Câu hỏi:
Tôi là Huân, ở Phú Thọ. Cho tôi hỏi: Căn nhà chung đang tranh chấp thuộc diện giải tỏa đã được Ban bồi thường đền bù chi tiết: đền bù diện tích đất ở, đền bù kết cấu xây dựng và hỗ trợ di dời cho những người tại căn nhà này.
Căn nhà này tôi đã bỏ tiền ra để xây dựng lại, nay giải tỏa đền bù tôi yêu cầu được trả lại khoản này nhưng không có sự thống nhất các anh em hàng thừa kế.
Tôi mong muốn được nhận lại khoản đền bù chính đáng mà tôi đã bỏ ra góp vào trong căn nhà. Tôi phải làm gì?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo như bạn cung cấp thông tin, hiện tại nhà đất này là di sản thừa kế và chưa được chia di sản cho những người trong hàng thừa kế. Bạn là người quản lý di sản này và đã bỏ tiền ra xây dựng lại căn nhà. Tuy nhiên, nhà đất này nằm trong diện giải tỏa và đến nay đã được bồi thường theo quy định của Nhà nước. Di sản này dù được chia theo di chúc hay theo pháp luật thì cũng phải được tôn trọng và tuân theo quy định của pháp luật.
Căn nhà này đã được đền bù nghĩa là di sản này đã được làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế; đã phải có một người đứng ra để làm các thủ tục liên quan đến đăng ký đất đai và nhận bồi thường khi có quyết định giải tỏa.
Theo quy định tại Điều 616 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người quản lý di sản, cụ thể:
"1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý”.
Tại Điều 618 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của người quản lý di sản như sau:
"1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý”.
Quy định tại Điều 658 Bộ luật dân sự năm 2015 về thứ tự ưu tiên thanh toán:
"Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.
4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
5. Tiền công lao động.
6. Tiền bồi thường thiệt hại.
7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
9. Tiền phạt.
10. Các chi phí khác”.
Như vậy, từ các quy định trên, là người quản lý di sản - bạn đã xây dựng lại căn nhà để bảo quản di sản thừa kế, bạn có quyền được hưởng thù lao, được thanh toán chi phí bảo quản di sản là căn nhà đó và được ưu tiên thanh toán chi phí bảo quản di sản. Mức thù lao hay chi phí bảo quản di sản này được những người thừa kế cùng thỏa thuận để trả cho người quản lý di sản. Nếu không thỏa thuận được với những người thừa kế khác thì phải được một khoản thù lao hợp lý. Hiện tại, căn nhà đã được bồi thường theo quy định, khoản bồi thường này sau khi trừ đi các chi phí trong đó có chi phí cho việc bảo quản di sản, sau đó mới được chia cho những người thừa kế.
Nếu các bên vẫn không tự thỏa thuận được việc phân chia di sản thừa kế khi đã được bồi thường đất đai bị thu hồi thì có thể khởi kiện tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân (Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
Điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
"Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Như vậy, bạn có thể làm đơn lên Tòa án nhân dân nơi có bất động sản là căn nhà đó để giải quyết.