SBLAW trân trọng giới thiệu những văn bản pháp luật quan trọng sẽ có hiệu lực từ tháng 1 năm 2018, những chính sách mới liên quan tới lao động, tiền lương, bảo hiểm, luật hình sư.
1. Lương tối thiểu vùng tăng thêm 180.000 - 230.000 đồng/tháng từ 01/01/2018
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, từ ngày 01/01/2018, chính thức áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định sau đây:
- Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định số 153/2016/NĐ-CP)
- Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng)
- Vùng III: 3.090.000 đồng/ tháng (tăng 190.000 đồng)
- Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng).
Ngoài ra, Nghị định 141 cũng điều chỉnh phân vùng đối với một số huyện, thị xã như sau:
- Đưa thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai từ vùng II lên vùng I;
- Đưa các huyện Thống nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, Huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, Thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam từ vùng III lên vùng II.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 01 năm 2018. Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
2. Quy định mới về tính lãi tiền gửi: Bỏ quy ước “1 năm có 360 ngày”
Từ ngày 1/1/2018, phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2017/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới ban hành.
Theo đó, thời gian chuẩn để quy đổi mức lãi suất tỷ lệ %/ngày sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/năm và ngược lại là 1 năm = 365 ngày (quy định hiện hành tại Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN là 1 năm = 360 ngày).
Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời hạn từ một ngày trở lên: Tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi và thời điểm xác định số dư để tính lãi theo một trong hai cách sau:
Cách 1: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
Cách 2: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày nhận tiền gửi đến hết ngày liền kề trước ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.
Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng mà thời hạn tính từ khi nhận tiền gửi hoặc từ khi giải ngân khoản cấp tín dụng đến khi thanh toán hết khoản tiền gửi, khoản cấp tín dụng dưới một ngày: Tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi được tính từ khi nhận tiền gửi hoặc từ khi giải ngân khoản cấp tín dụng đến khi thanh toán hết khoản tiền gửi, khoản cấp tín dụng, nhưng không được vượt quá một ngày.
Thông tư quy định rõ về công thức tính lãi như sau:
Số tiền lãi của một ngày được tính toán như sau:
Số tiền lãi ngày = | Số dư thực tế x Lãi suất tính lãi |
365 |
Số tiền lãi của kỳ tính lãi bằng (=) tổng số tiền lãi ngày của toàn bộ các ngày trong kỳ tính lãi.
- Đối với các khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời gian duy trì số dư thực tế nhiều hơn một (01) ngày trong kỳ tính lãi, được sử dụng công thức rút gọn sau để tính lãi:
Số tiền lãi = | ∑ ( Số dư thực tế x số ngày duy trì số dư thực tế x Lãi suất tính lãi) |
365 |
Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thỏa thuận được lập thành văn bản dưới hình thức thỏa thuận cụ thể hoặc thỏa thuận khung và thỏa thuận cụ thể: Văn bản thỏa thuận nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phải có nội dung về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi; trường hợp thỏa thuận áp dụng lãi suất điều chỉnh thì trong văn bản thỏa thuận phải có nội dung về nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh và tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng bằng văn bản về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh; …
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
3. Phạt tù đến 03 năm nếu đuổi NLĐ để né thưởng Tết Âm lịch 2018
Đây là nội dung mới đáng chú ý được quy định tại Điều 162 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, nếu người sử dụng lao động (NSDLĐ) đuổi việc người lao động (NLĐ) để né thưởng Tết Âm lịch năm 2018 nói riêng và sa thải NLĐ một cách trái pháp luật nói chung thì tùy vào mức độ vi phạm mà bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Ngoài mức phạt nêu trên, NSDLĐ phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 162. Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật
1.Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;
b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;
c) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.
3.Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nội dung nêu trên sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.
4. 25 hành vi dù chuẩn bị phạm tội vẫn phải lĩnh án từ ngày 1/1/2018
Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của bộ luật này phải bị xử lý hình sự...
Điều 14 định nghĩa: Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.
Người có hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự với 25 trong số 314 tội danh thuộc năm nhóm tội: xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; xâm phạm sở hữu; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội xâm phạm an toàn công cộng.
25 tội mà người chuẩn bị phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm hình sự:
Điều 123: Giết người
Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: giết hai người trở lên, giết người dưới 16 tuổi, giết phụ nữ mà biết là có thai, để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, có tính chất côn đồ, có tổ chức... thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 168: Cướp tài sản
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 3-10 năm.
Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 108: Phản bội Tổ quốc
Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Nếu người phạm tội gây án trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bị phạt tù 7-15 năm.
Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 109: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bị khép vào tội này. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người đồng phạm khác bị phạt tù 5-12 năm.
Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 110: Gián điệp
Người nào có một trong các hành vi: hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây cơ để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại; cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
Nếu người phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù 5-15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.
Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.
Điều 111: Xâm phạm an ninh lãnh thổ
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị coi là phạm tội trên.
Cụ thể, người tổ chức, hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân. Người đồng phạm khác bị phạt tù 5-15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 112: Bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang, dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị khép tội Bạo loạn. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đồng phạm bị phạt tù 5-15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 113: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Phạm tội trong trường hợp: thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cá bộ, công chức hoặc người khác thì bị phạt tù 10-15 năm.
Phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù 5-10 năm.
Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo Điều này. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 114: Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội, thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù 5-15 năm.
Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 115: Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội
Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, thì bị phạt tù 7-15 năm. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù 3-7 năm.
Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Điều 116: Phá hoại chính sách đoàn kết
Người nào thực hiện một trong những hành vi: gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội; gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù 7-15 năm.
Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng bị phạt tù 2-7 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Điều 117: Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người nào có một trong những hành vi: làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù 5-12 năm.
Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù 10-20 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 118: Phá rối an ninh
Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 112 của bộ luật này, thì bị phạt tù 5-15 năm.
Đồng phạm bị phạt tù 2-7 năm. Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Ngoài các tội về xâm phạm an ninh, luật sư còn phải tố giác thân chủ nếu biết rõ họ là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo định nghĩa tại bộ luật này là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
12 tội còn lại gồm: Chống phá cơ sở giam giữ (điều 119), Tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (điều 120), Trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (điều 121), Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 134), Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169), Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (điều 207), Khủng bố (điều 299), Tài trợ khủng bố (điều 300), Bắt cóc con tin (điều 301), Cướp biển (điều 302), Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (điều 303), Rửa tiền (điều 324).
5. Tham gia BHXH tự nguyện: Nhà nước hỗ trợ 10 - 30% tiền đóng
Từ 1/1/2018, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Đây được xem là một trong những giải pháp để “kích cầu” đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện thể hiện tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội (ảnh minh họa - internet)
Theo BHXH Việt Nam, Nhà nước hỗ trợ cụ thể là bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Mức hỗ trợ tiền đóng hàng tháng được tính bằng công thức: Mhtt = k × 22% × CN
Đối với người tham gia BHXH đóng theo phương thức 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần hoặc một lần cho nhiều năm về sau thì mức hỗ trợ được tính bằng công thức:
6. Từ 01/01/2018, chủ DN trốn đóng BHXH có thể ở tù đến 7 năm
Theo Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) có hiệu lực từ 01/01/2018, việc trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động, chủ doanh nghiệp sẽ chịu mức phạt tù có thể lên tới 7 năm và tiền phạt có thể lên tới 1 tỷ đồng.
Theo đó, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; Phạm tội 2 lần trở lên phạt tiền tư 200 đến 500 triệu hoặc phạt từ từ 6 tháng đến 3 năm; Tội trốn đóng bảo hiểm từ 1 tỷ đồng trở lên phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
7. Từ 1/1/2018: Điều chỉnh chế độ lương hưu mới
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016: Từ 1/1/2018, lao động nam đạt 31 năm đóng BHXH và lao động nữ 30 năm đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu tương đương 75 % mức đóng BHXH hàng tháng.
Việc đáp ứng mức lương hưu 75 % theo lộ trình tới năm 2022, như sau: Từ năm 2019, nam giới phải đủ 32 năm tham gia BHXH, năm 2020 đạt 33 năm, năm 2021 đạt 34 năm và từ năm 2022, nam giới phải có 35 năm đóng BHXH.
Với nữ giới, sau 1/1/2018 áp dụng đồng loạt quy định hưởng lương hưu ở mức 75 % khi đủ 30 năm tham gia BHXH, không cần lộ trình tăng dần như nam giới.
Việc tính tuổi hưu như trên căn cứ vào quy định hiện hành của Luật lao động: Nam nghỉ hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55.