Mời quý vị đọc nội dung tư vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên kênh truyền hình Netviet, VTC10 về vấn đề mở doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam.
Năm 2015 có thể được coi là một năm bùng nổ của thương mại điện tử với những điểm đáng chú ý, những tập đoàn lớn trong nước bắt đầu tập trung đầu tư vào thương mại điện tử, điển hình là Adayroi của VinGroup. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm thị trường này nhiều hơn thông qua việc đầu tư vào các công ty đang có vị thương hiệu uy tín trong nước như Lazada, Lingo, Bizweb, Haravan...
Câu hỏi: Vậy một kiều bào không còn Quốc tịch Việt Nam muốn tham gia hình thức thương mại điện tử? Tôi có 2 dự định: Một là mở 1 doanh nghiệp, hai là tham gia bán hàng cùng 1 mạng lưới nào khác có sẵn tại Việt Nam, thì hình thức nào thuận lợi hơn cho tôi?
Trả lời: Có thể khẳng định bạn hiện nay là kiều bào và không còn quốc tịch Việt Nam thì bạn được coi như nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đối với lĩnh vực đầu tư là thương mại điện tử thì nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia lập doanh nghiệp tại Việt Nam hoặc có thể tham gia mua bán, sáp nhập một doanh nghiệp thương mại điện tử đã có sẵn tại Việt Nam hoặc ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Câu hỏi: Vậy luật sư có thể cho tôi biết là khi thành lập công ty thương mại điện tử tại Việt Nam tôi phải quan tâm tới vấn đề gì?
Trả lời: Về vấn đề thương mại điện tử tại Việt Nam, Quý công ty cần quan tâm tới loại hình thương mại điện tử nào mà muốn vận hành, ví dụ như lập website thương mại điện tử bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, website đấu giá trực tuyến, website khuyến mại trực tuyến.
Tuỳ theo từng loại hình mà nhà đầu tư lựa chọn thì sẽ có những quy định cụ thể áp dụng cho loại hình đó.
Tuy nhiên, có một lưu ý quan trọng trong việc lập sàn giao dịch thương mại điện tử mà nhà đầu tư cần quan tâm đó là kiểm soát vấn đề thanh toán, nếu nhà đầu tư muốn có việc thanh toán trực tiếp với khách hàng thì cần phải xin một giấy phép riêng biệt, đó là Giấy phép trung gian thanh toán, còn không, nhà đầu tư sẽ phải kết hợp với một đơn vị khác có giấy phép trung gian thanh toán để triển khai.
Câu hỏi: Về vấn đề vốn đầu tư, có cần có số vốn tổi thiểu để góp vốn vào công ty không?
Trả lời: Về vấn đề vốn đầu tư, lĩnh vực này pháp luật Việt Nam không yêu cầu phải có vốn pháp định, vì vậy, nhà đầu tư cần phải lập dự án đầu tư, trong đó nêu về quy mô đầu tư, kế hoạch kinh doanh và dự định số vốn đầu tư vào lĩnh vực này là bao nhiêu?
Việc vốn đầu tư sẽ do nhà đầu tư quyết định, tuy nhiên, một lưu ý là cần phải có tính khả thi, đảm bảo tính hiệu quả và lien tục của dự án.
Câu hỏi: Vậy mất bao lâu để lập công ty và nhà đầu tư cần nộp hồ sơ tại đâu?
Trả lời: Theo quy định hiện hành, để lập công ty trong lĩnh vực này, nhà đầu tư cần lập bộ hồ sơ và gửi lên Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi công ty dự định đặt trụ sở chính. Sau 15 ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định có cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư hay không? Nếu cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư tiếp tục nộp hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp.
Tổng thời gian xin Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ mất 20 ngày.
Câu hỏi: Còn về việc M&A, mua một doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực này thì sao, thời gian bao lâu?
Trả lời: Nhà đầu tư cũng có thể mua cổ phần hoặc phần vốn góp của một doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhà đầu tư có thể mua 100% hoặc mua tỷ lệ dưới 100%. Thủ tục mua lại công ty cũng được thực hiện tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi công ty có trụ sở chính.
Câu hỏi: Vậy trường hợp nhà đầu tư muốn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh thì thế nào?
Trả lời: Nhà đầu tư có thể ký hơp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam. Đặc điểm của hình thức này là nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp vốn để thực hiện dự án đầu tư mà không lập pháp nhân.
Trong trường hợp này, nhà đầu tư cũng cần lập dự án đầu tư và tiến hành nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng để xin Giấy chứng nhận đầu tư.
XEM THÊM VIDEO: