Câu hỏi: Tôi là Tùng, ở Hà Nội. Công ty chúng tôi làm chủ đầu tư công trình X. Trước đây đã ký hợp đồng thi công với công ty A. Công ty A đã thi công được một phần (chưa được nghiệm thu). Tuy nhiên, công ty A không đủ năng lực để thi công tiếp, công ty chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu công ty A đến làm việc để chốt khối lượng và thanh lý hợp đồng, nhưng công ty A không hợp tác dẫn đến chưa thanh lý được hợp đồng. Công ty chúng tôi muốn ký với công ty B để thi công nốt phần việc của công ty A đang làm dở dang. Vậy thủ tục cần những gì để bảo đảm pháp lý?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Căn cứ Điều 28 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng thì bên nhận thầu thi công có một số nghĩa vụ như:
- Cung cấp nhân lực, vật liệu, máy móc, thiết bị thi công và các điều kiện vật chất liên quan khác đủ số lượng và chủng loại theo hợp đồng; thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp bên nhận thầu thực hiện thiết kế bản vẽ thi công) để thực hiện các công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
- Tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản tim, cốt, mốc giới công trình.
- Thi công xây dựng theo đúng thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.
- Thí nghiệm vật liệu, kiểm định thiết bị, sản phẩm xây dựng theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng.
- Chịu trách nhiệm về chất lượng thi công xây dựng công trình do mình đảm nhận. Sửa chữa sai sót trong công trình đối với những công việc do mình thi công.
- Hoàn trả mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng …
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn làm chủ đầu tư công trình X, bạn ký hợp đồng thi công với công ty A. Tuy nhiên, khi thi công xong một phần công trình, nhận thấy công ty A không đủ năng lực để thi công tiếp, bên bạn đã nhiều lần yêu cầu công ty A đến làm việc để chốt khối lượng và thanh lý hợp đồng, nhưng công ty A không hợp tác dẫn đến việc chưa thanh lý được hợp đồng.
Như vậy, nếu công ty A có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, đồng thời dựa trên các nghĩa vụ của bên nhận thầu thi công thì bên bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 428 Bộ luật dân sự 2015:
"Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.
5. Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng”.
Do đó, trường hợp này công ty bạn nên gửi công văn đến công ty A thông báo về việc chấm dứt hợp đồng ký kết giữa hai bên.