Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn về các nội dung quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Dưới đây là nội dung chi tiết của bài phỏng vấn:
Câu 1: So với quy định ngân hàng thương mại (NHTM) phải định kỳ cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng (NH) cho cơ quan quản lý thuế được nêu ra tại Luật quản lý thuế trước đây, quy định định tại Nghị định 126/2020 NĐ-CP có gì khác, thưa ông?
Luật sư trả lời: Theo quy định của Luật quản lý thuế trước đấy, cụ thể là Điều 72 Luật Quản lý thuế năm 2006 quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế đối với Ngân hàng thương mại như sau:
“2. Các cơ quan sau đây có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế:
a) Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác có trách nhiệm cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế;....”.
Như vậy, theo quy định của Luật Quản lý thuế 2006, ngân hàng thương mại đã phải cung cấp thông tin liên quan cho cơ quan thuế theo yêu cầu, tuy nhiên, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết hơn, đó là ngoài cung cấp thông tin theo yêu cầu ra thì phải cung cấp thông tin định kì. Cụ thể như sau:
Điểm a, b Khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ – CP quy định:
“a) Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
b) Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo điểm a khoản này được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử.”
Theo đó, việc cung cấp thông tin về tài khoản theo quy định trên được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 05/12/2020; việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp; phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử.
Tuy nhiên, chỉ những trường hợp đặc thù, đặc biệt, những giao dịch phục vụ cho công tác quản lý thuế thì cơ quan thuế mới yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng đó cho cơ quan quản lý thuế.
Câu 2: Vậy đâu là vướng mắc cần lưu tâm?
Luật sư trả lời: Bất cập có thể xảy ra đó là vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin. Tuy nhiên, theo Điểm d Khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Cơ quan thuế sẽ có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.
Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các hộ kinh doanh không cần phải lo ngại về việc bảo mật thông tin khi cơ quan thuế được phép tiếp cận thông tin của họ.
Câu 3: Theo Luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng cho tổ chức cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc phải được sự chấp thuận của khách hàng. Vậy giữa Nghị Định mới và Luật liệu có mẫu thuẫn không?
Luật sư trả lời: Khoản 3 Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về vấn đề bảo mật thông tin như sau:
“3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng”.
Hiện nay, ngân hàng chỉ cung cấp các thông tin của khách hàng khi nhận được yêu cầu của các cơ quan hành pháp, tư pháp như Tòa án, cơ quan cảnh sát điều tra, công an. Trong khi đó, Tổng cục Thuế hay Bộ Tài Chính lại không thuộc nhóm được yêu cầu Ngân hàng cung cấp các thông tin của khách hàng. Do đó, có sự “vênh” giữa Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Ngân hàng hiện nay được quản lý theo luật chuyên ngành là Luật các tổ chức tín dụng. Giữa văn bản nghị Nghị định với Luật thì phải áp dụng theo văn bản có giá trị cao nhất, vì vậy, các ngân hàng vẫn phải tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin của Luật các tổ chức tín dụng trước.
Câu 4: Cơ quan thuế cần làm gì quyền lợi của khác hàng, hoạt động của NHTM không bị ảnh hưởng khi chính sách được thực thi?
Luật sư trả lời: Cơ quan thuế là cơ quan nhà nước vì vậy phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật khách hàng, chỉ được sử dụng thông tin để truy thu thuế, không được sử dụng vào các mục đích khác. Hệ thống tra cứu thông tin cá nhân của Tổng cục Thuế phải được đảm bảo chỉ những người có trách nhiệm, chuyên môn và có thẩm quyền mới được tiếp cận và đều lưu giữ từng ngày, giờ, vụ việc để quản lý, giám sát.
Chỉ những trường hợp đặc thù, đặc biệt những giao dịch phục vụ cho công tác quản lý thuế thì cơ quan thuế mới được yêu cầu Ngân hàng cung cấp thông tin.
Cơ quan Thuế phải chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.
Câu 5: Có ý kiến cho rằng cơ quan thuế đang “chia” một phần trách nhiệm thu thuế với các ngân hàng thương mại khi yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng hàng tháng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Luật sư trả lời: Việc các ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch cho cơ quan thuế sẽ giúp cơ quan này nắm được dòng tiền của các đối tượng có nguy cơ trốn thuế ví dụ như trường hợp kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới, tức là Ngân hàng sẽ tham gia với vai trò là người “hỗ trợ” cơ quan Thuế thực hiện công tác thu thuế, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách nhà nước. Nghị định này cũng nêu rõ cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn thông tin theo quy định của pháp luật vậy nên cơ quan Thuế vẫn có vai trò quan trọng nhất; còn Ngân hàng thương mại chỉ có vai trò hỗ trợ, phối hợp với cơ quan Thuế để chia sẻ thông tin nhằm chống thất thu, gian lận thuế.
Câu 6: Nghị định sẽ có hiệu lực từ 5-12, các bên phải phối hợp thực hiện như thế nào để các khách hàng của ngân hàng an tâm và được bảo mật?
Luật sư trả lời: Để thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị định này thì ngành Ngân hàng và ngành Thuế phải phối hợp với nhau để cùng nhau đưa ra cách thực hiện phù hợp. Các cơ quan chức năng phải đưa ra quy định chi tiết hơn trong trường hợp nào cơ quan thuế được quyền yêu cầu cung cấp thông tin, mức độ thông tin mà Ngân hàng buộc phải cung cấp, cách thức Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cho ngành thuế như thế nào?...
Đồng thời, cần quy định những chế tài xử phạt thật nghiêm đối với những trường hợp dựa vào quy định này đánh cắp dữ liệu, làm rò rỉ thông tin khách hàng. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần phải quy định cụ thể về cam kết bảo mật thông tin, trách nhiệm của cơ quan quản lý, Ngân hàng.