Từ saigon co.op: Bóc trần những lỗ hổng trong mô hình hợp tác xã

Nội dung bài viết

Kết luận mới đây của thanh tra TP.HCM về các dấu hiệu sai phạm tại Saigon Co.op một lần nữa đặt ra hiệu quả mô hình hợp tác xã trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, phóng viên có gửi một số câu hỏi cho luật sư Nguyễn Thanh Hà:

 

Câu 1: Ông đánh giá như thế nào về mô hình hoạt động của hợp tác xã thông qua mô hình của saigon co.op? Mô hình này có những bất cập và hạn chế như thế nào?

Trả lời:

Mô hình của Saigon Co.op luôn được cho là mô hình kiểu mẫu của một hợp tác xã và không thể phủ nhận được các thành công mà đơn vị này đã đạt được trong thời gian qua.

Theo đúng đinh nghĩa được quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2012 thì Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”.

So với doanh nghiệp, mô hình hợp tác xã hiện thân cho khu vực kinh tế tập thể và mục tiêu cũng là để đảm bảo tính tập thể. Có thể hiểu theo luật là hợp tác xã tồn tại chủ yếu để gánh vác chính sách an sinh xã hội cho một bộ phận dân cư, thay vì nhắm tới mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế. Chính bởi lý do đó mà Nhà nước luôn có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã: quyền sử dụng đất, tài sản cố định, vốn và cả thuế.

Tuy nhiên, tài sản của hợp tác xã là tài sản chung không chia. Những vấn đề sử dụng vốn, phân chia lợi nhuận và thậm chí chuyện xung đột lợi ích xuất hiện kể cả khi mục tiêu “đảm bảo nhu cầu chung” tiếp tục được nhấn mạnh. Khi một thành viên chấm dứt tư cách xã viên thì hợp tác xã cũng chỉ trả lại phần vốn họ đã góp. Tất cả các loại tài sản vẫn thuộc sở hữu chung của hợp tác xã thì vẫn được sử dụng để tạo nguồn thu. Điều này trước đây vốn dĩ là ưu điểm, tuy nhiên hiện nay, khối tài sản và doanh thu quá lớn và Nhà nước dành nhiều ưu đãi cho mô hình này, không khó để những động cơ ngoài mục đích tương trợ xuất hiện trong các quyết định tham gia hợp tác xã.

Mô hình hợp tác xã xuất hiện lỗ hổng trong khung pháp lý, dẫn tới nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng lỗ hổng này để thu lợi với mục đích không liên quan tới tập thể.

 

Câu 2: Đâu là vấn đề rắc rối lớn nhất mà saigon co.op cũng như các liên minh hợp tác xã gặp phải?

Trả lời:

Saigon Co.op là một trong số ít liên minh hợp tác xã được đánh giá là thành công. Vấn đề mà Saigon Co.op phải đối mặt là vấn đề về sự bất thường trong tiếp nhận vốn góp.

Đối với các liên minh hợp tác xã khác, vấn đề về vốn cũng luôn được xét đến bởi mô hình này bình đẳng giữa các thành viên, kể cả góp nhiều vốn hay góp ít, dẫn đến việc không thu hút được thành viên góp nhiều vốn.

Bên cạnh đó, tài sản chung của hợp tác xã vẫn thiếu các quy định điều chỉnh, làm thế nào để có thể được sử dụng hiệu quả cũng như đảm bảo được quyền lợi của các thành viên.

Với mục tiêu vì tập thể, có quy định giới hạn tỉ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã ra bên ngoài cho các đối tượng không phải là thành viên của hợp tác xã hay liên hiệp hợp tác xã. Cụ thể, con số này được xác định là không quá 50%. Có nghĩa 50% còn lại buộc phải được duy trì để dịch chuyển trong nội bộ mỗi hợp tác xã. Với quy định này, khó có thể tạo động lực cho các thành viên tham gia vào hoạt động sản xuất. Thế nhưng, nếu hợp tác xã hoạt động với mục tiêu sinh lợi nhuận thì lại trái với mục tiêu vì tập thể và trở nên không khác gì với mô hình doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Saigon Co.op có nguy cơ mất chức sau khi bị miễn nhiệm tư  cách thành viên HĐQT

Câu 3: Khuôn khổ pháp lý dành cho mô hình hợp tác xã đang có những bất cập như thế nào, thưa ông?

Trả lời:

Về cơ chế chính sách, thời gian qua các Bộ, ngành Trung ương đã hướng dẫn Luật Hợp tác xã 2012 theo nhiệm vụ được phân công. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập sau:

Thứ nhất, một số quy định còn chưa được hướng dẫn cụ thể, ví dụ: xác định tài sản không chia, xử lý tài sản không chia sau chuyển đổi, giải thể hợp tác xã; hướng dẫn chuyển đổi hợp tác xã sang các loại hình tổ chức khác; hướng dẫn thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã; ...

Thứ hai, nhiều chính sách hỗ trợ Hợp tác xã thực hiện chưa thực sự hiệu quả, tính khả thi không cao. Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2017/NĐ-CP), quy định 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hợp tác xã, nhưng thực tế các chính sách này đi vào cuộc sống không nhiều, có chính sách hầu như chưa thực hiện được. Bởi các chính sách chủ yếu là lồng ghép trong các chính sách chung của nhà nước, một số chính sách riêng cho hợp tác xã thì không có nguồn vốn.

Bên cạnh đó, thời gian ban hành một số văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2012 kéo dài và phải điều chỉnh, nên quá trình triển khai thực hiện Luật gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức tuyên truyền phổ biến về Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao dẫn đến nhận thức về pháp luật hợp tác xã chưa thống nhất. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai một số quy định mới của Luật, không có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hợp tác trong quá trình thực hiện.

Mô hình hợp tác xã bắt đầu xuất hiện từ những năm 1980 đến nay, tức là chúng ta có gần 40 năm với mô hình này và cũng đã có gần 25 năm bồi đắp thể chế pháp lý về hợp tác xã, kể từ thời điểm ban hành Luật hợp tác xã cho mô hình hợp tác xã kiểu mới vào năm 1996. Thế nhưng những thay đổi về quy định chẳng có gì đáng kể, thậm chí còn làm xuất hiện những ngờ vực về vai trò của chúng trong phát triển kinh tế tập thể. Ít ra, như những gì đã thấy, vì thiếu rõ ràng và dứt khoát, khung pháp lý hiện nay vẫn đang lộ ra nhiều kẽ hở dễ dàng bị lợi dụng và... hợp thức hóa cho một số hành vi và động cơ khác.

 

Câu 4: Theo ông, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta có nên duy trì mô hình hợp tác xã không?

Trả lời:

Vụ việc xảy ra tại Saigon Co.op đã báo động những bất cập về mô hình hợp tác xã hiện nay, tuy nhiên không vì thế mà phủ nhận hiệu quả của nó. Trước kia, mô hình hợp tác xã còn rất hình thức nhưng hiện nay, hợp tác xã đã làm rất nhiều khâu, từ tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến tìm thị trường xuất khẩu, ... Điều đó cho thấy hiệu quả của các hợp tác xã, từ đó các thành viên gắn bó, tham gia vào chuỗi sản xuất, cùng với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, kể cả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid hiện nay, việc liên kết hợp tác để hỗ trợ nhau là vô cùng cần thiết

 

Câu 5: Trong trường hợp nên duy trì mô hình hợp tác xã cần sửa đổi những quy định pháp luật như thế nào?

Trả lời:

Với mục tiêu phát triển hợp tác xã một cách hiệu quả, cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012; khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã, cụ thể như: rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển hợp tác xã; huy động nguồn lực từ các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển; ...

Thứ hai, cần tập trung giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ Luật Hợp tác xã năm 2012, bản chất mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Đồng thời, tiến hành rà soát tình hình hoạt động của các hợp tác xã, giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động lâu năm không giải thể được do chưa xử lý được tài chính, tài sản, ...Bên cạnh đó, nâng cao hoạt động của các hợp tác xã thông qua tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, cho các hợp tác xã.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan