Từ vụ Asanzo: Chuẩn hóa quy định dán nhãn “Made in Vietnam” để hạn chế rủi ro pháp lý

Nội dung bài viết

Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định việc chuẩn hóa quy định “Made in Vietnam” sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế được rủi ro pháp lý trong kinh doanh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa có kết luận điều tra vụ Asanzo. Kết luận của C03 nêu rõ: “Chưa có căn cứ xác định việc hưởng lợi của Asanzo trong việc bán hàng hóa xuất xứ “Trung Quốc” đội lốt hàng hóa có xuất xứ “Việt Nam” tại thị trường Việt Nam.

Do đó, chưa có căn cứ xác định Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo”. Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư Lương Văn Chương, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

-Quan điểm của ông về kết luận này?

Thực tế, vụ việc này phức tạp và còn gây nhiều tranh cãi bởi nguyên nhân chủ yếu là do sự chưa rõ ràng trong các quy định của pháp luật.

Theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP qui định chi tiết Luật Quản lí ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định nêu rõ: “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

Khái niệm hàng hóa Việt Nam có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau như: hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam; hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam.

Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP qui định quy định về công đoạn gia công, chế biến đơn giản là công đoạn gia công, chế biến sau đây khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ:

“1. Các công việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự).

2. Các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng Phần.

3. Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác.

4. Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự.

5. Trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại.

6. Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh …”.

Đối với hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 984/QĐ-BCT về Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia, với tiêu chí để hàng hóa được gắn mác Giá trị Việt Nam (Vietnam Value) nhằm quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Cụ thể, Điều 4 Quyết định 984/QĐ-BCT đưa ra các tiêu chí chủ yếu để sản phẩm tham gia Chương trình được bình chọn mang Biểu trưng Thương hiệu quốc gia:

“1. Là kết quả của quy trình sản xuất và quản trị kinh doanh hiện đại, đáp ứng các yêu cầu, quy định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong từng thời kỳ.

  1. Được sản xuất và cung ứng bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, sử dụng nguyên vật liệu trong nước và có khả năng xuất khẩu và thay thế sản phẩm nhập khẩu.
  2. Chất lượng sản phẩm được đảm bảo bằng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và được công nhận theo các quy định của pháp luật hiện hành.
  3. Thiết kế và công năng sử dụng có tính ưu việt và sáng tạo.
  4. Thương hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và được sở hữu bởi các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thành lập tại Việt Nam.
  5. Có chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; có bộ máy chuyên trách quản trị thương hiệu.
  6. Chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nội địa và trong kim ngạch xuất khẩu.
  7. Được người tiêu dùng bình chọn”.

Mặc dù vậy, các văn bản nêu trên tập trung vào quy định về yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu Việt Nam. Hiện chưa có quy định về bộ tiêu chí, cũng như tỉ lệ nội địa hóa để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Asanzo thực hiện việc mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước, trong đó có bốn công ty do những người trong gia đình ông Phạm Văn Tam đứng tên gồm: Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Asanzo, Công ty CP Viễn thông Asanzo và Công ty TNHH Truyền Thông Asanzo. Sau đó thực hiện việc gia công, lắp ráp để tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh rồi ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam”. Chính vì quy định mập mờ, chưa rõ ràng trong hệ thống pháp luật do đó việc Cơ quan Cảnh sát điều tra BCA ra quyết định trên không phải không có cơ sở, đồng thời việc chứng minh có hành vi lừa dối khách hàng ở đây của Asanzo sẽ đòi hỏi thêm nhiều yếu tố và dữ liệu khác.

-Phải chăng cơ quan quản lý nhà nước chỉ quan tâm đến vấn đề hàng xuất khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), còn quy định về chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất, tiêu thụ trong nước vẫn bỏ ngỏ?

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của các Hiệp định thương mại tự do lên các giao dịch hiện nay, đặc biệt Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08 vừa rồi đã tạo sự thu hút lớn từ cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn các doanh nghiệp.

Thực tế, các vụ việc tranh chấp xảy ra thời gian vừa qua phần lớn liên quan đến hàng xuất nhập khẩu, còn hàng hóa sản xuất tiêu thụ trong nước thì vụ việc Asanzo này mới là vụ việc điển hình trong thời gian gần đây. Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “sản xuất tại Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Đây cũng là hồi chuông báo động mới cho các nhà làm luật cần bắt đầu quan tâm đến quy định về hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước để tránh các tình huống gây tranh cãi tương tự sau này.

-Sau hơn 1 năm Bộ Công Thương công bố dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng quy định còn chung chung, bộc lộ nhiều bất cập. Ông đánh giá như thế nào về tác động của dự thảo Thông tư quy định (khi chính thức áp dụng) đối với các doanh nghiệp?

Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam do Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý bao gồm một số nội dung chính như sau:

– Các điều khoản chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích các thuật ngữ sử dụng trong Thông tư;

– Các trường hợp được phép và không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam, cách thức và ngôn ngữ thể hiện;

– Các trường hợp, tiêu chí để hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam;

– Các quy định khác liên quan đến việc xác định hàng hóa của Việt Nam (gia công đơn giản, bao bì phụ kiện, tỷ lệ linh hoạt, yếu tố gián tiếp);

– Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa và tổ chức thực hiện.

Về cơ bản, Thông tư trên đã có những quy định để giải thích và điều chính các hoạt động liên quan đến xác định hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng còn một số phần chưa rõ ràng như Điều 1 quy định Thông tư này không áp dụng cho hàng nhập khẩu đã có nhãn mác thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam, vậy việc ghi nước xuất xứ sẽ được thực hiện như thế nào? Hay các sản phẩm từ trước tới nay vẫn được dán nhãn “Made in Viet Nam” hay sử dụng danh xưng “hàng Việt Nam” sẽ được giải quyết ra sao?,… Khi đã trả lời được các vướng mắc trên thì chắc chắn Thông tư ra đời sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, cũng như giảm tối đa hiểu nhầm và tranh chấp sau này.

-Trong trường hợp Việt Nam đã đặt ra quy định về dán nhãn “made in Vietnam”, doanh nghiệp đã đáp ứng được, song hàng hóa vẫn có thể kém chất lượng vì xuất xứ không điều chỉnh được chất lượng. Liệu điều này có dẫn đến việc cả xuất xứ cũng như thương hiệu sản phẩm, thương hiệu quốc gia bị xâm hại không, thưa ông?

Hiện nay, việc đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn Quốc gia thì không phải là nhà sản xuất trong nước nào cũng có thể làm được. Xuất xứ hàng hóa từ quốc gia nào và chất lượng hàng hóa vốn là không có sự liên quan mật thiết đến nhau; nhưng yếu tố chất lượng khoa học công nghệ, trình độ sản xuất, chiến lược truyền thông quảng bá sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa,… là những mắt xích gắn liền hai khái niệm này lại với nhau.

Do đó, để đảm bảo được thương hiệu quốc gia thì cần phải đảm bảo thước đo là tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật – chất lượng Quốc gia do Nhà nước ban hành.

Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển khả năng sản xuất hàng hóa của các nhà sản xuất cũng như nâng cao tiêu chuẩn cùng với kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng hàng hóa không chỉ đối với hàng hóa xuất khẩu mà hàng hóa sử dụng, tiêu dùng phục vụ nhu cầu trong nước, như vậy mới có thể đảm bảo được thương hiệu quốc gia.

Thực tế, nước ta có trình độ sản xuất còn chưa được phát triển thì đây là bài toán khó giải, cần phải có chiến lược phát triển lâu dài. Có như vậy, doanh nghiệp mới phát triển bền vững, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập hơn vào thị trường thế giới.

Trên thực tế Nhà nước đã có những biện pháp cụ thể cho các trường hợp gian lận xuất xứ hay nói cách khác là vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về xuất xứ, ví dụ như: Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 3 tháng hoặc 6 tháng tùy trường hợp đăng tải không đúng hoặc kê khai gian lận thông tin xuất xứ; Thu hồi Giấy chứng nhận hàng hóa đã cấp và tạm dừng Giấy chứng nhận hàng hóa; Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ngoài các biện pháp chống gian lận xuất xứ nêu tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 29 Nghị định này còn được áp dụng chế độ luồng đỏ trong hệ thống quản lý rủi ro đối với thương nhân và công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

-Trở lại câu chuyện của Asanzo. Nghi vấn lừa dối người tiêu dùng cùng với khoảng thời gian chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra đã khiến Asanzo bị thiệt hại không nhỏ. Trong khi ở Việt Nam hiện nay, không ít doanh nghiệp mô hình kinh doanh tương tự Asanzo. Ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp?

Với các doanh nghiệp sản xuất trong nước hiện nay, nếu không có sự thay đổi thì tương lai sẽ phải chịu những rủi ro pháp lý nghiêm trọng bởi lẽ dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam sẽ sớm được đưa vào thực tế.

Các cơ quan chức năng cùng các cơ quan báo chí cũng có sự kiểm soát chặt chẽ và người tiêu dùng cũng dần trở nên thông thái hơn. Cái mà các doanh nghiệp cần hướng tới hiện nay đó là sự phát triển bền vững, lâu dài; để làm được điều đó chỉ có cách là phát triển sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khách hàng của mình và chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Bài học dành cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập thì rất nhiều, nhưng có lẽ một trong những bài học vỡ lòng mà các doanh nghiệp của Việt Nam nên học ngay từ đầu là: Kinh doanh trong bất cứ môi trường nào đều phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, tư duy chiến lược dài hơi, thượng tôn pháp luật, và thấu hiểu người tiêu dùng.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Link bài viết: https://enternews.vn/chuan-hoa-quy-dinh-dan-nhan-made-in-vietnam-181683.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan