Câu hỏi:
Thưa Luật sư, công ty tôi hiện sở hữu hai giấy tờ công ty là:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho văn phòng tại Hà Nội
- Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho kho tại Bắc Ninh
Tuy nhiên, cả hai cơ sở này của công ty chưa treo biển hiệu tên doanh nghiệp. Công ty muốn hỏi một số vấn đề như sau:
- Quy định pháp luật hiện hành có bắt buộc phải treo biển hiệu tên doanh nghiệp tại trụ sở chính và/hoặc các địa điểm kinh doanh không?
- Trong trường hợp cần thiết kế biển hiệu, cần chú ý đến những nội dung gì?
- Các quy định khác liên quan đến biển hiệu nếu có.
- Nếu doanh nghiệp hiện chưa treo biển hiệu thì có bị xử phạt hành chính không?
Trả lời:
SB Law xin phản hồi lại chị như sau:
- Về vấn đề có bắt buộc phải treo biển hiệu tên doanh nghiệp tại địa chỉ trụ sở chính và/hoặc địa điểm kinh doanh không?
Căn cứ Điều 37.4 Luật Doanh nghiệp 2020, tên doanh nghiệp (biển hiệu) phải được gắn tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
- Các nội dung trên biển hiệu mà công ty cần lưu ý đó là:
Căn cứ Điều 34 Luật Quảng cáo 2012, các nội dung phải có trong biển hiệu bao gồm:
- a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
- b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- c) Địa chỉ, điện thoại.
- Ngoài ra nội dung còn một số vấn đề liên quan đến biển hiệu mà công ty cần lưu ý đó là:
- Quy định màu sắc của biển hiệu
Hiện nay pháp luật không có quy định về màu sắc của biển hiệu, do đó công ty có thể tùy nghi lựa chọn màu sắc của biển hiệu.
- Kích thước của biển hiệu
Căn cứ Điều 34.3 Luật Quảng cáo 2012, kích thước của biển hiệu phải bảo đảm như sau:
- a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
- b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
- Vị trí đặt biển hiệu
Căn cứ Điều 34.4 Luật Quảng cáo 2012, vị trí đặt biển hiệu phải bảo đảm như sau: Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
SB Law khuyến nghị công ty đặt biển hiệu tại vị trí có thể dễ dàng nhận diện được.
- Về việc thêm logo công ty vào biển hiệu
Ngoài các nội dung phải có nêu tại Mục 1.2, công ty có thể bổ sung các thông tin khác trên biển hiệu như mã số thuế (mã số doanh nghiệp), logo,… Không có quy định nào giới hạn tỷ lệ các trường thông tin trên trong một biển hiệu, miễn là bảo đảm yếu tố rõ ràng, có thể đọc được, nhìn được.
- Về việc xử phạt hành chính khi công ty chưa treo biển
- Về mức xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ Điều 52.2.c Nghị định 122/2021/NĐ-CP, công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
- Về biện pháp khắc phục hậu quả:
Công ty có thể bị buộc gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
- Về thời hiệu xử phạt:
Căn cứ Điều 6.1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hạn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này là 1 năm, tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với vi phạm hành chính đã kết thúc hoặc tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện.
Căn cứ Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Tổng kết lại, SB Law khuyến nghị công ty thực hiện việc treo biển hiệu sớm, tránh trường hợp bị phát hiện dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính.
|