Trong bài "Trồng rau, chăn nuôi trong nhà phố: "Cái khó ló cái khôn" đăng trên báo Trang trại Việt, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Làm nông nghiệp vốn là nghề cực nhọc. Vậy mà, làm nông ở thành phố thời nay lại trở thành “sang chảnh”. Chuyện trồng rau, chăn gà, thả cá trong nhà phố trở thành đề tài hấp dẫn nơi công sở và trên các trang mạng xã hội.
Với những cư dân đô thị, họ có muôn vàn lý do để tìm đến nghề nông. Có người vì muốn tận dụng không gian quanh nhà tạo khu vườn nhỏ vừa làm cảnh quan vừa tạo nguồn thực phẩm cho gia đình. Cũng có người vì mối lo thực phẩm không an toàn nên bỏ tiền, bỏ sức đi trồng rau, nuôi gà để tạo nguồn thực phẩm sạch. Cũng không ít cư dân nhận thấy tiềm năng lớn từ thị trường nên chọn hướng đầu tư, phát triển kinh tế…
Nông nghiệp đô thị đang được định hình, phát triển và có những đóng góp nhất định cho phát triển đô thị ở Việt Nam. Xu hướng này cũng được triển khai rất thành công ở những đô thị lớn trên thế giới. Tuy nhiên ở nước ta những cách làm này vẫn còn là vấn đề mới, mang tính tự phát.
Nhìn ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng: Nhiều người quan niệm trồng một vài ba cây, hay nuôi vài ba con lợn… thì gọi đó là trang trại. Tuy nhiên đó chỉ là cách gọi thông thường của người dân, còn để được coi là kinh tế trang trại theo quy định của pháp luật thì dù trang trại ở nông thôn hay trong đô thị cũng cần phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chí của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi, vấn đề an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường cũng cần phải tính đến. Bởi việc trồng trọt, chăn nuôi trong nhà phố người dân tự làm, tự đánh giá mà không căn cứ vào các quy chẩn nào, dẫn tới chất lượng chủ yếu là “tự phong” và bằng niềm tin là chính.
Mặt khác, trong khi các đô thị vẫn đang là thị trường chính để tiêu thụ lương thực, thực phẩm cho nông dân thì việc từ phát trồng rau, nuôi gà, thả cá, chăn lợn của “nông dân phố” để tự túc một phần nhu cầu thực phẩm sẽ gây tác động trực tiếp tới thị phần của nông nghiệp ven đô.
Là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp và cung ứng sản phẩm cho đối tượng khách hàng là cư dân đô thị, ông Trương Văn Nam – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho rằng: Khi người đô thị tự sản xuất thực phẩm chỉ là bất đắc dĩ. Bởi việc sản xuất đúng ra là ngày càng phải chuyên môn hóa, xã hội phân công việc đó phải thuộc về người nông dân.
Nguồn: http://m.trangtraiviet.vn/doc-nhieu/trong-rau-chan-nuoi-trong-nha-pho-cai-kho-lo-cai-khon-82244.html