Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về: "Trái phiếu doanh nghiệp: "Mảnh ghép" chậm hoàn thiện trên thị trường vốn" trên báo Thời báo Ngân hàng. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Đây là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” diễn ra ngày 13/9.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều "khoảng trống" |
Vẫn còn "khoảng trống" trên thị trường
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, trước sức ép kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế đang hạn chế hơn so với nhu cầu về nguồn vốn để phục hồi và phát triển nên thị trường đang kỳ vọng vào các kênh dẫn vốn khác cho nền kinh tế như trái phiếu doanh nghiệp.TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, theo thống kê tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay vào khoảng 1,5 triệu tỷ. Những năm qua, vốn trái phiếu tăng trưởng với khoảng 30-35%/năm.Nếu tính toán công thức có nghĩa 2 năm sau khối lượng trái phiếu tăng lên gấp đôi, khoảng 2,8 triệu tỷ, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ, và 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ. 11,2 triệu tỷ gánh được gần như vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng tìm vốn ngắn cho vay trung dài hạn. Đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai.Thực tế, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 24%, và đến 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn, thể hiện nhu cầu lớn của cả người phát hành và người mua đều rất lớn. Dù vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác.Theo Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại còn các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế.Chia sẻ về sự phát triển chậm của kênh trái phiếu doanh nghiệp, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, hiện chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này. Quan sát cho thấy, bộ phận phát triển thị trường trái phiếu vẫn hoạt động ở phạm vi hẹp trong Ủy ban chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng tiếc.Trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đó chỉ biết nhìn vào, quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro. Do thể chế không vững chắc, giám sát không chặt chẽ, thị trường khó phát triển bền vững lâu dài, khó giữ niềm tin của dân chúng vững chắc.Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law nhận thấy, nhà đầu tư cá nhân thật ra không hiểu nhiều về các vấn đề vĩ mô, bản chất trái phiếu và họ quan niệm mua trái phiếu như gửi tiết kiệm. Khi lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất ngân hàng thì họ tham gia mà không quan tâm đến tài sản đảm bảo. Khi xảy ra một số vụ việc với sự tham gia của các cơ quan tư pháp, nhiều lãnh đạo công ty phát hành vướng lao lý, nhà đầu tư cá nhân cũng không có kinh nghiệm trong xử lý việc này.
Toàn cảnh tọa đàm |
Xây dựng niềm tin và trách nhiệm
Muốn phát triển một thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, tiên tiến, theo các chuyên gia, niềm tin và trách nhiệm là 2 từ phải gắn với nhau. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trách nhiệm trước hết là của Chính phủ cũng như lòng tin trước hết phải xuất phát từ phía doanh nhân, doanh nghiệp (các tổ chức huy động trái phiếu doanh nghiệp). Để lấy được niềm tin của nhà đầu tư, một số chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Ông Don Lambert, Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư rót vào các trái phiếu do doanh nghiệp phát hành rất ít, chủ yếu là trái phiếu chính phủ và trái phiếu do các ngân hàng phát hành. Trong khi nhu cầu đầu tư vẫn rất lớn và phản ánh khá rõ qua sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Vì vậy, rất cần đến các đơn vị xếp hạng tín nhiệm với các yêu cầu bắt buộc.Việt Nam hoàn toàn có thể làm được xếp hạng tín nhiệm vì đã có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa. Bên cạnh đó, một khi đã phát triển được môi trường pháp lý tốt thì sẽ thu hút được nhà đầu tư.Trước băn khoăn "niềm tin với đơn vị xếp hạng lấy ở đâu ra?", TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro. Theo đó, cần xây dựng những định chế đảm bảo rằng rủi ro ít thì họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều, thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn. Trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư.Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi tham gia vào trái phiếu doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, trong thời gian tới Chính phủ cần nghiên cứu xử lý những trường hợp doanh nghiệp sắp tới đáo hạn không trả được tiền cho nhà đầu tư, cần có cơ chế xử lý, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Trong Nghị định 153 cần có cơ chế đảm bảo việc đó, khi mà niềm tin nhà đầu tư đi xuống sau những vụ việc vừa qua. Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin cho rằng, doanh nghiệp cũng cần có bộ phận quan hệ nhà đầu tư nhằm tương tác và đưa ra sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư, góp phần làm việc sử dụng đồng vốn một cách minh bạch, hiệu quả hơn; cần có những quy định rõ ràng liên quan đến trách nhiệm của các bên liên quan khác như đại lý phát hành, quy định rõ về tài sản đảm bảo…Đối với nhà đầu tư, cần nhìn nhận trái phiếu cũng là một kênh đầu tư, nên cần phân bổ nguồn vốn của mình một cách hợp lý. Nếu trực tiếp mua trái phiếu thì nhà đầu tư phải tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của nhà phát hành hoặc có thể tìm đến các nhà tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ông Đặng Trần Phục nói.
0/5
(0 Reviews)