Tài sản chung của vợ chồng là vấn đề pháp lý quan trọng mà nhiều cặp đôi quan tâm. Việc hiểu rõ về chế độ tài sản chung sẽ giúp các bạn bảo vệ quyền lợi của mình và đảm bảo sự ổn định cho gia đình. Dưới đây là phần giải đáp các câu hỏi của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW về vấn đề tài sản chung của vợ chồng. Nội dung như sau:
Có tình huống vợ hoặc chồng gửi tiền, mua bảo hiểm hoặc đầu tư chứng khoán…với số tiền lớn mà đối phương không biết. Theo luật, hành vi này có phạm luật không, nếu tiền đầu tư là tài sản chung của cả 2 vợ chồng?
Trả lời:
Theo Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (Luật HN&GĐ) quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:
- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
- Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
- a) Bất động sản;
- b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
- c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”
Theo đó, việc sử dụng tài sản chung của vợ chồng phải có sự thoả thuận của cả hai. Điều này đồng nghĩa với việc đối phương sẽ ý thức được tài sản chung sẽ được dùng vào việc gì. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật HN&GĐ (Khoản 1 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình)
Tại Điều 36 Luật HN&GĐ quy định về tài sản chung của vợ chồng được đưa vào kinh doanh như sau:
“Điều 36. Tài sản chung được đưa vào kinh doanh
Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.”
Như vậy, theo quy định trên, nếu giữa vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có thể sử dụng tài sản chung của vợ chồng để đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, cần lưu ý, thỏa thuận này phải lập thành văn bản, nội dung cần thể hiện rõ được đối tượng của thỏa thuận bao gồm loại tài sản, số lượng tài sản, quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc đưa tài sản chung của vợ chồng vào kinh doanh.
Theo đó, có thể thấy, để một bên vợ/chồng được lấy tài sản chung của vợ chồng để đầu tư chứng khoán thì phải được bên còn lại đồng ý. Trong trường hợp không có sự đồng ý của bên còn lại mà vợ/chồng tự ý dùng tài sản chung để đầu tư chứng khoán nhằm mục đích kinh doanh thì giao dịch này bị xem là vô hiệu.
Có quy định nào bắt buộc khi đầu tư tài chính với số tiền lớn thì phải được sự đồng ý của cả vợ và chồng không?
Trả lời:
Khi vợ hoặc chồng đầu tư tài chính với số tiền lớn mà đối phương không biết, chúng ta phải xác định xem đó là tài sản chung hay tài sản riêng.
Nếu đây là tài sản chung giữa vợ và chồng, theo quy định của pháp luật Hôn nhân và Gia đình tại Điều 35 Luật HN&GĐ: “1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Do đó, khi vợ hoặc chồng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận giữa vợ và chồng. Ngoài ra, vợ chồng phải có nghĩa vụ chung về tài sản phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Luật HN&GĐ. Do đó, nếu như vợ hoặc chồng đầu tư tài chính với số tiền lớn từ tài sản chung của vợ chồng thì đối phương phải được biết và thỏa thuận rõ với nhau về nghĩa vụ.
Nếu trong trường hợp đầu tư gặp rủi ro, vợ hoặc chồng (người không biết) có thể lấy lại được tiền hay không? Làm cách nào để bảo vệ quyền lợi của mình?
Trả lời:
Căn cứ Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền đòi lại tài sản:
“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
- Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.”
Đối chiếu quy định trên, để xác định vợ hoặc chồng (người không biết) có thể lấy lại tiền được không thì cần xác định tiền bị mang đi đầu tư có phải là tài sản chung không. Nếu đã xác định được tiền bị mang đi đầu tư là tài sản chung của hai vợ chồng, căn cứ quy định tại Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình quy định:
“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
- Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
- a) Bất động sản;
- b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
- c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP nêu rõ:
“2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.”
Theo đó, việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng phải được hai vợ chồng thỏa thuận. Nếu số tiền này là tài sản chung của vợ chồng thì việc vợ/chồng tự định đoạt giao tài sản cho người khác là trái quy định của pháp luật. Vì vậy, khi vợ/chồng tự ý sử dụng tiền để đầu tư mà không cho người còn lại biết thì người còn lại có thể người còn lại không biết có quyền khởi kiện để đòi lại tài sản hoặc làm thủ tục yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Luật sư khuyến cáo cách nào để bảo vệ tài sản, quyền lợi của mình trong đời sống chung vợ/chồng?
Trả lời:
Việc bảo vệ tài sản và quyền lợi trong đời sống chung vợ chồng nên bắt đầu từ việc hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật hôn nhân gia đình. Trước hết, các cặp đôi nên cân nhắc ký kết hợp đồng tiền hôn nhân để thỏa thuận về tài sản. Hợp đồng có thể mang nội dung xác định rõ ràng tài sản riêng và tài sản chung của mỗi người trước khi bước vào hôn nhân, từ đó tránh được những tranh chấp không đáng có về tài sản sau này. Pháp luật cũng cho phép vợ chồng được thỏa thuận về tài sản trước hôn nhân tại Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”
Trong thời kỳ hôn nhân, việc quản lý tài sản chung cũng là một yếu tố quan trọng, cặp vợ chồng nên thảo luận và thống nhất về cách thức quản lý tài sản chung, có thể mở tài khoản ngân hàng chung để chi tiêu cho gia đình và có các thỏa thuận rõ ràng về việc chi tiêu riêng. Điều này giúp đảm bảo rằng cả hai bên đều có quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau trong việc sử dụng tài sản chung, đồng thời giúp tránh những xung đột về tài chính.
Cả vợ và chồng đều nên trang bị cho mình những kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình để bảo vệ quyền lợi của mình nếu có tranh chấp xảy ra. Điều này bao gồm việc biết rõ các quyền về sở hữu tài sản, quyền và nghĩa vụ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái, cũng như quyền được tham gia quyết định các vấn đề quan trọng trong gia đình. Nhưng cốt lõi vẫn là việc giữ gìn sự tin tưởng, trung thực và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ vợ chồng để bảo vệ tài sản và quyền lợi của mỗi bên cũng như quan hệ hôn nhân.
|