Câu hỏi:
Tôi đi thuê nhà nghỉ và gặp anh X đang đứng ra kinh doanh tại nhà nghỉ này, tôi đã làm hợp đồng thuê lại 10 phòng của nhà nghỉ để sử dụng. Hợp đồng có thời hạn 01 năm, 3 tháng đóng tiền 1 lần với số tiền là 14.000.000 VNĐ/tháng.
Tôi đặt cọc trang thiết bị trong 10 phòng là 30.000.000 VNĐ. Nhưng chỉ ký kết thoả thuận 2 bên không công chứng vì theo tôi biết Luật nhà ở 2014 không bắt buộc công chứng. Nhưng đến nay tôi phát hiện ra anh X đứng ra làm hợp đồng với tôi không phải đứng tên kinh doanh cơ sở nhà nghỉ đó mà chỉ là người thuê lại toà nhà đó từ một người khác đang là chủ sở hữu toà nhà mà hợp đồng của tôi chưa có văn bản đồng ý của chủ sở hữu toà nhà. Do sợ rắc rối nên tôi muốn huỷ hợp đồng sớm nhưng anh X không đồng ý và nói nếu tôi huỷ hợp đồng sẽ không trả lại tiền cọc và tiền thuê 3 tháng của tôi. Vậy trong trường hợp này tôi phải giải quyết ra sao?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW trân trọng cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.
Liên quan đến thắc mắc của bạn, tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, hợp đồng thuê nhà giữa bạn và anh X thuê 10 phòng nhà nghỉ trong thời hạn 01 năm mà không có sự cho phép của chủ sở hữu tòa nhà có thể là hợp đồng vô hiệu. Căn cứ vào quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.
Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật dân sự năm 2015 cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
Theo đó, nếu như trong vụ việc này bạn chứng minh được anh X đã cố tình lừa dối bạn để ký kết hợp đồng dân sự này thì hợp đồng này sẽ được coi là vô hiệu. Người chủ nhà không hề biết việc anh X cho thuê lại nhà, đồng thời người chủ nhà không hề đồng ý mà anh X vốn là người thuê nhà nên không có quyền để ký hợp đồng cho thuê lại nhà nếu không có sự đồng ý của người chủ nhà. Chỉ cần có bằng chứng cho rằng anh X đã cố tình lừa dối bạn khi cho rằng đấy là nhà của mình để ký kết hợp đồng cho thuê nhà thì xác định đây là hợp đồng vô hiệu.
Thứ hai, nếu có đủ chứng cứ cho rằng đây là hợp đồng vô hiệu thì theo căn cứ của pháp luật bạn sẽ được trả lại số tiền đã mang ra đặt cọc theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”.
Như vậy, trong trường hợp này, trước hết bạn nên thỏa thuận với anh X về cách giải quyết thỏa thuận cả 2 bên nên trao trả những gì đã nhận, hoặc bạn có thể yêu cầu Tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết đòi lại số tiền đặt cọc và tiền thuê nhà.