Tranh chấp độc quyền ca khúc: Chuyện chưa có hồi kết

Nội dung bài viết

Mấy ngày nay, dư luận đang xôn xao bởi chuyện ca sĩ Pha Lê quyết tâm kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh cho ra nhẽ vì đã tự ý đổi tên ca khúc mà trước đó cô đã mua độc quyền trong album của mình. Trước đó, làng nhạc Việt đã xảy ra khá nhiều vụ lùm xùm giữa các ca sĩ, nhạc sĩ xung quanh chuyện bản quyền tác phẩm. Tuy nhiên, chính cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, không sòng phẳng và cách xử lý không triệt để đã khiến những sự việc này vẫn tiếp tục tái diễn...

1. Sự thể bắt đầu bằng việc khi phát hành single "Giấc mơ đánh mất", ca sĩ Pha Lê đã mua độc quyền bài hát này từ tác giả là nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy. Vì nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy có mối quan hệ thân thiết với cả ca sĩ Pha Lê và Noo Phước Thịnh, dù không chơi thân với Noo Phước Thịnh nên khi Noo Phước Thịnh ngỏ ý xin phép Pha Lê được sử dụng ca khúc này vào album "Em" của mình, Pha Lê đã đồng ý. Tuy nhiên, khi album của Noo Phước Thịnh phát hành, Pha Lê không thấy ca khúc của mình đâu. Hóa ra, ca khúc này đã được Noo Phước Thịnh tự ý đổi tên thành "Vì quá yêu em". Mặc dù Pha Lê đã lên tiếng trên báo chí nhưng ca sĩ Noo Phước Thịnh vẫn giữ thái độ im lặng về sự việc này. Chỉ có quản lý của ca sĩ này cho biết: "Chúng tôi sẽ làm việc bằng văn bản với các bên liên quan. Album mới của Noo Phước Thịnh đang nhận được phản hồi tốt từ khán giả nên chúng tôi không muốn dính dáng đến những chuyện bên lề không cần thiết này".

Trong buổi làm việc giữa ca sĩ Pha Lê, nhạc sĩ Hoàng Duy với đại diện Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Hồ Chí Minh ngày 12/12, ca sĩ Noo Phước Thịnh cũng không hề có mặt. Tạm thời, phía Thanh tra Sở VH, TT & DL Tp HCM kết luận nam ca sĩ này không có lỗi khi sử dụng ca khúc vì đã được sự đồng ý của Pha Lê. Tuy nhiên, lỗi của nam ca sĩ này là đã đổi tên bài hát mà không hỏi ý kiến của tác giả và người mua độc quyền. Sắp tới, đơn vị sẽ có văn bản gửi tới ca sĩ Pha Lê và ca sĩ này hoàn toàn có quyền khiếu nại nếu không đồng ý với kết quả trên.

Noo Phước Thịnh chỉ là một trong số khá nhiều ca sĩ dính dáng tới việc tranh chấp bản quyền ca khúc. Ca sĩ Hiền Thục bị coi là ca sĩ có nhiều scandal liên quan nhiều đến những tranh chấp độc quyền bài hát nhất. Cô liên tục bị các ca sĩ đàn chị như Thanh Thảo, Thu Minh...lên tiếng vì "tội" tự ý sử dụng bài hát mà họ đã mua độc quyền để biểu diễn. Tiêu biểu như ca khúc "Cô đơn mình em" đã được nhạc sĩ Phương Uyên bán độc quyền cho Thanh Thảo nhưng Hiền Thục vẫn vô tư hát. Không chỉ có vậy, Hiền Thục còn "qua mặt" nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và nhà sản xuất phim "Saigon Love story", tự ý đưa 2 ca khúc "Quá khứ xa xôi" và "Ngày mai sẽ đến" vào album "Sunflower" của mình. Bởi trước đó, 2 ca khúc này đã được phía nhà sản xuất phim mua độc quyền từ nhạc sĩ Võ Thiện Thanh để sử dụng trong bộ phim. Tương tự, ca khúc "Tình yêu" của nhạc sĩ Lê Quốc Thắng được Thu Minh mua độc quyền và phát hành trong album "Nếu như thế" nhưng Hiền Thục vẫn hồn nhiên hát bài này ở nhiều sân khấu và cả trong một chương trình truyền hình thực tế. Chưa hết, ca sĩ Hoàng Lê Vi lại gửi đơn đến nhiều cơ quan báo đài về việc Hiền Thục đã sử dụng bản phối ca khúc "Dạ khúc" đã từng phát hành trong album "Hoàng Lê Vi vol 1" để đưa vào album "Q" ra mắt gần đây.

Trước đó, nhạc sĩ, ca sĩ Duy Mạnh rất bức xúc khi phát hiện ra ca khúc "Hãy về đây bên anh" của mình đã bị ca sĩ Đan Trường hát bằng tiếng Thái trong DVD "Thập nhị mỹ nhân" mà không hề có một lời xin phép. Duy Mạnh còn chỉ rõ, HT Production, đơn vị quản lý ca sĩ Đan Trường không chỉ vi phạm khi sử dụng ca khúc đã được mua độc quyền mà còn tự ý dịch bài hát sang tiếng Hoa, tiếng Thái và kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ cũng như biểu diễn trên sân khấu ca khúc này.


Ca sĩ Hiền Thục và Thanh Thảo từng một thời không nhìn mặt nhau vì tranh chấp độc quyền ca khúc.

Một hình thức vi phạm độc quyền ca khúc khá phổ biến thời gian vừa qua là việc thí sinh các cuộc thi âm nhạc sử dụng vô tội vạ các ca khúc đã được các ca sĩ đàn chị mua độc quyền. Ví dụ như trường hợp của Uyên Linh. Không thể phủ nhận qua tiếng hát Uyên Linh tại cuộc thi "Vietnam Idol", ca khúc "Đường cong" của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong trở thành một hiện tượng trên mạng. Với ca khúc này, Uyên Linh đã giành được nhiều sự bình chọn của khán giả và tự tin bước lên ngôi vị quán quân âm nhạc. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã lên tiếng về việc Uyên Linh đã không xin phép anh sử dụng ca khúc này trong và sau cuộc thi. Chưa kể, ca khúc này đã được ca sĩ Thu Minh mua độc quyền. Tương tự, sau khi thí sinh Bùi Anh Tuấn khiến các khán giả trẻ phát cuồng vì ca khúc "Nơi tình yêu bắt đầu" trong cuộc thi "Tiếng hát Việt" thì nhạc sĩ Minh Tiến lên tiếng cho biết trước khi hát, Bùi Anh Tuấn cũng chưa từng xin phép tác giả. Ca khúc này anh đã bán độc quyền cho một đơn vị sản xuất phim. Nhà sản xuất phim hiện đang rất bức xúc vì bộ phim chưa phát hành nhưng bài hát đã ầm ĩ trên mạng.

2. Điều đáng buồn là khi sự việc xảy ra, rất ít nghệ sĩ có cách ứng xử văn minh, chuyên nghiệp. Chỉ có ca sĩ Uyên Linh, sau khi sự việc xảy ra đã lên tiếng thừa nhận sai sót của mình và sau đó, dù khán giả yêu cầu thế nào cô cũng không hát lại ca khúc ấy nữa. Còn hầu hết những người bị tố sử dụng ca khúc độc quyền của người khác vẫn giữ thái độ im lặng để sự việc tự trôi vào quên lãng. Mặc dù đã được đại diện Sở VHTT&DL liên lạc nhưng Noo Phước Thịnh vẫn vắng bóng trong cuộc gặp gỡ với cơ quan chức năng.

Không thể phủ nhận có không ít ca sĩ đã lợi dụng việc tranh chấp bản quyền này để PR tên tuổi. Thậm chí, nhiều ca sĩ sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để ca khúc của mình có tiếng tăm. Việc tranh chấp ca khúc "Nhật ký mùa đông" giữa các ca sĩ ít được khán giả biết đến là Lâm Thái Uyên và Thiên Đăng đã giúp cho Thiên Đăng đắt show hơn hẳn. Hoặc, sau khi trên blog của nhạc sĩ Thái Thịnh (hiện đang định cư ở Mỹ) có ý kiến về việc ca sĩ Tuấn Hưng sử dụng "chùa" ca khúc "Tình là gì" mà Thái Thịnh đã bán độc quyền cho Minh Khanh đã khiến bài hát này vừa ra mắt đã nhanh chóng chiếm vị trí cao trong nhiều bảng xếp hạng của các website âm nhạc trên mạng.

Bỏ qua lý do tạo scandal thì việc các tranh chấp các ca khúc độc quyền giữa các ca sĩ, nhạc sĩ bắt nguồn từ cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của những người trong cuộc. Ví dụ như trường hợp ca sĩ Hiền Thục. Một lần thì khán giả còn có thể chấp nhận là cô sơ ý nhưng việc cô vi phạm hết lần này đến lần khác thì chỉ có thể kết luận là do…cố tình mà thôi.

Khi phát hiện các ca khúc độc quyền của mình bị xâm hại, hầu hết những chủ nhân chỉ gửi đơn đến các cơ quan báo, đài, Sở VHTT& DL, Hội Âm nhạc với mục đích đánh tiếng, thăm dò thái độ đối phương là chủ yếu chứ không giải quyết cho ra nhẽ. Nhiều sự việc rơi vào quên lãng vì thái độ nửa vời như thế. Các cơ quan quản lý lại cho rằng, nhiều khi họ cũng muốn giải quyết triệt để nhưng người đưa đơn khiếu kiện lại đưa những chứng cứ không đủ tính pháp lý. Nhiều trường hợp, bằng chứng độc quyền của tác giả chỉ là tờ giấy viết tay, có khi chỉ là giao ước miệng giữa nhạc sĩ với ca sĩ. Để hạn chế tình trạng trên, từ năm 2006, Sở Sở VHTT& DL Tp HCM đã buộc các ca sĩ, đơn vị khi đăng ký phát hành sản phẩm có ca khúc độc quyền phải nộp các văn bản liên quan. Tuy nhiên, các hợp đồng độc quyền lại không theo chuẩn nào nên rất khó cho người xét duyệt

Và hiện nay, theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, việc độc quyền ca khúc thực tế vẫn là giao dịch dân sự của tác giả với người mua chứ chưa có nơi nào đứng ra xác nhận làm nhân chứng hợp pháp cho sự độc quyền đó. Cho nên, vấn đề tác quyền và độc quyền ca khúc ở nước ta vẫn phải chủ yếu dựa vào tinh thần tự giác, lòng tự trọng của người làm nghệ thuật trước khi có những hình thức xử lý rõ ràng. Mà một khi tính tự giác, lòng tự trọng của các ca sĩ còn yếu thì những sự việc rắc rối như trên còn tiếp tục xảy ra…

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan