Từ 1-2-2021: Chủ nhà không ký hợp đồng với người giúp việc sẽ bị phạt

Nội dung bài viết

Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động 2019 nêu rõ, từ 1-2-2021, chủ nhà khi thuê người giúp việc phải ký hợp đồng bằng văn bản.

Điều 88 - Nghị đinh 145/2020 nêu rõ, lao động là người giúp việc gia đình là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Lao động có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, để làm những công việc theo quy định tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật Lao động.

Dù quy định trên khá cần thiết, nhằm giúp 2 bên chủ nhà và người giúp việc có thỏa thuận về những việc phải làm, quyền lợi được hưởng khi xảy ra tranh chấp song hiện vẫn còn không ít băn khoăn về tính khả thi của nó.

Thực tế cho thấy, những người lao động khi đi làm giúp việc hầu như chỉ quan tâm đến mức lương được trả hàng tháng, công việc phải làm và thời gian được nghỉ mà không để ý đến chuyện có ký hợp đồng hay không. Chưa nói đến một số người giúp việc không muốn ký hợp đồng vì sợ bị ràng buộc, lo phải trích 1 phần lương để đóng bảo hiểm… Do đó, giao kết giữa hai bên chỉ là giao kết miệng, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Cũng theo Luật sư Thu, BLLĐ 2012 đã có quy định người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình. Theo đó, thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận.

Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào, nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở…

Từ 1-2-2021: Chủ nhà không ký hợp đồng với người giúp việc sẽ bị phạt ảnh 1
Từ 1-2-2021, chủ nhà khi thuê người giúp việc phải ký hợp đồng bằng văn bản

BLLĐ 2019 kế thừa quy định này song lại nêu rõ, chỉ có 2 loại hợp đồng lao động là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Khi ký hợp đồng lao động, chủ nhà phải mua bảo hiểm và đảm bảo các quyền lợi cho người giúp việc.

Thời hạn của hợp đồng do hai bên thỏa thuận, trong hợp đồng được ký kết, cần có các nội dung chính như sau: tiền lương làm việc, hình thức trả lương (tiền mặt/chuyển khoản), kỳ hạn trả lương (trả hằng tháng/tuần/ngày), công việc và địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời gian làm việc hằng ngày, thời gian nghỉ ngơi, chỗ ăn ở của người giúp việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (trả cùng lúc với kỳ trả lương).

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải trả tiền tàu xe đi đường cho người giúp việc thôi việc về nơi cư trú (trừ trường hợp người giúp việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn).

Người sử dụng lao động phải miêu tả chi tiết công việc, tôn trọng danh dự nhân phẩm người giúp việc, các nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định của pháp luật nếu người giúp việc làm hư hỏng, mất tài sản của người sử dụng lao động...

Nếu người sử dụng lao động không thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-20 triệu đồng (theo Điều 5, Nghị định 88/2015/NĐ-CP).

Quy định là vậy, song theo Luật sư Thu, việc phát hiện chủ nhà vi phạm về ký kết hợp đồng lao động với người giúp việc không hề đơn giản. Chủ nhà thường giới thiệu người giúp việc là “họ hàng”, người thân trong gia đình đến trông trẻ giúp. Ngoài ra, hầu hết lao động đi giúp việc hiểu biết pháp luật còn hạn chế, ngại va chạm, không muốn ràng buộc nên thường không chủ động có ý kiến về việc ký hợp đồng.

Link bài viết: https://anninhthudo.vn/tu-1-2-2021-chu-nha-khong-ky-hop-dong-voi-nguoi-giup-viec-se-bi-phat-post454916.antd
0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan