Tư vấn lái xe lỡ gây tai nạn dẫn đến chết người

Nội dung bài viết

Câu hỏi:

Tôi tên là Đoàn.

Tôi làm nghề lái xe chở hàng. Sáng thứ 3 tuần trước tôi đi chở hàng sớm, có hơi không tỉnh táo nên trên đường không chú ý, lỡ gây tai nạn. Ngay sau đó tôi đã đưa người đó vào bệnh viện cấp cứu nhưng người đó vẫn không thể qua khỏi. Gia đình tôi có xin bồi thường nhưng bên phía nhà nạn nhân rất căng thẳng, có vẻ không có ý muốn hòa giải. Luật sư cho tôi hỏi nếu không thể xin hòa giải được tôi có phải đi tù không ạ? Và mức án nặng nhất tôi có thể phải gánh là bao nhiêu? Nhà tôi có 3 con còn nhỏ, mình tôi là lao động chính nên có cách nào giúp tôi giảm bớt hình phạt không ạ?

Trả lời:

Dựa vào thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn sơ bộ như sau:

Theo Khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội vi phạm giao thông đường bộ. Theo đó, người gây tai nạn dẫn đến chết người thì bị phạt tiền từ 30.000.000-100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trong trường hợp của bạn, bạn có vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ khi không tỉnh táo khi lái xe, dẫn đến hậu quả chết người. Do đó, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên. Mức án nặng nhất mà bạn có thể bị truy cứu là 05 năm tù. Tuy nhiên, mức án thực tế sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội;
  • Nhân thân của người phạm tội;
  • Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp nếu bạn đã xin bồi thường thiệt hại nhưng gia đình phía nạn nhân không chấp nhận thì bạn nên làm đơn gửi lên cơ quan chức năng để nhờ hỗ trợ và thể hiện rằng mình đã tự nguyện bồi thường thiệt hại để được áp dụng tình tiết giảm nhẹ căn cứ tại Điểm a, b, Khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

“Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

  1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
  2. a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
  3. b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

…”

Bên cạnh đó có thể thấy luật không quy định các tình tiết về gia cảnh là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 51 Luật Hình sự 2015 quy định: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”. Đây được xem là điều luật mở nhằm tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử có thể linh hoạt xem xét khoan hồng cho người phạm tội. Xuất phát từ chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước mà người phạm tội là lao động hay hoàn cảnh gia đình khó khăn có thể được xem là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do đó hoàn toàn có thể hiểu rằng tình tiết “có 3 con còn nhỏ, mình bạn là lao động chính” mà bạn đã nêu có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bạn.

Tham khảo thêm >> Luật sư tư vấn vụ án hình sự

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan