Từ những vụ gian lận xuất xứ hàng hóa, đặt ra các vấn đề pháp lý cần giải quyết

Nội dung bài viết

Trên báo Điện tử Phaply.net, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa (Giám đốc Công ty Luật SBLaw) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về các vấn đề liên quan đến tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa diễn ra hết sức phức tạp trong thời gian gần đây.

(Pháp lý) – Từ rất nhiều vụ việc như lụa Khaisilk, Asanzo, nhôm “đội lốt” hàng Việt hay hàng điện tử dân dụng hay các sản phẩm gỗ ván ép…bị bóc mẽ, cáo buộc có gian lận xuất xứ hàng hóa “lẩn tránh thuế” đã đặt ra rất nhiều vấn đề pháp lý cần giải quyết, trong đó có lỗ hổng trong quản lý và lỗ hổng của hệ thống chính sách pháp luật.

Để làm rõ hơn các vấn đề trên, Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh.

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa trao đổi với PV Pháp lý

Gian lận xuất xứ hàng hóa và những nguy cơ với nền kinh tế

Phóng viên: Thưa ông, từ thực tế những vụ việc kinh doanh gian lận xảy ra trong thời gian qua, ông có lưu ý gì đối với các cơ quan quản lý?

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa: Chúng ta cần phải phân biệt việc ghi nhãn hàng hoá đối với hàng hoá nội địa với việc chứng nhận xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu. Trường hợp thứ nhất nếu là hàng hoá “đội lốt” Việt Nam để kinh doanh tại Việt Nam. Đây là vấn đề ghi nhãn hàng hoá với hàng hoá nội địa. Trường hợp thứ hai là hàng hoá “đội lốt” Việt Nam để xuất khẩu. Tức là liên quan đến hoạt động chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Với mỗi trường hợp, các vấn đề pháp lý phát sinh sẽ khác nhau.

Đối với trường hợp thứ nhất, tại Việt Nam hiện nay các quy định đối với chứng nhận xuất xứ hàng hoá được bán trong thị trường nội địa chưa rõ ràng. Chính vì điều này, có thể gây mất niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước. Với những sự việc vừa xảy ra, tôi tin chắc rằng cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ nhanh chóng tìm kiếm ra giải pháp và phương án khả thi để cụ thể hoá các quy định về việc ghi nhãn hàng hoá nội địa.

Đối với trường hợp thứ hai, việc chứng nhận xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu sẽ phải tuân thủ theo các Hiệp định mà Việt Nam là thành viên và Luật Quản lý ngoại thương. Nếu hàng hoá của nước ngoài “đội lốt” Việt Nam khi xuất khẩu chắc chắn sẽ cấu thành hành vi gian lận thương mại.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu việc cấp C/O là do Bộ Công thương trực tiếp cấp hoặc ủy quyền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức khác thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Như vậy, nếu phát hiện các hình thức hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu, ngoài việc xác định đó là hành vi gian lận thương mại của đơn vị xuất khẩu, còn là lỗi của cơ quan cấp C/O trong quá trình kiểm tra các điều kiện để cấp chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm yêu cầu.

Lực lượng hải quan kiểm tra 4 container hàng hóa xuất khẩu đi Hàn Quốc của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Lâm An (trụ sở tại quận 1, TP. HCM) có dấu hiệu gian lận thương mại.
Lực lượng hải quan kiểm tra 4 container hàng hóa xuất khẩu đi Hàn Quốc của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Lâm An (trụ sở tại quận 1, TP. HCM) có dấu hiệu gian lận thương mại.

Việc liên tiếp xảy ra các vụ gian lận xuất xứ hàng hóa, nếu không có giải pháp ngăn chặn sẽ đặt ra những nguy cơ gì đối với các ngành hàng trong nước, thưa ông?
Gian lận xuất xứ hàng hoá đang là mối lo ngại lớn đối với doanh nghiệp Việt nói riêng và nền kinh tế thương mại Việt Nam nói chung. Nhiều ngành hàng của Việt Nam đã và đang lọt vào “tầm ngắm” của các nước trên thế giới do lo ngại vấn đề xuất xứ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, nhưng tôi cho rằng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng Việt Nam để trốn tránh xuất xứ và mong được hưởng lợi về thuế, điều này vô tình làm các đối tác nghi ngờ và thực hiện các biện pháp phòng vệ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu.

Một loạt các vụ việc xảy ra như đã nêu gây nhầm lẫn, thiệt hại cho người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến uy tín các mặt hàng sản xuất cùng chủng loại trong nước. Ðồng thời, dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam.

Hành vi gian lận thương mại hoặc lẩn tránh bất hợp pháp khi làm giả xuất xứ hàng hoá để được hưởng lợi từ thuế xuất nhập khẩu vào các nước hoặc nhằm lẩn tránh các mức thuế chống phá giá hoặc thuế chống trợ cấp có thể sẽ bị áp dụng biện pháp trừng phạt của quốc gia nhập khẩu. Biện pháp này có thể chỉ dành cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng cũng có thể dành cho cả ngành hàng có liên quan. Việc áp dụng ở mức độ nào sẽ tuỳ thuộc vào quyền quyết định của quốc gia nhập khẩu.

Hàng hóa của Việt Nam có nguy cơ sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Có thể nói, điều này không chỉ khiến doanh nghiệp Việt thua thiệt trên trường quốc tế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức cạnh tranh của ngành hàng trong nước.

Ví dụ, trong một số phát biểu của Tổng thống Mỹ, đều nhắc tới Việt Nam như một quốc gia hưởng lợi và có cán cân thương mại bất bình đẳng, điều này gây ra những hệ quả tiêu cực và ảnh hưởng tới thương mại Việt Nam Hoa Kỳ. Việt Nam có thể bị biến thành thị trường, phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu chiến lược nếu không có giải pháp căn cơ chống hàng lẩn tránh xuất xứ, điều tra chống bán phá giá, điều tra việc trợ cấp từ Chính phủ các nước.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến Việt Nam bị doanh nghiệp các nước lợi dụng để thực hiện hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa?

Việc hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ trong thời gian qua không chỉ là vì muốn nhận được mức thuế suất ưu đãi cho các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam theo các thoả thuận có liên quan giữa Việt Nam và các nước, mà còn có thể để nhằm mục đích lẩn tránh các khoản thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp mà các nước nhập khẩu đã áp dụng cho các quốc gia có sản phẩm muốn “đội lốt” hàng hoá Việt Nam.

Điển hình như trường hợp Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ra quyết định áp thuế đối với thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam vào tháng 07/2019, khi phát hiện các sản phẩm này thực chất là thép nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan để làm nguyên liệu sản xuất chính, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên các sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội từ hai nước này, khiến lượng sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, lần lượt 331% và 916% so với các năm trước đó.

Sự lỏng lẻo về chính sách pháp luật – lỗ hổng lớn nhất

Việc liên tiếp để xảy ra các vụ việc trong thời gian qua, cho thấy có lỗ hổng từ quản lý và sự thiếu chặt chẽ của chính sách pháp luật. Dưới góc nhìn của một luật sư, ông đánh giá cụ thể từng lỗ hổng như thế nào?

Những lỗ hổng xuất phát từ việc quản lý, chính sách lỏng lẻo cộng với sự chủ động vi phạm luật pháp, lách luật của các đối thủ ngày càng tinh vi hơn đã khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trong các cuộc đấu trí về thương mại giữa các nước lớn.

Đặc biệt, thuế nhập khẩu của các nước đối với hàng hóa Việt Nam giảm mạnh hoặc không đánh thuế với một số hàng hóa do Việt Nam đã ký 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Đây là một lợi thế nhưng cũng chính là điểm bất lợi để các nước khác lợi dụng.

Bên cạnh đó, hàng giả, hàng lậu từ bên kia biên giới, nhập lậu theo đường mòn, lối mở vào Việt Nam qua biên giới trong nhiều năm diễn biến hết sức khó lường và khó kiểm soát. Việc quản lý hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ từ các nước vào Việt Nam vẫn đang là vấn đề nan giải.

Vấn nạn nữa là nhiều doanh nghiệp Việt Nam, do cạnh tranh bằng giá, đã tiến hành yêu cầu đối tác Trung Quốc gia công hàng hoá giá rẻ, kém chất lượng để nhập khẩu vào Việt Nam hoặc bán sang các quốc gia khác, gây ra việc nghi ngờ, mất niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hoá Việt Nam.

Thêm một lỗ hổng nữa đó là hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành vẫn chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh. Cụ thể, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý Ngoại thương về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu không quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ và tiêu chí xuất xứ thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, mà việc ghi xuất xứ hàng hóa như cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” được giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định.

Lợi dụng kẽ hở này, không ít doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, cụm linh kiện, cụm chi tiết về Việt Nam chỉ cần lắp ráp đơn giản thành sản phẩm hoàn chỉnh bằng công nghệ “tuốc-nơ-vít” và gắn nhãn “xuất xứ Việt Nam”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gian lận khi xuất khẩu. Có thể thấy lỗ hổng về chính sách pháp luật chính là lỗ hổng lớn nhất để gian lận xuất xứ hàng hóa có nguy cơ gia tăng.

Kiến nghị

Vậy để bịt những lỗ hổng đó, chúng ta phải có giải pháp cụ thể nào?

Đối với vấn đề hàng “đội lốt” Việt Nam để lưu hành nội địa, cần siết chặt công tác kiểm tra hàng hóa từ biên giới, đường mòn, lối mở, chợ đầu mối, siêu thị… Đặc biệt, không chỉ quy trách nhiệm cho lực lượng quản lý thị trường mà người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng phải chịu trách nhiệm. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cần lên tiếng khi có phản ánh về hàng giả xuất xứ và cùng phối hợp với cơ quan quản lý bảo vệ người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, hiệp hội thường xuyên theo dõi, phát hiện các mặt hàng giả, hàng nhái và cùng cơ quan quản lý thị trường xử lý kịp thời.

Đối với hàng hoá “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất khẩu, biện pháp quan trọng nhất chính là siết chặt việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá khi xuất khẩu. Tuy nhiên, gốc của vấn đề không nằm ở khâu này mà là khâu quản lý hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam nhưng lại được gắn xuất xứ Việt Nam từ nơi sản xuất nước ngoài. Do đó, vấn đề cốt yếu trong trường hợp này là cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với các mặt hàng nhập khẩu như thế. Ngoài ra, trong cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, một hình thức khác của việc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam đó chính là sự chuyển dịch nhà máy qua Việt Nam, với dòng vốn đầu tư lớn để hấp dẫn các doanh nghiệp trong nước. Điều này sẽ có hệ luỵ ảnh hưởng rất lớn đối với ngành sản xuất trong nước. Do đó, việc kiểm soát quá trình dịch chuyển này cũng là vấn đề mang tính sống còn, không chỉ hạn chế vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam mà còn đối với ngành chế biến sản xuất trong nước.

Trước tình hình này, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhãn mác hàng hóa. Tăng cường giám sát hàng hóa có nguy cơ cao chuyển tải bất hợp pháp, gian lận C/O. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số hàng hóa xuất nhập khẩu (HS), xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa; đảm bảo phải phù hợp với tên hàng, mã số HS xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Sau Asanzo, vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt chờ xuất khẩu sang Mỹ lại trở thành tâm điểm của dư luận về gian lận xuất xứ hàng hóa, “lẩn tránh thuế”
Sau Asanzo, vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt chờ xuất khẩu sang Mỹ lại trở thành tâm điểm của dư luận về gian lận xuất xứ hàng hóa, “lẩn tránh thuế”

Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền doanh nghiệp không vì cái lợi trước mắt mà bao che, tiếp tay cho hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam, chủ động tố giác các hành vi vi phạm. Đồng thời, xử phạt nặng các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có hành vi nhập hàng hóa Trung Quốc rồi lấy danh nghĩa hàng Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường khác.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bám sát thực tiễn để đưa ra các quy định phù hợp, nâng cao hiệu quả, công tác quản lý của cơ quan có chức năng.

Về phía các doanh nghiệp, để bảo vệ mình, theo ông họ cần phải trang bị những gì để phòng và tránh các hành vi gian lận thương mại?

Vấn đề quan trọng nhất là nhận thức và đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp. Cần phải nhận thức sâu sắc về nguy cơ bị nước ngoài điều tra về gian lận thương mại và xuất xứ, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, với những ngành chế biến xuất khẩu có giá trị cao như thủy sản, da giày, gỗ và dệt may…

Không bàn đến những trường hợp gian lận thương mại có chủ đích, trên thực tế có không ít doanh nghiệp chân chính cũng “vô tình” vướng vào tội danh “đội lốt” này. Tuy nhiên, như đã nói, hiện pháp luật về chứng nhận xuất xứ hàng hóa còn chưa thật sự cụ thể và rõ ràng, rất nhiều doanh nghiệp chủ quan trong việc xác định mức độ “Việt Nam” trong hàng hóa của mình nên mới dẫn đến những trường hợp đáng tiếc. Vì vậy, trong trường này, các doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu pháp luật, rà soát quy trình, hàng hóa, hồ sơ, chứng từ để chứng minh hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để bảo vệ mình.

Các doanh nghiệp cần phải chủ động trang bị những kiến thức cần thiết để phòng chống gian lận thương mại. Chủ động nâng cao ý thức của mình trong sản xuất hàng hóa, chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm của mình để nâng cao khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Đặc biệt, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải tìm kiếm khách hàng tại các thị trường mới mà Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại.

Đồng thời, phải thường xuyên theo dõi, phát hiện các mặt hàng giả, hàng nhái, tích cực cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, kết hợp hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng nhằm tạo môi trường kinh doanh ổn định, nâng cao hiệu quả phòng chống gian lận thương mại. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu tối đa nguồn lực, nâng cao năng suất lao động.

Nguyễn Nguyễn (thực hiện)

Nguồn:http://phaply.net.vn/tu-nhung-vu-gian-lan-xuat-xu-hang-hoa-dat-ra-cac-van-de-phap-ly-can-giai-quyet/?fbclid=IwAR0ydlG8NW6dgR2JNiza0W4L4fN3ZGiygxBL1f17a1m0Z0MoLvV6isJs3Fw

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan