Tư vấn pháp luật quảng cáo trên phương tiện giao thông

Nội dung bài viết

Doanh nghiệp hỏi: Bên mình đang tính dán 1 Logo công ty bên hông hai cửa xe ô tô. Vậy em cho anh hỏi mình dán Logo có bị Công An bắt hay không? Có vi phạm luật gì không?

Trong trường hợp vi phạm thì cần xin giấy phép, chi phí khoản bao nhiêu?

Luật sư SBLAW trả lời: Theo quy định của Luật Quảng cáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, quảng cáo trên phương tiện giao thông không phải xin giấy phép thực hiện quảng cáo tại sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật Quảng cáo, cụ thể:

Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông.

Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông.

Việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.

Như vậy, nếu Công ty bên Anh muốn dán logo Công ty bên hông hai cửa và thực hiện như điều luật đã nêu ở trên thì không trái với pháp luật, tuy nhiên Công ty Anh cần tuân thủ các quy định của pháp luật để tránh trường hợp vi phạm.

Cũng theo điểm 1, mục d công văn số 2310/BVHTTDL-VHCS ngày 24/06/2013 của Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện Luật Quảng cáo, tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo, phương tiện giao thông, loa phóng thanh, hội thảo, hội nghị, hội chợ triển lãm, tổ chức sự kiện, vật thể quảng cáo thì tự chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo và thực hiện theo qui định của Luật Quảng cáo, qui định khác của pháp luật có liên quan. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo theo phương pháp hậu kiểm.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan