Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: Quyền hủy hợp đồng và đòi tiền đặt cọc trong giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Công ty chúng tôi – một doanh nghiệp của Đức, đã ký hợp đồng mua hàng với Công ty A - đối tác tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, chúng tôi phát hiện hàng hóa không đạt chất lượng, khiến chúng tôi phải thu hồi sản phẩm và bị thiệt hại nghiêm trọng về uy tín và tài chính. Dù đã gửi nhiều email trao đổi và đề nghị hoàn trả tiền đặt cọc, đối tác Việt Nam không có phản hồi rõ ràng. Do đó chúng tôi muốn chấm dứt hợp đồng và khởi kiện. Tuy nhiên, Hợp đồng không có điều khoản quy định về luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp. Vậy trong trường hợp này, chúng tôi có thể khởi kiện tại Việt Nam không? Việc hủy hợp đồng, đòi lại tiền đặt cọc và yêu cầu bồi thường thiệt hại có khả thi theo quy định pháp luật Việt Nam không?

Trả lời:

Từ nội dung bạn chia sẻ, SB Law xin đưa ra những phân tích pháp lý như sau:

1. Doanh nghiệp nước ngoài có thể khởi kiện tại Việt Nam không?

Có.

Theo quy định tại Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nếu bị đơn là pháp nhân có địa chỉ tại Việt Nam và không có thỏa thuận riêng về trọng tài hoặc tòa án nước ngoài, thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp này, nếu giữa bạn và Công ty A không có thỏa thuận riêng về cơ quan giải quyết tranh chấp, bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh – nơi Công ty A đặt trụ sở chính.

2. Về vấn đề hủy hợp đồng trong trường hợp hàng hóa không đạt chất lượng

Theo khoản 4 Điều 312 Luật Thương mại 2005, bên mua có quyền hủy hợp đồng nếu bên bán vi phạm nghĩa vụ cơ bản, dẫn đến việc mục đích giao kết hợp đồng không thể đạt được.

Trong tình huống của Công ty bạn, việc hàng hóa không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đặt ra, và buộc phải thu hồi sản phẩm khỏi thị trường  là dấu hiệu rõ ràng của vi phạm nghĩa vụ cơ bản, gây hậu quả nghiêm trọng. Đây có thể được xem là căn cứ để hủy hợp đồng theo quy định pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, để yêu cầu hủy hợp đồng có giá trị pháp lý, bạn cần chuẩn bị:

  • Hợp đồng mua bán hoặc Proforma Invoice và email thể hiện rõ thỏa thuận về chất lượng hàng hóa;
  • Chứng cứ về việc hàng hóa buộc thu hồi hoặc bị khách hàng từ chối nhận hay  trả lại (hình ảnh, biên bản, báo cáo…);
  • Email, thông báo thể hiện việc Công ty bạn đã báo trước lỗi vi phạm và yêu cầu xử lý;
  • Biên bản lưu kho, chứng cứ chứng minh hàng hóa được bảo quản đúng cách (nếu có quy định trong hợp đồng).

Đây là các yếu tố cần thiết để chứng minh vi phạm là nghiêm trọng và không thể khắc phục, tạo cơ sở cho yêu cầu hủy hợp đồng. Với đầy đủ các yếu tố này, việc hủy hợp đồng là hoàn toàn khả thi theo quy định pháp luật Việt Nam.

3.  Về vấn đề đòi lại tiền đặt cọc

Theo Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, nếu bên nhận đặt cọc (Công ty A) là bên từ chối thực hiện hợp đồng , thì phải hoàn lại tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị đặt cọc, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.

Đồng thời, Điều 314 Luật Thương mại cũng quy định về Hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng như sau:

“1. Trừ trường hợp quy định tại Điều 313 của Luật này, sau khi hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi hủy bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.

2. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.

3. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.”

Trong trường hợp Công ty bạn cung cấp được các chứng cứ chứng minh do yêu cầu hủy bỏ hợp đồng của mình, Công ty bạn cũng có thể xem xét áp dụng quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng này như một cơ chế để yêu cầu hoàn trả tiền đặt cọc. Khi hợp đồng bị hủy bỏ, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, bao gồm cả khoản tiền đặt cọc Công ty bạn đã đặt cọc trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc xử lý khoản tiền đặt cọc mà thỏa thuận đó được xem là thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ sau khi hủy bỏ hợp đồng.

4. Có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại không?

Có, nếu chứng minh được tổn thất thực tế và mối quan hệ nhân quả.

Công ty bạn hoàn toàn có thể yêu cầu Công ty A bồi thường các thiệt hại phát sinh từ vi phạm hợp đồng, bao gồm:

  • Chi phí vận chuyển, lưu kho, xử lý hàng trả;
  • Thiệt hại uy tín thương hiệu, mất mối quan hệ khách hàng;
  • Doanh thu mất đi hoặc cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ.

Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại sẽ thuộc về bạn, và cần các tài liệu như hóa đơn chi phí, email khách hàng, báo cáo thị trường… để chứng minh.

SB Law – Đại diện pháp lý cho doanh nghiệp nước ngoài trong tranh chấp thương mại tại Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài thực hiện giao dịch thương mại trực tiếp với đối tác tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp, việc nắm rõ pháp luật Việt Nam, ngôn ngữ và hệ thống thủ tục là một thách thức không nhỏ.

SB Law hiểu rõ điều đó, và đã từng đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp quốc tế trong các tình huống tương tự, cung cấp dịch vụ pháp lý như:

·        Tư vấn đánh giá khả năng khởi kiện tại Việt Nam (bao gồm rà soát thỏa thuận giải quyết tranh chấp, điều kiện áp dụng pháp luật Việt Nam);

·        Soạn thảo và nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án Việt Nam (bao gồm hợp pháp hóa lãnh sự, dịch thuật tài liệu, xác lập quyền lợi);

·        Đại diện pháp lý trong quá trình thương lượng, hòa giải hoặc tố tụng để bảo vệ tối đa quyền lợi của doanh nghiệp nước ngoài;

·        Tư vấn hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu hoàn trả tiền đặt cọc, bồi thường thiệt hại;

·        Hỗ trợ thu thập, kiểm chứng chứng cứ phù hợp với yêu cầu pháp lý tại Việt Nam.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan