Câu hỏi:
Công ty tôi được thành lập từ tháng 12/2009 đến nay đã được gần 08 năm với 3 thành viên góp vốn. Hiện nay, do không thể hợp tác nữa nên tôi muốn rút vốn đã góp và cổ phần sở hữu của tôi hiện nay trong công ty là 3 tỷ, chiếm 35% cổ phần của công ty. Trong đó, 1 tỷ là tiền mặt tôi góp vào lúc đầu thành lập còn 2 tỷ là cổ tức hàng năm tôi được hưởng từ lợi nhuận. Vậy nay tôi muôn rút vôn thì phần 1 tỷ kia tôi hiểu là phải bán cổ phần còn 2 tỷ đó tôi có rút bằng tiền mặt được không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.
Liên quan đến thắc mắc của bạn, SB LAW xin tư vấn như sau:
Khoản 3 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:
“3. Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính”.
Điều kiện để trả cổ tức cho các cổ đông trong công ty khi công ty làm ăn có lãi, đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước và đảm bảo thanh toán các khoản nợ khi đến hạn thì phía công ty sẽ được quyền chi trả cổ tức cho các cổ đông dựa theo tỷ lệ phần vốn góp của họ.
Trong trường hợp của bạn, các cổ đông đã thỏa thuận không chia cổ tức mà dùng để nâng vốn điều lệ cho công ty. Khi muốn thực hiện rút 2 tỷỉ cổ tức hàng năm bạn có thể rút bằng tiền mặt trong trường hợp các cổ đông còn lại đồng ý. Nếu các cổ đông còn lại không đồng ý với phương thức này, bạn có thể thực hiện chuyển nhượng cổ phần theo quy định tại Điểm d khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014:
"d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này”.
Theo quy định tại Khoản 3 Đều 119 Luật Doanh nghiệp 2014:
"3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó”.
Và quy định tại Khoản 1 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014:
"1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng”.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì:
Trường hợp 1: Nếu bạn là cổ đông phổ thông thì bạn có thể rút vốn ra khỏi công ty cổ phần bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần cho người khác nếu điều lệ công ty không quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Việc bán cổ phần được thực hiện bằng hợp đồng hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần phổ thông và các quy định này được nêu rõ trong cổ phiếu của bạn thì việc chuyển nhượng của bạn thực hiện theo các quy định đó.
Trường hợp 2: Nếu bạn là cổ đông sáng lập thì bạn chỉ có thể rút vốn ra khỏi công ty bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần cho người khác khi kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến thời điểm chuyển nhượng đã được 3 năm. Sau thời điểm 3 năm, cổ đông sáng lập có thể tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho thành viên sáng lập khác. Nhưng nếu muốn chuyển nhượng cổ phần đó cho người không phải là cổ đông sáng lập thì phải được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông.