Câu hỏi: Công ty mình có trụ sở tại Hà Nội. Hiện tại, Bên mình đang chuẩn bị ký hợp đồng lao động với 1 nhân viên đã về hưu tháng 10/2017 và có một vướng mắc về thời giờ làm việc muốn nhờ sự tư vấn của SBLAW. Cụ thể: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 166 BLLĐ năm 2012, mình thấy có đề cập như sau: “Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian”. Tuy nhiên, mình không tìm được văn bản luật nào nêu rõ việc rút ngắn thời gian này cụ thể là bao nhiêu thời gian? Có bắt buộc với trường hợp công việc văn phòng nhẹ nhàng không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định: “Thời giờ làm việc được rút ngắn mỗi ngày ít nhất 01 giờ đối với người lao động cao tuổi trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu” được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương.
Theo quy định này, vào năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu, thời gian làm được rút ngắn tối thiểu mỗi ngày của người lao động tuổi cao tuổi là 01 giờ, ngoài ra không có văn bản pháp luật nào quy định thời gian được rút ngắn tối đa. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian làm việc nhiều hơn so với thời gian tối thiểu theo quy định vẫn luôn được khuyến khích vì đây là chính sách có lợi cho người lao động.
Ngoài ra, tại khoản 11, Điều 1, Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi không rút ngắn thời giờ làm việc đối với NLĐ trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc rút ngắn thời gian làm việc cho người lao động là bắt buộc.