Bộ Công an đã bắt nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội cùng 2 bị can khác vì những vi phạm liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.

Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW. Dưới đây là những chia sẻ của luật sư Nguyễn Thanh Hà về những lỗ hổng trong công tác đấu thầu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW.

-Ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?

Cuối năm 2016 Sở KH&ĐT TP Hà Nội đã có Quyết định Phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội của Sở Kế hoạch và Đầu tư - năm 2016”.

Kế hoạch đấu thầu gói thầu này được thực hiện dựa trên đề nghị của Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh số 01 - Sở KH&ĐT TP Hà Nội. Đây là đơn vị bà Phạm Thị Kim Tuyến từng làm người phụ trách phòng.

Giá trị gói thầu là hơn 42,9 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn chi sự nghiệp khoa học công nghệ (nghiệp vụ ngoài định mức) năm 2016. Thời gian thực hiện hợp đồng là 270 ngày, tính từ ngày kí hợp đồng.

Công ty Nhật Cường và Công ty Đông Kinh đã liên danh để thực hiện đấu thầu. Gói thầu được mở thầu ngày 23/12/2016, đơn vị trúng thầu là liên danh Nhật Cường – Đông Kinh. Hợp đồng được ký sau đó 3 ngày vào ngày 26/12/2016.

Các bị can bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu giá gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 – 2017 tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Đây là mới là giai đoạn đầu của quá trình điều tra, dư luận cần cẩn trọng trong việc xác định tội danh, cần đợi quá trình xác minh, lấy lời khai của các bị can sau đó còn quá trình trưng cầu giám định để có thể kết luận là các bị can trên có vi phạm pháp luật hay không? Và nghiêm trọng đến mức độ nào?

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của tôi, để ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam thì các cơ quan điều tra đã có một quá trình dài xác minh, khi có đủ căn cứ mới tiến hành quá trình tố tụng.

Từ vụ việc này, có thể thấy, nhiều hoạt động đấu thầu, nhất là các gói thầu của các đơn vị công thường chứa nhiều tiêu cực, không khách quan, nhiều gói thầu có giá trị thường bị sắp xếp cho những doanh nghiệp thân hữu trúng thầu, rất ít gói thầu mà quá trình đấu thầu khách quan, trung thực.

Việc xử lý vụ việc này một cách nghiêm túc, đưa vào diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng theo dõi được cho là dấu hiệu thể hiện sự quyết tâm chống lại hành vi thông thầu nói riêng và tham nhũng nói chung.

-Từ góc nhìn luật pháp, theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này, thưa ông?

Qua sự việc trên có thể thấy công tác tổ chức đấu thầu đang vẫn có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng.

Trước đây chúng ta chỉ chú ý đến việc giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện thầu mà chưa tính đến việc phải giám sát cả chính cơ quan quản lý thầu.

Vụ việc trên đã cho thấy chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm tổ chức đấu thầu.

Rõ ràng, trong thời gian xảy ra sai phạm, bên mời thầu đã có sự “ưu ái” cho Nhật Cường khi để Nhật Cường trúng gói thầu hàng trăm tỷ đồng trong khi công ty này có nhiều những dấu hiệu không minh bạch. Chỉ đến nay, khi việc vi phạm này gây ra hậu quả nghiêm trọng, những cá nhân sai phạm mới được phát hiện và xử lý.

Từ vụ việc này, đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường hơn các biện pháp về tổ chức đấu thầu, quản lý việc chọn lựa đơn vị trúng thầu và công tác giám sát, kiểm tra để phát hiện kịp thời những sai phạm.

Bên cạnh đó, việc thông thầu, các công ty sân sau của quan chức trúng thầu những dự án lớn đang là một vấn nạn, việc hoàn thiện pháp luật đấu thầu chưa đủ mà quan trọng là công tác hậu kiểm, khi phát hiện những tiêu cực trong đấu thầu, cần xử lý nghiêm và cần nâng cao đạo đức của các cán bộ liên quan tới quản lý và tổ chức gói thầu.

-Dường như nguyên nhân của mọi vấn đề đều bắt nguồn từ "lợi ích nhóm", thưa luật sư?

Các dự án có vốn đầu tư của Nhà nước hiện nay được quản lý đầu tư theo quy trình khép kín. Bộ, ban ngành, địa phương nào cũng có dự án và cũng có doanh nghiệp trực thuộc, doanh nghiệp “thân quen”.

Vì thế, việc xảy ra tiêu cực trong đấu thầu để giành dự án cho công ty thân quen là không thể tránh khỏi.

Thực trạng này khiến dư luận hết sức lo ngại về tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh cũng như đặt những dấu hỏi lớn về “lợi ích nhóm” trong hoạt động đấu thầu.

Rõ ràng, hành lang pháp lý để xử lý trách nhiệm cá nhân vi phạm trong lĩnh vực này không thiếu, vấn đề còn lại là khâu thực thi.

Để tạo môi trường cạnh tranh minh bạch trong đấu thầu, rất cần sự xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật những đối tượng vi phạm. Tránh tình trạng dù có kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng việc xử lý chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc” dẫn đến nhờn chế tài.

Nguồn: https://enternews.vn/tu-vu-nhat-cuong-boc-tran-nhung-lo-hong-trong-cong-tac-dau-thau-162607.html