Tư vấn pháp luật vụ việc mua chui cổ phiếu

Nội dung bài viết

Ngày 25/6/2021, Công ty cổ phần A mua 3.719.923 cổ phiếu Công ty cổ phần TPHN dẫn đến số lượng nắm giữ sau khi giao dịch là 3.719.923 cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 25,65% vốn điều lệ của HAII nhưng không đăng ký chào mua công khai.

Do đó Công ty cổ phần A đã có hành vi vi phạm hành chính là không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. UBCKNN buộc Công ty cổ phần A từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đồng thời, buộc Công ty cổ phần A bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Như vậy, hành vi của Công ty cổ phần A là hành vi mua chui cổ phiếu. Hành vi "Mua bán chui" là cụm từ được nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam sử dụng để nói về việc lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan mua, bán cổ phiếu mà không đăng ký giao dịch trước tối thiểu ba ngày làm việc theo quy định của pháp luật, cụ thể văn bản có hiệu lực hiện nay là Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Theo quy định của pháp luật về chứng khoán tại Việt Nam, người nội bộ của doanh nghiệp và người có liên quan đến người nội bộ phải công bố bản đăng ký giao dịch cổ phiếu trước ngày dự kiến giao dịch tối thiểu ba ngày làm việc. Quy định này giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ biết về giao dịch của người nội bộ trước khi chúng diễn ra, để từ đó đưa ra quyết định đầu tư cho riêng mình.

Việc người nội bộ mua lượng lớn cổ phiếu không chỉ trực tiếp làm tăng nhu cầu với cổ phiếu đó trên thị trường mà còn thể hiện niềm tin vào tương lai của doanh nghiệp, khiến nhiều nhà đầu tư khác cũng mua theo, đẩy nhu cầu và giá cổ phiếu lên cao. Chính vì vậy, các lãnh doanh nghiệp có động cơ để mua cổ phiếu mà không công bố thông tin nhằm đạt được mức giá có lợi hơn (mua với giá thấp hơn, bán với giá cao hơn) so với khi đăng ký trước.

Hành vi của Công ty cổ phần A là làm cho giá cổ phiếu lên cao, tạo sự không minh bạch trong thị trường chứng khoán, nhà đầu tư chính vì thế sẽ chạy theo giá cổ phiếu kéo theo đó là những thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà đầu tư cổ phiếu.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan