Câu hỏi: Tôi là Văn, ở Hà Nội. Công ty tôi là văn phòng đại diện của một công ty kinh doanh bên Nhật Bản, hiện công ty tôi muốn nhập về Việt Nam mặt hàng dụng cụ thí nghiệm bằng thủy tinh phục vụ cho việc kiểm nghiệm của các công ty dược phẩm. Hình thức là bên tôi sẽ nhập thẳng về cho phía nhà máy dược phẩm ở Việt Nam, người bán trên danh nghĩa là công ty kinh doanh bên Nhật Bản. Vậy quý công ty cho tôi hỏi: Bên tôi cần những giấy tờ gì, có điểm chú ý nào cho mặt hàng nhập khẩu này không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 18 Luật thương mại năm 2005 quy định về Nghĩa vụ của Văn phòng đại diện như sau:
"1. Không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam.
2. Chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật này cho phép.
3. Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài hoặc các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 17 của Luật này.
4. Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
5. Báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.
Theo thông tin bạn cung cấp công ty bạn là văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại Việt Nam nên chỉ được thực hiện các biện pháp xúc tiến thương mại tại Việt Nam như quảng cáo, khuyến mại, … trong phạm vi luật thương mại hiện hành cho phép như vậy các công ty dược có thể nhập khẩu trực tiếp.
Căn cứ Điều 3 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP quy địnnh về Quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu:
"1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):
Trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác, thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân.
2. Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam:
Các thương nhân, công ty, chi nhánh khi tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố.
3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, khi xuất khẩu, nhập khẩu, ngoài việc thực hiện quy định của Nghị định này, thương nhân phải thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó”.
Và Điều 4 Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định về thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
“1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân muốn xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ, ngành liên quan.
2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan.
3. Hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và các hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này, chỉ phải làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu.”
Vì dụng cụ thí nghiệm là mặt hàng nhập khẩu không cần giấy phép nên khi này các công ty dược phẩm cần tiến hành thủ tục nhập khẩu như đối với các mặt hàng khác.
Khi nhập khẩu cần có các giấy tờ gì?
Đầu tiên, tiến hành ký hợp đồng ngoại thương, khi này hai bên thỏa thuận và xác lập hợp đồng và có các nội dung chủ yếu như: tên hàng; quy cách hàng hóa, số lượng/trọng lượng hàng; giá cả; quy cách đóng gói; điều kiện giao hàng (CIF, FOB….); thời gian giao hàng; thanh toán; …
Tiếp đến là làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu. Đối với hàng nhập khẩu theo điều kiện FOB, CIF, CNF, nhà nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại Việt Nam.
Còn đối với những điều kiện như DDU, DDP (hoặc DAP) thì người bán sẽ làm thủ tục cho bạn và chuyển hàng đến kho của bạn. Tất nhiên, là người nhập khẩu, bạn phải cung cấp chứng từ cần thiết để kê khai hải quan.
Để làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, cần có bộ chứng từ để làm hồ sơ hải quan. Thông thường sau khi hàng xếp lên tàu tại cảng nước ngoài, người bán hàng gửi cho bên mua một bộ chứng từ gốc.
Số lượng và loại giấy tờ sẽ quy định rõ trong hợp đồng mua bán, và thường gồm các chứng từ sau:
Bộ vận tải đơn (Bill of Lading): 3 bản chính
Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)- 3 bản chính
Bản kê chi tiết hàng hoá (Packing List): 3 bản chính
Giấy chứng nhận xuất xứ (CO - Certificate of Origin): có thể theo mẫu D, E, AK… để được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu.
Ngoài ra còn một số giấy tờ khác (nếu có) như: chứng nhận chất lượng (CQ), chứng nhận phân tích (CA), đơn bảo hiểm, ...