chính” sẽ gây ra sự chồng chéo. Hơn nữa, “liêm chính” chỉ là một thuật ngữ mang tính tương đối, có nhiều cách hiểu khác nhau theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nếu như tuyệt đối hóa thuật ngữ này bằng một văn bản pháp luật thì văn bản đó cũng khó mà có giá trị lâu dài được khi cách hiểu thuật ngữ thay đổi theo sự phát triển của xã hội.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan