Tư vấn pháp luật cho Việt Kiều

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trên kênh VTC10 về các thắc mắc của Kiều bào khi muốn về Việt Nam đầu tư và sinh sống. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Số 1: Thủ tục người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài hành nghề y, dược tư nhân tại Việt Nam

1. Tôi có một người bạn nước ngoài. Anh đến từ Australia. Năm 2017, Anh kết hôn với một người phụ nữ Việt Nam. Sau khi kết hôn anh có ý định sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Anh muốn một nhà thuốc thuộc một bệnh viện vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Luật sư có thể tư vấn cho tôi được biết là bạn tôi phải làm những thủ tục gì để có thể có giấy phép đăng ký mở nhà thuốc bán lẻ tại Việt Nam?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 3 điều 3 Thông tư 15/2011/TT-BYT quy định: “Bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài không được mở cơ sở bán lẻ thuốc của chính bệnh viện, không được liên doanh, liên kết để thành lập cơ sở bán lẻ thuốc, trừ trường hợp được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm. Để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc cho bệnh nhân, bệnh viện tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh thuốc hoặc cá nhân tổ chức cơ sở bán lẻ thuốc theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.”

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì bạn của bạn là người nước ngoài, có nguyện vọng muốn mở nhà thuốc thuộc một bệnh viện vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Xét theo quy định được đưa ra trên đây thì bạn của bạn không thể mở nhà thuốc nhà thuốc thuộc một bệnh viện vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tuy nhiên, bạn ấy vẫn có thể đứng tên mở một nhà thuốc bán lẻ.

Theo điểm đ khoản 2 Điều 32 Luật Dược năm 2016: “Cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền”.

Như vậy, thủ tục mở nhà thuốc, quầy thuốc sẽ tuân theo quy định của cơ sở bán lẻ thuốc.

Theo đó, thủ tục đăng ký cơ sở kinh doanh bán lẻ thuốc gồm các bước sau:
Bước 1: Đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược

Chứng chỉ hành nghề dược cấp cho người quản lý chuyên môn về dược của cửa hàng bán lẻ thuốc mục đích là nhằm đảm bảo năng lực chuyên môn của dược sỹ. Chứng chỉ hành nghề dược là tài liệu bắt buộc phải có khi cá nhân phụ trách chuyên môn của quầy thuốc nói riêng và cơ sở kinh doanh thuốc nói chung. Nếu cá nhân/tổ chức tiến hành hoạt động cơ sở kinh doanh thuốc mà sử dụng người quản lý chuyên môn về dược không có Chứng chỉ hành nghề dược thì bị xử phạt phạt hành chính hoặc đóng cửa cơ sở (theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Bước 2: Thành lập pháp nhân

Nếu Khách hàng không thuộc các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định về hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh (Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên) thì Khách hàng có nghĩa vụ phải đăng ký kinh doanh. Thủ tục đăng ký kinh doanh, loại hình đăng ký kinh doanh được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bước 3: Đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược

Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược là điều kiện bắt buộc phải có khi doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm, nếu cơ sở đã đi vào hoạt động mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược thì mức phạt từ cảnh cáo đến phạt hành chính hoặc đóng cửa cơ sở (theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Bước 4: Đề nghị cấp Giấy chứng nhận nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP

Ngày 15/12/2010 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2010/TT-BYT về quy định lộ trình thực hiện nguyên tắc tiêu chuẩn GPP. Theo quy định tại Điều 3 của thông tư quy định Nhà thuốc thành lập mới phải đạt tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc GPP.

2. Chồng tôi là một bác sĩ người Mỹ. Hiện nay, chồng tôi muốn mở môt

mở phòng mạch hoặc nhà thuốc tây ở Việt Nam. Tôi muốn hỏi, pháp luật Việt Nam đã cho phép người nước ngoài mở phòng khám đa khoa ở Việt Nam chưa? Nếu được thì mức vốn đầu tư tối thiểu là bao nhiêu và phải nộp hồ sơ ở đâu?

Trả lời:

Dịch vụ khám chữa bệnh thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Phụ lục 4 Luật Đầu tư năm 2014).

Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 11-1-2007, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua việc thành lập bệnh viện, bệnh xá đa khoa, phòng khám chuyên khoa 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu USD, bệnh xá đa khoa (policlinic) là 2 triệu USD và cơ sở điều trị chuyên khoa là 200.000 USD. Bác sĩ hành nghề phải có kinh nghiệm phải được Bộ Y tế Việt Nam công nhận về chuyên môn. Hồ sơ đăng ký đầu tư (8 bộ, trường hợp dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ: 10 bộ) nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố.

3. Gia đình tôi đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Cả tôi và vợ đều làm việc trong ngành y. Hiện nay, chúng tôi muốn mở một phòng khám tại Việt Nam. Chồng tôi đã có giấy chứng nhận hành nghề Y tại Mỹ. Tôi muốn hỏi là khi về mở phòng khám tại Việt Nam, chồng tôi có phải chuyển đổi giấy chứng nhận hành nghề theo quy định của Luật pháp của Việt Nam quy định hay không?

Trả lời:

Điều 22 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định:

Điều 22. Thừa nhận chứng chỉ hành nghề

Việc thừa nhận chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh giữa các nước được thực hiện theo quy định của thỏa thuận quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Như vậy, việc chồng bạn có phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không phải phụ thuộc theo quy định của thỏa thuận quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Số 2: Giải đáp thắc mắc về thủ tục kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam

1. Tôi hiện đang sinh sống ở Mỹ, muốn về Việt Nam mua đất mở trang trại trồng rau sạch. Luật sư có thể tư vấn cho tôi được biết bạn tôi phải làm những thủ tục gì để được mua đất mở trang trại trồng rau sạch tại Việt Nam?

Trả lời:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 3 của Luật Quốc tịch năm 2008:

1. Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam

…………….

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Như vậy bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo quy định tại điều 5 Luật Đất đai năm 2013 có quy định như sau:

“Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);

2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);
…..

5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; …”.

Như vậy trường hợp bạn là công dân Việt nam định cư ở nước ngoài thì có quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013.

2. Bạn tôi có mở một Cty TNHH ở Singapore. Hiện nay, bạn tôi đang có ý định đầu tư kinh doanh vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Bạn tôi có hỏi Công ty của bạn tôi có được quyền "sở hữu" 1 Resort ở VN hay không, theo dạng đầu tư 100% vốn nước ngoài? Nếu được thì với những điều kiện gì? Và Cty đó có được quyền quản lý, điều hành mọi hoạt động của Resort đó không?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 11 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:

  • Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;
  • Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
  • Đối với đất thuê trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất.
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền kinh doanh các dịch vụ môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, tư vấn bất động sản, quản lý bất động sản theo quy định của Luật này.

Mặt khác, Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài như sau:

1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);

c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Theo quy định của pháp luật nêu trên, một tổ chức nước ngoài có thể được sở hữu Resort ở Việt Nam, nếu tổ chức này trực tiếp bỏ vốn thực hiện dự án thành lập khu nghỉ dưỡng và tuân thủ các điều kiện về việc xin cấp giấy phép tiến hành dự án, bao gồm các điều kiện về tư cách pháp lý về quyền sử dụng đất; năng lực tài chính; mục tiêu, quy mô và địa điểm thực hiện dự án đầu tư; vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án cam kết về bảo vệ môi trường, …

Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu resort theo dạng đầu tư 100% vốn thì việc quản lý điều hành hoạt động của khu resort thuộc quyền của doanh nghiệp nước ngoài đó.

3. Chúng tôi đang sở hữu một trung tâm thương mại có trụ sở tại LB Nga. Chúng tôi có nhu cầu tìm hiểu về việc thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam giữa một bên là hãng vận tải của Nga và một doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, XNK hàng hóa. Chúng tôi muốn hỏi là:

a, Các qui định của pháp luật về vốn pháp định tối thiểu cần có của công ty liên doanh? Công ty trong nước sẽ là bên góp vốn hay phải là cá nhân góp vốn?

Trả lời:

Công ty liên doanh được hiểu là một loại hình hợp tác đầu tư do hai hay nhiều bên (một bên là cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam) cùng thành lập ở Việt Nam. Có hai loại hình thức công ty liên doanh đó là: công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Theo quy định tại Việt Nam đối với một số ngành nghề kinh doanh không cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn điều lệ nên buộc phải thành lập công ty liên doanh.

Do bạn không nói rõ ngành nghề của công ty này, nên tôi không thể tư vấn cho bạn cụ thể được.

b, Trường hợp nếu bên nước ngoài muốn mua toàn bộ phần góp vốn của bên trong nước thì có được không? Các điều kiện nếu có? Tiêu chí nào để định giá tài sản của công ty để mua lại toàn bộ phần vốn góp.

Trả lời:

Như tôi đã trình bày ở trên. Theo quy định tại Việt Nam đối với một số ngành nghề kinh doanh không cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn nên tùy ngành nghề mà bên nước ngoài có thể mua toàn bộ phần góp vốn đó hay không.

c, Thuế thu nhập DN của công ty tại Việt Nam (trong các trường hợp có yếu tố nước ngoài như: công ty liên doanh & 100% vốn nước ngoài) là bao nhiêu %?

Trả lời:

Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế đánh vào phần thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh và phần thu nhập khác của doanh nghiệp. Thu nhập khác thường là phần thu nhập từ việc chuyển nhượng tài sản và các quyền tài sản.

Cách tính thuế:

Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = [Thu nhập chịu thuế – (Thu nhập miễn thuế + Lỗ kết chuyển từ năm trước)] × Thuế suất

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Khoản chi được trừ + Thu nhập khác)

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, mức thuế suất để tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% (Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 78/2014/TT-BTC).

Số 3: Giải đáp về thủ tục hồi hương của người Việt ở nước ngoài

1. Anh trai tôi trở về Việt Nam ở gần 1 năm. Anh đã có thẻ xanh cư trú tại Mỹ. Anh trai tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam hết hạn vào năm 2010. Hiện nay, anh trai tôi muốn ở lại Việt Nam. Vậy anh trai tôi có thể làm giấy hồi hương ở Việt Nam bằng giấy tờ từ hộ chiếu Việt Nam đang còn giá trị đến năm 2010 được không? Nếu được thì anh trai tôi phải thực hiện những thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 35/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cư trú, hộ chiếu còn hạn sử dụng có thể sử dụng để thực hiện các thủ tục liên quan đến cư trú.

Hồi hương được hiểu là công dân Việt Nam định cư nước ngoài vẫn giữ quốc tịnh Việt Nam muốn đăng ký thường trú tại Việt Nam. Khi đó, để được đăng ký thường trú, anh của bạn phải không thuộc những đối tượng sau (Điều 4 Thông tư số 35/2014/TT-BCA):

- Người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú;

- Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế;

- Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành;

- Người đang bị áp dụng hình phạt cấm cư trú thì không giải quyết các thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú tại những địa phương mà Tòa án cấm người đó cư trú.

Để làm thủ tục đăng ký thường trú, anh của bạn cần nộp hồ sơ đăng ký thường trú với những giấy tờ sau (Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA):

- Phiếu báo đăng ký thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu theo mẫu HK2 ban hành theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương;

- Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về mối quan hệ nêu trên;

- Hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác còn giá trị sử dụng có giá trị thay hộ chiếu có dấu kiểm chứng của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

Trong trường hợp anh trai bạn nhập hộ khẩu vào nhà của người thân, cần nộp thêm văn bản có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chữ ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Nếu anh trai bạn xin đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, anh của bạn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BCA.

Hồ sơ đăng ký thường trú sẽ được nộp cho Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp anh bạn nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; hoặc Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh trong trường hợp anh bạn nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại tỉnh.

  1. Tôi là con lai nên đã đi theo diện con lai sang Mỹ. Tôi đã định cư tại Mỹ gần 20 năm. Nay tôi muốn xin hồi hương trở về Việt Nam sinh sống. Xin hỏi, tôi là con lai thì có trở ngại gì trong việc xin hồi hương không? Nếu được, thủ tục hồi hương làm như thế nào và ở đâu?

Trả lời:

Pháp luật Việt Nam hiện tại không có khái niệm về con lai, mà chỉ quy định công dân Việt Nam có quốc tịch Việt Nam do có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam (Điều 14, 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam ban hành 24/06/2014. Do đó, bạn sẽ được hồi hương về Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BCA-BNG sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BCA-BNG ngày 12/05/2009.

Theo Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BCA-BNG, hồi hương được hiểu là việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam làm thủ tục để trở về thường trú tại Việt Nam. Một trong những điều kiện được hồi hương về Việt Nam là bạn phải còn giữ quốc tịch Việt Nam.

Trong trường hợp bạn không còn giữ quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Hồ sơ và thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam, bạn có thể tham khảo thêm tại Mục 3 Luật Quốc tịch Việt Nam và Mục 2 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2014/NĐ-CP).

Về hồ sơ hồi hương:

Bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ cơ bản bao gồm các giấy tờ sau đây:

- Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (theo mẫu quy định tại Thông tư liên tịch 01);

- Bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu);

- Bản sao giấy tờ chứng minh bạn có quốc tịch Việt Nam như: giấy khai sinh, hoặc chứng minh nhân dân, hoặc hộ chiếu Việt Nam.

- 03 ảnh 4x6 phông nền trắng

- Bản sao giấy tờ chứng minh bạn có chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam như: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, hoặc hợp đồng cho thuê, cho ở nhờ, ...

- Trường hợp bạn xin thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như thành phố Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, bạn phải có giấy tờ chứng minh đã tạm trú tại thành phố đó từ 01 năm trở lên hoặc giấy tờ chứng minh mối quan hệ ruột thịt với người đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của người đó.

Về nơi nộp hồ sơ:

Bạn có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện Việt Nam nơi người nộp hồ sơ đang cư trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú.

3. Câu hỏi tiếp theo liên quan đến chế độ tài sản di chuyển của công dân khi hồi hương.

Vợ chồng tôi sống ở Mỹ, nay muốn hồi hương về Việt Nam và muốn đem theo 02 xe ôtô về cùng. Vợ chồng tôi đã có bằng lái xe ở Mỹ.

Xin hỏi:

a, Vậy vợ chồng tôi có đem theo chiếc xe ôtô về Việt Nam được không? Và thủ tục chúng tôi phải thực hiện là gì?

Trả lời:

Để được mang xe về sử dụng, xe của bạn phải đáp ứng các điều kiện sau đây (Điều 3 Thông tư 20/2014/TT-BTC quy định việc nhập khẩu xe ô tô, mô tô theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam):

- Đã đăng ký lưu hành ở nước định cư hoặc nước mà công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc (khác với nước định cư) ít nhất là 6 (sáu) tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 km đến thời điểm ô tô về đến cảng Việt Nam.

- Xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam không thuộc các trường hợp cấm nhập khẩu dưới đây theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, bao gồm:

+ Có tay lái bên phải

+ Ô tô và bộ linh kiện lắp ráp ô tô bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ.

+ Ô tô đã thay đổi kết cấu để chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu hoặc bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ.

- Đáp ứng điều kiện về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu quy định tại Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.

Do đó, nếu 02 chiếc xe mà bạn đang sử dụng ở Mỹ đáp ứng được các điều kiện trên thì bạn được phép mang về Việt Nam

* Thủ tục:

- Trước tiên, bạn phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô (chi tiết hồ sơ và trình tự thực hiện xem tại Điều 5 Thông tư 20/2014). Kết quả của thủ tục này là bạn được cấp Giấy phép nhập khẩu xe ô tô.

- Sau khi được cấp Giấy phép nhập khẩu xe ô tô, bạn chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây để thực hiện nhập khẩu xe về Việt Nam:

a) Giấy phép nhập khẩu xe ô tô: 02 bản chính.

b) Vận tải đơn: 01 bản chính (có đóng dấu treo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô);

c) Tờ khai hải quan xuất khẩu/nhập khẩu phi mậu dịch (HQ/2011-PMD): 02 bản chính.

d) Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản sao có công chứng kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

- Địa điểm làm thủ tục: Chi cục Hải quan cửa khẩu (Điều 6 Thông tư 20/2014).

b, Khi vợ chồng tôi hồi hương về Việt Nam rồi, sau này muốn trở lại Mỹ thì có được không?

Trả lời:

Vợ chồng bạn vẫn có thể quay trở lại Mỹ.

- Nếu vợ chồng bạn nhập cảnh Việt Nam bằng hộ chiếu Việt Nam thì khi xuất cảnh cũng phải sử dụng hộ chiếu Việt Nam (không cần Visa).

- Nếu vợ chồng bạn nhập cảnh Việt Nam bằng hộ chiếu nước ngoài thì vợ chồng bạn cũng phải xuất cảnh bằng hộ chiếu này và tất nhiên là phải có visa xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại nước này cấp.

- Nếu một người nhập cảnh bằng hộ chiếu này và xuất cảnh bằng hộ chiếu khác thì bị coi là vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh.

Quy định này chỉ áp dụng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh từ Việt Nam, riêng quy định về thủ tục nhập cảnh sang Mỹ bạn phải tuân theo pháp luật của nước đó.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan