Trái phiếu Doanh nghiệp và những lưu ý

Nội dung bài viết

Trước thực trạng thị trường trái phiếu (TPDN) phát triển nhanh và phát sinh nhiều rủi ro, Bộ Tài chính đã thường xuyên khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với TPDN trước khi quyết định đầu tư.

Liên quan đến vấn đề trên Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những lưu ý cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường TPDN trong phần trả lời phỏng vấn kênh InfoTV. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi 1: Trái phiếu được đánh giá đã mang lại nhiều tích cực cho nền kinh tế, là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Nó cũng là kênh được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về trái phiếu DN, LS có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này?

Trả lời:

            Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

c) Chứng khoán phái sinh;

d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Căn cứ theo quy định trên, trái phiếu là một loại chứng khoán, là đối tượng giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành. Cụ thể, trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.

Về khái niệm trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (được sửa đổi bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP) định nghĩa “Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành”.

Đối với loại trái phiếu này, các doanh nghiệp phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán cả gốc lẫn lãi cho trái chủ (người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp) khi đến kỳ hạn.

Câu hỏi 2: Hiện pháp luật quy định như thế nào về phát hành và đầu tư trái phiếu thưa LS?

Trả lời:

Thứ nhất, về phát hành trái phiếu

Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (được sửa đổi bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP) quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu như sau:

1. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

2. Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

3. Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo phương án phát hành đã được phê duyệt.

4.Đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định này khi đáp ứng các quy định sau:

a) Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua;

b) Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận;

5. Thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.

Điều 6 Nghị định này quy định về điều kiện và điều khoản cơ bản của trái phiếu như sau:

1. Kỳ hạn trái phiếu: do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.

2. Khối lượng phát hành: do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.

3. Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu

a) Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, đồng tiền phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu là đồng Việt Nam.

b) Đối với trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, đồng tiền phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu là ngoại tệ theo quy định tại thị trường phát hành và tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Thứ hai, quy định về đầu tư trái phiếu

Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (được sửa đổi bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP) quy định về nhà đầu tư mua trái phiếu tại Điều 8 như sau:

1. Đối tượng mua trái phiếu

a) Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.

b) Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.

c) Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 155/2020/NĐ-CP), ngoại trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản này.

d) Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại điểm này có giá trị trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận.

2. Trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu

a) Tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu.

b) Hiểu rõ về các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu; hiểu rõ và đảm bảo tuân thủ quy định về đối tượng nhà đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan.

c) Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

d) Trước khi mua trái phiếu (cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp), nhà đầu tư phải ký văn bản xác nhận đã thực hiện các quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này và tự chịu trách nhiệm đối với quyết định mua trái phiếu của mình sau khi ký văn bản xác nhận này. Văn bản xác nhận thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này và phải được lưu trữ tại hồ sơ chào bán khi phát hành trái phiếu hoặc tại công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư thực hiện giao dịch trái phiếu theo quy định của pháp luật.

đ) Thực hiện giao dịch trái phiếu theo quy định tại Điều 16 Nghị định này; không được bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức. Việc huy động vốn và mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty quản lý quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

e) Khi bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp phải cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành theo quy định tại Nghị định này cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

3. Quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu

a) Được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định này; được quyền tiếp cận hồ sơ chào bán trái phiếu khi có yêu cầu.

b) Được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành.

c) Được yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.

d) Được yêu cầu người bán trái phiếu cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành theo quy định tại Nghị định này khi mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

4. Trường hợp nhà đầu tư vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc xử lý hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Câu hỏi 3: Dù vậy, trên thực tế thời gian qua trái phiếu doanh nghiệp đang dần xuất hiện những mặt trái, các đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở pháp luật để hoạt động phạm tội, gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Làm thế nào để nhận diện hành vi lừa đảo dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp thưa LS

Trả lời:

       Trái phiếu là công cụ rất hữu hiệu của Doanh nghiệp khi muốn huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp đã lợi dụng phương thức huy động vốn bằng trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư.

Thông qua những vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu gần đây như vụ Công ty Tân Hoàng Minh, Công ty Vạn Thịnh Phát, …có thể thấy rằng các doanh nghiệp thường lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn, trong hồ sơ có đưa ra đề án kinh doanh rất cụ thể, kế hoạch trả nợ, tài sản đảm bảo, bên bảo lãnh thanh toán. Người mua trái phiếu cũng vì tin tưởng thông tin, tài liệu, cam kết trên của doanh nghiệp nên đã mua trái phiếu.

Tuy nhiên, dấu hiệu gian dối thể hiện ở việc đề án kinh doanh không chính xác, các thông tin, cam kết đưa ra chỉ là hứa hẹn và không có. Ngay từ đầu, phía doanh nghiệp tự dựng hồ sơ lên để hợp thức hóa việc huy động vốn, tạo lòng tin cho người mua. Bằng mọi cách, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt đế khiến cho nhà đầu tư tin tưởng và mua trái phiếu.

       Một dấu hiệu nữa chứng minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đó là phía doanh nghiệp sau khi chiếm đoạt được tiền thì sử dụng vào mục đích khác như trả nợ hoặc sử dụng trái với mục đích ban đầu dẫn đến việc nợ, mất khả năng thanh toán, gây thất thoát, thiệt hại cho nhà đầu tư.

Câu hỏi 4: Theo luật sư có nên hình sự hóa những hành vi này phạm tội trong lĩnh vực trái phiếu DN? Tại sao?

Trả lời:

            Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 128/2021/NĐ-CP) Quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức và 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân. Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn có thể chịu hình thức phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động phát hành, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề, …. Đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi TPDN, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư công thêm tiền lãi tính theo lãi ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi ngân hàng; buộc báo cáo, cung cấp thông tin chính xác; buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin; buộc giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán, …

       Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS 2015), Tội lừa dối khách hàng (Điều 198 BLHS 2015), …

Thiết nghĩ, không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự, tuy nhiên, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải được xử lý theo quy định của BLHS.

       Bởi thị trường TPDN càng phát triển thì tính chất, mức độ vi phạm sẽ ngày càng phức tạp và tinh vi gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của thị trường vốn quan trọng này và gây thiệt hại cho nhà đầu tư, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc phát hiện và xử lý. Do đó, cần cẩn trọng vận dụng các biện pháp có căn cứ pháp luật hiện hành.

Câu hỏi 5: Ngoài các hành vi nêu trên, nhà đầu tư có khả năng phải đối diện với những rủi ro nào khi mua trái phiếu doanh nghiệp?

Trả lời:

Mặc dù so với các hình thức và kênh đầu tư khác, trái phiếu doanh nghiệp được xem là cách đầu tư an toàn và lợi nhuận đều. Tuy nhiên, vì là đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể mang đến những rủi ro nhất định:

Thứ nhất, rủi ro khi chưa tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp

Rủi ro lớn nhất của nhà đầu tư trái phiếu là sở hữu trái phiếu của các doanh nghiệp khó khăn. Không ít doanh nghiệp sau khi phát hành trái phiếu với mục tiêu gọi vốn đã phá sản sau một thời gian và không có khả năng hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho các nhà đầu tư. Đây là rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư khi đầu tư trái phiếu mà chưa tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp.Tuy nhiên, trong những trường hợp rủi ro mà doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ ưu tiên giải quyết cho các trái chủ (người mua trái phiếu) trước, sau đó mới đến người sở hữu cổ phiếu và hội đồng quản trị.

Thứ hai, rủi ro khi tái đầu tư

Rủi ro khi tái đầu tư mà nhà đầu tư có thể gặp phải là tình trạng nhà đầu tư đã nhận được tiền nhưng không thể thực hiện tái đầu tư với mức lãi suất tương đương ban đầu. Đây là một hình thức khá phổ biến ở một số loại trái phiếu doanh nghiệp mà nhà đầu tư cần lưu ý khi mua.

Thứ ba, rủi ro về lãi suất

Thông thường, số lượng trái phiếu bán ra sẽ tỉ lệ nghịch với mức lãi suất. Điều này có nghĩa là nhu cầu mua trái phiếu của một doanh nghiệp càng tăng thì mức lãi suất dành cho nhà đầu tư sẽ càng giảm. Các nhà đầu tư sẽ dựa vào quy tắc này để cố gắng giữ mức lãi suất cao nhất có thể. Ngược lại, khi lãi suất trái phiếu tăng, các nhà đầu tư ban đầu sẽ phải bán đi các trái phiếu có lãi suất thấp, dẫn đến việc thua lỗ trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro trong việc thanh khoản. Rủi ro thanh khoản là trường hợp khi giá cả bị biến động khó lường, khiến cho nhà đầu tư không thể bán được trái phiếu mà mình đang sở hữu. Khi đó, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ có thể đợi đến thời gian đáo hạn để có thể lấy lại vốn đầu tư từ phía doanh nghiệp.

 Câu hỏi 6: Nhà đầu tư cá nhân khi muốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần lưu ý những gì thưa LS?

Trả lời:

Trên các mạng xã hội, hội nhóm gần đây đã xuất hiện hiện tượng môi giới của một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính mời chào người dân mua trái phiếu doanh nghiệp như một hình thức gửi tiết kiệm với chào mời hỗ trợ “lách luật” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp”. Do đó, đứng trước thực trạng trên thì nhà đầu tư cá nhân khi muốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải lưu ý những vấn đề sau:

Một là, TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng. TPDN được DN phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ, do đó, nhà đầu tư mua TPDN có rủi ro khi DN không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Hai là, khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý, các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Ba là, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành, mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của DN phát hành.

Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với DN phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, theo đó không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi, hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).

Ngoài ra, tài sản bảo đảm của TPDN, hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư, … Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán, hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán). Thông tin về tài sản đảm bảo được DN phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết về bảo đảm của DN phát hành. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan