Triển khai hóa đơn điện tử: Lo ngại sự đồng bộ và năng lực công nghệ

Nội dung bài viết

Trong bài "Triển khai hóa đơn điện tử: Lo ngại sự đồng bộ và năng lực công nghệ" đăng trên báo BNews, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Các doanh nghiệp lo ngại là sự đồng bộ, năng lực công nghệ, chi phí hợp lý và lộ trình áp dụng.

Theo Tổng cục Thuế, số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử không ngừng tăng trong những năm vừa qua. Hiện có khoảng trên 9.000 doanh nghiệp thông báo phát hành hóa đơn điện tử (không có mã xác thực) với hơn 600 triệu hóa đơn đã được phát hành và sử dụng trong năm 2017.

Ngoài hóa đơn điện tử không có mã xác thực của cơ quan thuế, Bộ Tài chính cũng đã và đang thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Quyết định số 1209/QĐ-BTC và Quyết định số 2660/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc gia hạn Quyết định số 1209/QĐ-BTC tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Số lượng doanh nghiệp thông báo phát hành hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đến nay là 241 doanh nghiệp; số lượng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế sử dụng trong năm 2017 là hơn 2,7 triệu hóa đơn.

Việc áp dụng công nghệ thông tin trong ngành thuế đã và đang được tiến hành rất thành công trong lĩnh vực nộp thuế điện tử, kê khai thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử nhằm hỗ trợ tối ưu cho doanh nghiệp nói riêng, người nộp thuế nói chung.

Tính đến hết 31/3/2018 đã có 648.130 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,94% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Đối với nộp thuế điện tử, tính đến thời điểm trên, cũng có 637.600 doanh nghiệp tham gia dịch vụ trên tổng số 648.504 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,32%.

Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 624.955 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 96,37% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Tổng cục Thuế cho rằng, trong các năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan thuế các cấp, doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các dịch vụ thuế điện tử của cơ quan thuế.

Để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp, tại Dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ hỗ trợ cung cấp Cổng thông tin cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn có thể lập hóa đơn trực tiếp trên cổng thông tin của cơ quan thuế.

Khi đó, các đối tượng trong dự thảo nêu trên chỉ cần có máy tính kết nối mạng internet và chứng thư số là có thể xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng dự kiến xây dựng các chuẩn về hóa đơn để cung cấp ra bên ngoài, giúp các doanh nghiệp sử dụng phần mềm lập hóa đơn nhanh chóng chỉnh sửa phần mềm để có thể tích hợp được hệ thống của cơ quan thuế.

Bộ Tài chính cũng đưa ra các tiêu chuẩn để những doanh nghiệp mạnh về công nghệ thông tin có thể trở thành những nhà cung cấp dịch vụ về hóa đơn đáng tin cậy nhằm nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm về công nghệ thông tin.

Theo Tổng cục Thuế, trong thời gian tới, khi có đủ cơ sở pháp lý về việc cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ trên tham gia lĩnh vực này; từ đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng dịch vụ cũng như uy tín đối với khách hàng để phục vụ người nộp thuế ngày càng được tốt hơn.

Để đưa nhanh hóa đơn điện tử vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về hoá đơn (sửa đổi), thay thế cho Nghị định số 51/2010/NĐ-CP (Nghị định 51) và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51 có nội dung chính liên quan tới hóa đơn điện tử. Việc áp dụng hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ thực hiện theo lộ trình cụ thể trong thời gian không quá 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực phù hợp với điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế, người nộp thuế.

Việc sử dụng hóa đơn của các cơ sở kinh doanh thành lập trong thời gian 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51 và Nghị định số 04, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Nghị định này thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

Mặc dù cơ quan thuế đã có những bước đi chắc chắn về mặt pháp lý, công nghệ, đưa ra giải pháp để giải quyết những khúc mắc trong việc sử dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của giới chuyên gia, việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ còn gặp nhiều khó khăn và cần có một lộ trình dài hơi.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp lo ngại là sự đồng bộ, năng lực công nghệ, chi phí hợp lý và lộ trình áp dụng. Cơ quan thuế thay đổi sang hoá đơn điện tử nhưng các cơ quan Nhà nước như công an, quản lý thị trường, biên phòng, hải quan… có tiếp tục cách thức quản lý bằng hoá đơn giấy như trước không?

“Với hàng tỷ giao dịch có hoá đơn hàng năm, cơ sở hạ tầng liệu có đáp ứng được không, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.” ông Tuấn cho biết.

Để sử dụng hoá đơn điện tử, các doanh nghiệp cũng phải sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài T-VAN nên doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng kỳ vọng là mức phí phải làm sao phù hợp với họ. Và đặc biệt với lộ trình dự kiến áp dụng từ năm 2019 với các doanh nghiệp đang mua hoá đơn từ cơ quan thuế, các doanh nghiệp lo ngại là quá gấp gáp.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, một trong những khó khăn khi áp dụng hóa đơn điện tử là chi phí áp dụng vẫn cao hơn nhiều so với việc doanh nghiệp tự in hóa đơn. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ thì việc áp dụng hóa đơn điện tử lại càng trở nên khó khăn. Do đó, để việc áp dụng hóa đơn điện tử không gây quá nhiều khó khăn đến doanh nghiệp cần có lộ trình thay đổi dài hơi.

Điều kiện quan trọng nhất để áp dụng hóa đơn điện tử là hạ tầng công nghệ phải tốt, nếu hạ tầng không ổn định, doanh nghiệp không chuyển, nhận hóa đơn được sẽ rối loạn, giao dịch đình trệ. Đến lúc đó, muốn khắc phục hay quay về sử dụng hóa đơn giấy cũng khó.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, bước đầu chỉ nên cho áp dụng thử hóa đơn điện tử với một số doanh nghiệp lớn, khi đủ điều kiện mới áp dụng đại trà. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và cũng chưa được hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện loại hóa đơn điện tử, chưa nắm rõ thông tin về cách xử lý những tình huống phát sinh đối với hóa đơn điện tử mà đã phải áp dụng ngay thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều trở ngại.

Chính vì thế, khi tiến hành áp dụng sử dụng loại hóa đơn này, Nhà nước cần có một lộ trình để các doanh nghiệp có thể chuẩn bị một cách đầy đủ và chủ động hơn.

“Trong thực tế chỉ một số ít doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử mà nhiều khi đã gây ra tình trạng ách tắc đường truyền”, ông Hà lo ngại./.

Nguồn: http://bnews.vn/trien-khai-hoa-don-dien-tu-lo-ngai-su-dong-bo-va-nang-luc-cong-nghe/85037.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan