Câu hỏi: Công ty tôi là doanh nghiệp Nhật Bản dự định kinh doanh tại thị trường Việt Nam nên có tiến hành các thủ tục như sau:
Công ty tôi có ký hợp đồng hợp tác đầu tư với một công ty Việt Nam để thành lập công ty cổ phần, tỷ lệ vốn là chúng tôi 60%, công ty Việt Nam 40% và hai bên cũng đã ký vào thỏa thuận về điều lệ thành lập công ty.
Tuy nhiên, bên phía công ty Việt Nam không tiến hành thủ tục thành lập công ty cổ phần theo thỏa thuận giữa hai bên trước, mà tiến hành thành lập công ty cổ phần với 3 cổ đông là 3 công ty Việt Nam, theo tỷ lệ cổ phần là 60%, 30% và 10%. Sau đó công ty sở hữu 75% cổ phần ký hợp đồng chuyển nhượng 60% cổ phần cho chúng tôi với giá như giá cổ phần lúc thành lập công ty. Hiện tại chúng tôi đang ở giai đoạn này nhưng tôi có thắc mắc là trong trường hợp như thế này, thì hợp đồng hợp tác kinh doanh của chúng tôi cũng như điều lệ thành lập công ty đã ký trước đó sẽ không có hiệu lực nữa, và tiến hành như thế này thì công ty chúng tôi có bất lợi nào về mặt pháp lý không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, điều khoản cơ bản của hợp đồng là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng loại hợp đồng. Nếu không thoả thuận được những điều khoản đó thì hợp đồng không thể giao kết được. Ví dụ: Điều khoản về đối tượng hợp đồng mua bán là gì, số lượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời gian, địa điểm v.v. Nội dung của điều khoản cơ bản chính là cốt lõi các nội dung hai bên đã thỏa thuận và thống nhất. Nếu không có điều khoản cơ bản hợp đồng không đầy đủ nội dung sẽ dẫn đến vô hiệu.
Trong trường hợp của bạn bên phía công ty Việt Nam không tiến hành thủ tục thành lập công ty cổ phần theo thỏa thuận giữa hai bên trước, mà tiến hành thành lập công ty cổ phần với 3 cổ đông là 3 công ty Việt Nam, theo tỷ lệ cổ phần là 60%, 30% và 10%. Như vậy phía bên công ty Việt Nam đã vi phạm điều khoản trong hợp đồng đã thoả thuận trước của hai bên. Ngoài ra nếu bạn thấy việc thay đổi nội dung hợp đồng như vậy không ảnh hưởng gì thì vẫn có thể tiếp tục hợp đồng nhưng sẽ phải sửa đổi nội dung cho phù hợp.
Thứ hai, nếu bạn không muốn tiếp tục kí hợp đồng theo thoả thuận trên thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng, thậm chí là phạt vi phạm nếu trong hợp đồng có quy định vì bên công ty Việt Nam vi phạm điều khoản hợp đồng và sẽ không có bất lợi gì về mặt pháp lý. Hoặc bạn cũng có thể mua lại cổ phần của các cổ đông để đảm bảo về mặt pháp lý.