Từ sự cố Mercedes GLC, khi nào phải triệu hồi xe?

Nội dung bài viết

Trong bài "Từ sự cố Mercedes GLC, khi nào phải triệu hồi xe?" đăng trên báo Giao thông, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Báo Giao thông đã phỏng vấn các cơ quan chức năng, luật sư và chuyên gia để làm rõ hơn vấn đề này.

Dư luận gần đây dậy sóng vì sự cố xảy ra trên một số mẫu xe ô tô đang được bán và sản xuất tại Việt Nam như: Mercedes GLC, Honda CR-V và đòi hỏi trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối trong việc triệu hồi và khắc phục. Báo Giao thông đã phỏng vấn các cơ quan chức năng, luật sư và chuyên gia để làm rõ hơn vấn đề này.

Ông Nguyễn Đông Phong, Phó phòng Kiểm định chất lượng xe cơ giới - VAQ (Cục Đăng kiểm VN):

Triệu hồi xe thể hiện uy tín của doanh nghiệp

Những trường hợp phương tiện gặp lỗi như thế nào, ở mức độ ra sao sẽ phải thực hiện việc triệu hồi xe, thưa ông?

Hiện tại các trường hợp phương tiện cơ giới gặp lỗi phải triệu hồi sẽ áp dụng theo các quy chuẩn khác nhau. Đối với xe nhập khẩu là Thông tư số 55/2014/TT-BGTVT còn với xe lắp ráp trong nước là Thông tư số 54/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Theo đó, các phương tiện bị triệu hồi là những xe không đáp ứng các quy chuẩn và có khả năng gây mất an toàn.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp có thể tự nhận biết lỗi kỹ thuật phương tiện hoặc thông qua phản ánh của khách hàng, từ đó chủ động đề nghị được triệu hồi xe.

Trong trường hợp có ý kiến phản ánh của khách hàng đến Cục Đăng kiểm VN hoặc phản ánh của dư luận, Cục Đăng kiểm VN sẽ yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, phân phối phải làm việc trực tiếp và có văn bản giải trình các hiện tượng được phản ánh kể trên. Sau khi có văn bản, các bộ phận chuyên môn sẽ xem xét, đánh giá và khảo sát, kiểm tra các hiện tượng. Nếu xét thấy những phản ánh ấy là có cơ sở, Cục sẽ yêu cầu các hãng xe buộc phải triệu hồi để khắc phục lỗi.

2
Chuyên gia Mercedes-Benz kiểm tra hiện tượng lọt nước cầu trước trên xe GLC tại đại lý An Du (Hà Nội)

Gần đây, một số trường hợp như với các mẫu xe Honda CR-V bị gỉ sét, Mercedes GLC bị lọt nước cầu trước… theo ông có thuộc diện phải triệu hồi?

Đối với các trường hợp kể trên, Cục Đăng kiểm VN đều đã làm việc và yêu cầu doanh nghiệp giải trình về những phản ánh của người tiêu dùng. Đến nay, áp dụng các quy chuẩn ở trên nêu, những trường hợp này có đặc điểm khá tương đồng.

Như mẫu Honda CR-V được cho là bị gỉ sét, Cục đánh giá hiện tượng này không liên quan nhiều đến an toàn cũng như vi pham các quy chuẩn kể trên.

Còn với trường hợp Mercedes - Benz GLC sau khi áp theo các tiêu chuẩn chưa thể khẳng định là những mẫu xe này bị lỗi kỹ thuật. Nhà sản xuất cũng đã đưa thông tin khá rõ ràng trong cuốn hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra cũng có cảnh báo về khả năng nước lọt vào cầu trước qua van điều áp của cầu trước. Do đó, chúng tôi cho rằng cách khắc phục mà hãng đã đưa ra là hợp lý, chưa nhất thiết phải triệu hồi sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay, Cục vẫn đang nghiên cứu, đánh giá các vấn đề liên quan. Nếu hiện tượng kể trên là lỗi của nhà sản xuất và ảnh hưởng đến an toàn, Cục sẽ đưa ra những yêu cầu cụ thể với nhà nhập khẩu và phân phối.

Hiện tại, dường như vẫn có những nhà sản xuất ô tô e ngại, trì hoãn việc triệu hồi các sản phẩm lỗi. Theo ông, vì sao có hiện tượng này?

Khi đối diện với những vấn đề về sản phẩm bị lỗi trong đó có cả việc triệu hồi, mỗi hãng xe có những cách ứng xử rất khác nhau. Thông thường khi gặp vấn đề, các hãng xe muốn giải quyết một cách hài hoà và tránh ảnh hưởng nhất. Một số doanh nghiệp vẫn cho rằng triệu hồi xe sẽ ảnh hưởng đến uy tín hoặc tài chính. Việc thay thế, sửa chữa những sản phẩm lỗi là điều không khách hàng hay hãng xe nào mong muốn. Tuy nhiên, theo tôi, việc triệu hồi xe thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với sản phẩm mình tạo ra và uy tín của mình đối với khách hàng. Vì thế, việc triệu hồi xe nên hiểu theo hướng tích cực, đó là sự văn minh.

3

Ông Nguyễn Mạnh Thắng

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị viên facebook otofun.net:

Nhiều mẫu xe thiết kế chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam

Theo quan điểm cá nhân, cả hai trường hợp gần đây là Honda CR-V và Mercedes GLC nếu nói là sản phẩm “lỗi” thì chưa hoàn toàn chính xác. Đối với CR-V nhiều khả năng nhà sản xuất đã tính toán và sử dụng vật tư chưa qua xử lý bề mặt ở chi tiết này. Nhưng bộ phận này phải thay thế định kỳ do vòng đệm cao su bên trong thông thường sẽ hỏng trước cụm kim loại bọc bên ngoài. Do đó, việc nhiều người đặt câu hỏi về tính an toàn của việc gỉ sét này tôi nghĩ là không cần thiết.

Còn với trường hợp nước có thể lọt vào cầu trước đối với Mercedes-Benz GLC, theo tìm hiểu của tôi, hiện tượng này chỉ xảy ra tại Việt Nam nên cũng rất khó để nói đây là “lỗi” của sản phẩm. Nhiều khả năng, nhà sản xuất chưa tính đến điều kiện đường sá cũng như khí hậu tại Việt Nam. Hiện tượng mưa ngập là tương đối phổ biến nhưng các khuyến cáo lại đưa ra quá chậm và thụ động dẫn đến nhưng dư luận không tốt và làm người tiêu dùng lo lắng.

4

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty luật SB Law:

Hãng xe nên chủ động giải quyết dứt điểm

Trong trường hợp mua ô tô gặp lỗi, để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng có thể phản ánh tới báo chí, cơ quan có thẩm quyền để có căn cứ điều tra, xử lý. Trong các trường hợp như vậy, nếu có sự vào cuộc của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng hay cơ quan quản lý nhà nước thì việc giải quyết vụ việc sẽ rất hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.

Thực tế, lỗi sản phẩm ô tô là vấn đề kỹ thuật, vượt quá khả năng kiểm nghiệm của người tiêu dùng bình thường. Vì vậy, rất cần có sự tham gia của cơ quan đăng kiểm hoặc các cơ quan giám định độc lập để kiểm tra nguyên nhân sự cố, xem xét các điều kiện bảo hành, từ đó có thể kết luận là nguyên nhân dẫn đến sản phẩm bị lỗi.

Ví dụ như vụ việc đang xảy ra với lỗi nước lọt vào cầu trước trên xe Mercedes GLC, Công ty Mercedes-Benz là một doanh nghiệp lớn, một thương hiệu xe sang, nếu còn nhiều tranh cãi, theo tôi họ nên phối hợp với đại diện của người tiêu dùng và Cục Đăng kiểm VN để mời một đơn vị giám định độc lập vào. Kết luận của đơn vị giám định độc lập sẽ là cơ sở để xem xét trách nhiệm của các bên. Nếu không, vụ việc sẽ rất khó được giải quyết vì bên nào cũng cho là mình đúng và không có hướng giải quyết dứt điểm. Nếu để kéo dài, người tiêu dùng bị thiệt hại và bản thân hãng xe cũng bị ảnh hưởng uy tín.

Trong trường hợp xe gặp lỗi, khách hàng và hãng xe không tìm được tiếng nói chung và khách hàng có đầy đủ căn cứ chứng minh đây là lỗi của hãng xe thì có thể khởi kiện, đòi bồi thường. Tuy nhiên, quá trình khởi kiện một vụ việc như thế này cũng tương đối lâu vì toà án sẽ phải thụ lý và trưng cầu giám định độc lập, quy trình tố tụng kéo dài.

5

Anh Lê Đức Nguyên

Anh Lê Đức Nguyên (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội):

Khách hàng lúng túng

Tôi đang sử dụng chiếc Mercedes GLC. Thú thực khi có dư luận chiếc xe của mình gặp lỗi cũng chưa biết sẽ giải quyết thế nào. Tuy nhiên, nếu chiếc xe bị lỗi do nhà sản xuất, nhiều xe cùng bị lỗi này, hãng xe phải có động thái sửa chữa, thay thế miễn phí, khắc phục lỗi cho khách hàng, không để khách hàng phải mất tiền sửa chữa lỗi do hãng gây ra. Theo tôi, nếu có kiện hãng xe ra tòa mà không có sự đồng hành đắc lực của các cơ quan quản lý nhà nước thì có lẽ vụ kiện sẽ diễn ra rất lâu, gây tổn thất về mặt thời gian cũng như tiền bạc của khách hàng cũng như hãng xe.

Để khắc phục hiện tượng lọt nước cầu trước trên xe GLC, Mercedes-Benz Việt Nam mới đây đã đưa ra biện pháp khắc phục gồm: Hỗ trợ kiểm tra miễn phí dầu cầu trước cho toàn bộ khách hàng sử dụng xe GLC trong tháng 8/2018; Để hạn chế tối đa rủi ro thiệt hại, các xưởng dịch vụ chính hãng sẽ hỗ trợ khách hàng bằng cách nối dài van thông hơi bằng phụ tùng chính hãng ở một mức giá hợp lý và miễn phí công kiểm tra, giảm 50% công lắp đặt để khắc phục lỗi.

Về hiện tượng gỉ sét trên xe CR-V, Honda Việt Nam cũng vừa cho biết: “Khi phát triển sản phẩm, chúng tôi đã xác nhận khả năng chống gỉ trên chi tiết của sản phẩm có thể đáp ứng được trong điều kiện khắc nghiệt hơn cả điều kiện sử dụng thông thường. Mức độ gỉ sét sẽ khác nhau, phụ thuộc vào độ ẩm cũng như hàm lượng muối trong không khí và trong môi trường nước. Nếu hiện tượng gỉ sét xảy ra trên bề mặt của chi tiết này cũng không gây ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống treo. Chiếc xe vẫn có khả năng vận hành một cách an toàn, không cần khắc phục”.

Nguồn: http://xe.baogiaothong.vn/tu-su-co-mercedes-glc-khi-nao-phai-trieu-hoi-xe-d268822.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan