Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW đã trả lời phỏng vấn trên kênh VTC10 về vấn đề đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu 1: Hiện nay chính phủ VN đang có những ưu đãi như thế nào cho các doanh nghiệp Việt kiều mong muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông tại quê hương?
Luật sư trả lời:
Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần 4 đang diễn ra. Có thể thấy, tại thời điểm này, chính phủ Việt Nam dã và đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam. Dưới đây là một số những lợi thế mà các doanh nghiệp sẽ nhận được khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam:
Chính sách ưu đãi thuế
Để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, trong những năm qua Việt Nam đã thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài bằng nhiều chính sách, khuyến khích, ưu đãi đầu tư, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế. Cụ thể: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được ban hành năm 2008 và Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi một số điều của Luật Thuế TNDN được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2013 (có hiệu lực từ 01/01/2014) được đánh giá là có sự đổi mới mạnh mẽ với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư phát triển.
Theo đó, ưu đãi thuế suất (10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm); miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm); cho phép chuyển lỗ (trong vòng 5 năm); miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép được khấu hao nhanh…
Chính sách đất đai
Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, cụ thể như sau:
- Ba (3) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư; tại cơ sở sản xuất kinh doanh mới của tổ chức kinh tế thực hiện di dời theo quy hoạch, di dời do ô nhiễm môi trường.
- Bảy (7) năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Mười một (11) năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. - Mười lăm (15) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư, lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Câu 2: Tư vấn thành lập doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông?
Luật sư trả lời:
Để thành lập Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông:
*Đối với doanh nghiệp trong nước:
Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì thủ tục thành lập doanh nghiệp được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp soạn hồ sơ thành lập doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ như sau:
- Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Dự thảo điều lệ doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc danh sách cổ đông công ty cổ phần;
- Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ đông công ty cổ phần;
- Tài liệu khác trong các trường hợp đặc biệt;
- Nếu không tự thực hiện thì phải có Giấy ủy quyền thực hiện dịch vụ thành lập doanh nghiệp.
Thời hạn hoàn thành thủ tục thành lập doanh nghiệp:
Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Bước 2: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định. Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:
– Ngành, nghề kinh doanh;
– Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
Thời hạn công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp:
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp doanh nghiệp phải thực hiện công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Khắc dấu pháp nhân của doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp ủy quyền hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan khắc dấu để khắc dấu pháp nhân cho doanh nghiệp. Điểm nổi bật của Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 là: “Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:
– Tên doanh nghiệp;
– Mã số doanh nghiệp.
Sau khi nhận được con dấu pháp nhân và trước khi sử dụng dấu doanh nghiệp phải thực hiện gửi thông báo về mẫu con dấu của doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Thông báo về mẫu con dấu của doanh nghiệp
Hồ sơ thông báo về mẫu con dấu pháp nhân của doanh nghiệp
- Thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu của doanh nghiệp;
- Kèm theo thông báo phải có Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH một thành viên, Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về nội dung, hình thức và số lượng con dấu.
Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp.
*Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Theo Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật đầu tư 2014, doanh nghiệp có vốn nước ngoài để được cấp phép hoạt động tại Việt Nam cần trải qua 2 bước, bao gồm: Xin cấp GCN đăng ký đầu tư và GCN đăng ký doanh nghiệp, cụ thể:
Bước 1: Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi thành lập công ty có vốn nước ngoài bao gồm:
- Công ty 100% vốn do nhà đầu tư nước ngoài góp;
- Công ty có vốn nước ngoài (Công ty đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Việt Nam) tiếp tục thành lập thêm tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư:
- Thành lập mới hoặc gốp vốn từ 1% đến 100% vốn điều lệ công ty;
- Đối với công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thực hiện quyền xuất nhập khẩu và phân phối cần xin thêm Giấy phép kinh doanh;
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo quy định tại Điều 37 Luật Đầu tư năm 2014 thì:
- Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
- Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định sau đây:
- Nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này cho cơ quan đăng ký đầu tư;
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Bước 2: Xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư sẽ thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (tương tự như đối với doanh nghiệp trong nước).
Lưu ý: Đối với các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông thì phải xin giấy phép đủ điều kiện đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tương ứng trước khi đi vào hoạt động.
Câu 3: Tư vấn thủ tục đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông?
Luật sư trả lời:
*Thủ tục đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin:
Theo quy định của Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì trình tự đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm 3 giai đoạn:
- Chuẩn bị đầu tư;
- Thực hiện đầu tư;
- Kết thúc đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng.
Các công việc trong giai đoạn thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư có thể thực hiện tuần tự hoặc gối đầu, xen kẽ tùy theo Điều kiện cụ thể của từng dự án, và do Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xác định.
*Thủ tục đầu tư dự án trong lĩnh vực viễn thông:
Theo quy định của Nghị định số 121/2008/NĐ-CP về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực viễn thông thì thủ tục đầu tư được quy định như sau:
- Các quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư và thủ tục đăng ký đầu tư được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, không phân biệt quy mô vốn, khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực viễn thông phải lập dự án đầu tư và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, quy định tại Nghị định này.
- Các dự án đầu tư trong lĩnh vực viễn thông thuộc diện phải thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm:
+ Dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài không phân biệt quy mô vốn đầu tư.
+ Dự án đầu tư trong nước thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông không phân biệt quy mô vốn đầu tư.
+ Dự án đầu tư trong nước cung ứng dịch vụ chuyển phát và cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có quy mô vốn từ 300 (ba trăm) tỷ đồng trở lên.
- Thẩm quyền thẩm tra dự án đầu tư:
+ Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thẩm tra đối với các dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát và cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc diện phải thẩm tra.
+ Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện thẩm tra đối với các dự án đầu tư không thuộc diện quy định tại điểm a, khoản này.
-Nội dung, quy trình thẩm tra dự án đầu tư thực hiện theo quy định của Pháp luật về đầu tư, quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật chuyên ngành.
Câu 4: Tư vấn chuyển nhượng dự án, mua bán doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin?
Luật sư trả lời:
*Tư vấn chuyển nhượng dự án trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin:
Điều 45 Luật Đầu tư năm 2014 có quy định:
- Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Không thuộc một trong các trường hợp bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này;
+ Đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thuộc ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
+ Tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
+ Điều kiện quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có).
-Trường hợp chuyển nhượng dự án thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này kèm theo hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư để điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án.
*Tư vấn mua bán doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin:
Nhiều người cho rằng doanh nghiệp nào cũng có thể mua bán được. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ doanh nghiệp tư nhân mới có quyền bán toàn bộ doanh nghiệp. Đối với công ty cổ phần thì hình thức mua bán chủ yếu để giành quyền kiểm soát doanh nghiệp được thực hiện theo phương thức chuyển nhượng cổ phần. Còn đối với việc mua bán công ty TNHH thì được chuyển nhượng góp vốn trong công ty. Cụ thể:
Thủ tục mua bán doanh nghiệp tư nhân
Theo các quy định pháp luật Việt Nam, chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới được phép bán toàn bộ. Bởi doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp chỉ do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Do đó theo quy định của Luật doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán toàn bộ doanh nghiệp của mình cho người khác.
Dưới đây là thủ tục mua bán doanh nghiệp tư nhân.
Hồ sơ bán doanh nghiệp tư nhân
- Thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân có chữ ký của người bán và người mua.
- Bản sao hợp lệ một trong những giấy tờ chứng thực cán nhân của người mua.
- Hợp đồng mua bán doanh nghiệp và các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân.
- Bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân khác của chủ doanh nghiệp tư nhân.
- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định.
- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Tiến trình mua bán doanh nghiệp tư nhân
- Thực hiện mua bán doanh nghiệp với người mua:
+ Soạn thảo Hợp đồng mua bán doanh nghiệp
+ Xác lập người mua doanh nghiệp phải là người có quyền thành lập, góp vốn thành lập, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và không thuộc trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại luật này
+ Các tài liệu chứng minh việc mua bán doanh nghiệp tư nhân đã hoàn thành (giấy biên nhận tiền mua bán doanh nghiệp, Biên bản thanh lý hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân và thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp cho người mua).
- Đăng ký sang tên doanh nghiệp cho người mua
+ Trong vòng 15 ngày kể từ ngày chuyển giao doanh nghiệp cho người mua, chủ doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh
+ Nội dung thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân: Tên, trụ sở của doanh nghiệp; tên, địa chỉ của người mua; tổng số nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, số nợ và thời hạn thanh toán cho từng chủ nợ; hợp đồng lao động và các hợp đồng khác đã ký mà chưa thực hiện xong và cách thức giải quyết các hợp đồng đó.
Thủ tục mua bán công ty cổ phần
Việc mua bán công ty cổ phần được thực hiện bằng cách chuyển nhượng cổ phần
- Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
- Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.
- Tổ chức cuộc họp Đại Hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.
- Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty.
- Tiến hành đăng ký thay đổi cổ đông theo quy định.
Thủ tục mua bán công ty TNHH
Tương tự như công ty cổ phần, việc mua bán doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn được tiến hành thông qua việc chuyển nhượng góp vốn trong công ty này.
- Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
- Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày chào bán.
- Thay đổi thành viên do chuyển nhượng phần vốn góp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định thay đổi Công ty gửi thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký kinh doanh.