Trường hợp đưa hàng hóa nhập khẩu ra khỏi địa điểm bảo quản trước khi có chứng nhận đăng kiểm chính thức

Nội dung bài viết

Câu hỏi:

Thưa Luật sư, Công ty chúng tôi nhập khẩu hàng thuộc danh mục sản phẩm theo Thông tư 41/2018/TT-BGTVT, cán bộ đăng kiểm đã kiểm tra hiện trường, tuy nhiên chưa có kết quả đăng kiểm chính thức trên hệ thống một cửa quốc gia.

Luật sư nghiên cứu và  tư vấn giúp tôi trong thời gian chưa có kết quả đăng kiểm chính thức, nếu Công ty mang hàng ra khỏi địa điểm đăng ký bảo quản thì có bị coi là vi phạm luật không? Nếu có thì sẽ có thể bị xử phạt cụ thể như thế nào?

Trả lời:

SB Law xin tư vấn cho khách hàng như sau:

Hàng hóa Công ty nhập khẩu thuộc danh mục sản phẩm theo Thông tư 41/2018/TT-BGTVT, tuy nhiên, hiện nay Thông tư này đã được thay thế bởi Thông tư 12/2022/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/08/2022. Xét thực tế danh mục sản phẩm ở Thông tư mới không có nhiều thay đổi, do đó SB Law hiểu là sản phẩm mà Công ty nhập khẩu cũng thuộc danh mục sản phẩm được đính kèm Thông tư 12/2022/TT-BGTVT này.

  1. Căn cứ Điều 3 Thông tư 12/2022/TT-BGTVT:

“Điều 3. Nguyên tắc quản lý danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải

Danh mục sản phẩm, hàng hóa quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng nguyên tắc sau:

a) Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

c) Thời điểm chứng nhận hoặc công bố hợp quy tại điểm a, điểm b khoản này được thực hiện sau khi sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu được thông quan và trước khi đưa ra thị trường;”

Theo đó, SB Law hiểu rằng khi chưa có kết quả đăng kiểm chính thức đối với các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, Công ty không thể bán cho khách hàng.

  1. Căn cứ Điều 3.4 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn được coi là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2.

  2. Trường hợp Công ty thực hiện giao hàng cho khách (đưa ra thị trường) trước khi có kết quả đăng kiểm, theo Điều 20 Nghị định 119/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 35 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP) Công ty có thể bị phạt như sau:

“35. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 20 như sau:

“6. Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với một trong các hành vi sau đây:

c) Bán hàng hóa khi hàng hóa chưa được thực hiện các biện pháp quản lý theo quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc chưa được thực hiện chứng nhận hợp quy hoặc giám định phù hợp quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn quy định đối với hàng hóa nhóm 2.”

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 32.6 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi Điều 1.21 Thông tư 39/2018/TT-BTC, trong trường hợp Công ty vi phạm quy định đưa hàng về bảo quản, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, Công ty sẽ không được tiếp tục mang hàng hóa về bảo quản trong thời gian 01 năm kể từ ngày bị cơ quan hải quan lập Biên bản vi phạm về hành vi bảo quản hàng hóa không đúng địa điểm đăng ký với cơ quan hải quan.

Bài viết liên quan: https://vi.sblaw.vn/phong-ve-thuong-mai-nang-cao-chat-luong-hang-hoa-giam-thieu-rui-ro-xuat-khau/

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan