Trong bài "Trung tâm gia sư rởm và những cái bẫy" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết của bài viết:
Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, bạn Bùi Thu Hồng - sinh viên trường ĐH Thương mại chia sẻ, để có tiền trang trải cho việc học tập và sinh hoạt, sau khi đọc được thông tin tuyển gia sư của một trung tâm gia sư trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Hồng đã tìm đến đăng ký xin đi dạy thêm.
Tại đây, sau khi trả lời vài câu hỏi sơ sài như “học trường gì, năm thứ mấy”, Hồng được nhân viên Trung tâm yêu cầu ký tên vào hợp đồng và nộp 300.000 đồng không có hóa đơn chứng từ. Thắc mắc, Hồng nhận được câu trả lời: “Hợp đồng đã ghi rõ, bên đi dạy phải nộp 50% tháng lương đầu, còn việc dạy tại đâu do Trung tâm sắp xếp”. Không chỉ có vậy, trước khi ra về, Hồng còn được nhân viên này dặn đi dặn lại: “Khi đi dạy nhớ nói với phụ huynh mình là sinh viên trường ĐHSP năm thứ ba”.
Tuy vậy, sau khi dạy được 2 buổi, Hồng đã phải nghỉ việc vì bị phát hiện không phải là sinh viên Sư phạm. “Họ hỏi em học khoa nào, thầy nào dạy, học những môn gì khiến em bối rối không trả lời được nên bị lộ. Sau khi phải nghỉ việc mà không nhận được chút tiền lương nào, em quay lại Trung tâm gia sư đề nghị trả lại tiền phí nhận lớp thì chỉ nhận được cái lắc đầu “lỗi do bên nào bên đó chịu. Trung tâm đã hoàn thành trách nhiệm kiếm việc cho gia sư, gia sư không đáp ứng được yêu cầu công việc thì mất luôn khoản tiền đã nộp”, Hồng bức xúc.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, bạn Vũ Thị Hoa - sinh viên trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, cách đây không lâu Hoa đã đến Trung tâm gia sư ở đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội nộp phí để được đi dạy. Tại đây, Hoa được nhân viên Trung tâm “dặn dò” phải nói dối là sinh viên khoa Toán trường ĐHSP. Tuy vậy, khi đến nơi, phụ huynh yêu cầu Hoa phải xuất trình Thẻ sinh viên. Hoa đành phải giả vờ quên, gọi điện về Trung tâm cầu cứu thì Trung tâm hoàn toàn phó mặc, cũng không chấp nhận cho Hoa đổi nơi dạy. Đến nước này, Hoa đành chấp nhận mất không 400.000 đồng lệ phí.
Không chỉ yêu cầu sinh viên nói dối khi đi dạy, một số trung tâm còn thông đồng với người nhà, giới thiệu sinh viên đến địa chỉ đó dạy, sau đó tìm mọi cách gây khó dễ để sinh viên tự bỏ việc, thậm chí còn làm thẻ sinh viên giả để đánh lừa phụ huynh. Điều đáng nói là ở các trung tâm này, việc kiểm tra trình độ, năng lực của sinh viên bị coi nhẹ mà chỉ chăm chăm vào việc thu phí và hướng dẫn sinh viên cách “qua mặt” phụ huynh.
Hiện có nhiều trung tâm gia sư treo biển quảng cáo là “trung tâm của Đại học Sư phạm Hà Nội, có đội ngũ giáo viên uy tín...”, thậm chí có trung tâm còn cam kết trong một thời gian nhất định kết quả học tập của học sinh sẽ có chuyển biến rõ rệt. Song thực chất, có rất nhiều trung tâm chỉ là mạo danh.
Bên cạnh đó, có rất ít giáo viên có kinh nghiệm đăng ký dạy qua Trung tâm gia sư, trong khi không ít sinh viên đi làm gia sư học hành yếu kém, thi lại thường xuyên, thậm chí có sinh viên bị đuổi học, thi trượt đại học nhiều lần. Tuy vậy, họ chỉ cần đến Trung tâm gia sư, nộp phí và cung cấp tên, số điện thoại… là đã có một lý lịch “hoành tráng” đến bất ngờ để giới thiệu với phụ huynh. Điều này không chỉ khiến các em học sinh bị mất thời gian mà không thu nạp được kiến thức bổ ích, phụ huynh bị mất tiền oan, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của những sinh viên có trình độ, năng lực thực sự đi làm gia sư.
Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định hiện hành, để mở một trung tâm gia sư, người đứng đầu trung tâm phải có chứng chỉ sư phạm, đồng thời phải có giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, không ít trung tâm không đáp ứng đủ điều kiện, chỉ giao dịch trên mạng mà không có địa điểm cụ thể. Khi phát hiện những vi phạm này, phụ huynh học sinh cần báo với chính quyền địa phương để có biện pháp kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên nếu thấy dấu hiệu lừa đảo của các Trung tâm gia sư cần làm đơn trình báo tới CAP sở tại.