Trong bão số 3, nhiều tòa chung cư ở Hà Nội bộc lộ những điểm yếu về xây dựng như nứt kính, thấm dột vào trong nhà, thậm chí có chung cư tường nứt toác, sập trần... Theo nhiều chuyên gia, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình bao gồm cả chung cư đã có, cần xem xét đến trách nhiệm của đơn vị giám sát, nghiệm thu khi để xảy ra những sự cố trên.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW có phần trả lời các cơ quan truyền thông về vấn đề nêu trên.
Theo anh, khi chung cư bị ảnh hưởng bởi các vấn đề như nứt tường, thấm dột, hoặc sập trần, trách nhiệm chính thuộc về ai? Chủ đầu tư, nhà thầu, hay cơ quan quản lý? Vì sao?
Trả lời:
Trong các trường hợp chung cư bị hư hại do các vấn đề như nứt tường, thấm dột, hoặc sập trần, trách nhiệm có thể thuộc về nhiều bên khác nhau, bao gồm cả chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị giám sát, và cơ quan quản lý nhà nước. Khi xảy ra các sự cố trên, trách nhiệm chính sẽ thuộc về các đơn vị thiết kế kết cấu và đơn vị thi công xây dựng, nói cách khác là nhà thầu thi công. Họ có trách nhiệm tính toán và thiết kế các kết cấu bao che như cửa kính, vách kính để chịu được các tải trọng gió, áp lực bão, đồng thời thi công theo đúng thiết kế và quy chuẩn xây dựng. Tuy nhiên, trong thiết kế kết cấu đang có tình trạng để nhà thầu thi công tự chọn vật liệu, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Nhà thầu thi công sau khi chế tạo và lắp dựng xong cửa/vách kính, có thể lập bản vẽ hoàn công và việc này được hợp pháp hóa bằng cách đưa bản vẽ này cho nhà thầu thiết kế ký.
Ngoài ra, chung cư bị sập trần, nứt tường cho thấy việc thi công, giám sát đều “ẩu”. Đơn vị giám sát lại có vai trò kiểm tra và đảm bảo rằng quá trình thi công diễn ra theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế được phê duyệt. Để xảy ra tình trạng trên, cho thấy quá trình giám sát không chặt chẽ.
Chủ đầu tư thường viện dẫn lý do khách quan để né tránh trách nhiệm. Theo anh trong trường hợp này, cư dân cần làm gì để xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan?
Trả lời:
Chủ đầu tư thường viện dẫn các lý do khách quan (như điều kiện thời tiết, thiên tai) để né tránh trách nhiệm. Trong những tình huống như vậy, cư dân có thể thực hiện các biện pháp sau để xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan và bảo vệ quyền lợi của mình.
Đầu tiên, cư dân chung cư cần thu thập bằng chứng về tình trạng chất lượng chung cư. Cư dân có thể chụp ảnh, quay phim các khu vực bị hư hỏng như nứt tường, thấm dột, hoặc trần sập. Bằng chứng về các thiệt hại sẽ là cơ sở quan trọng trong việc khiếu nại sau này. Cần yêu cầu ban quản lý chung cư lập biên bản ghi nhận các vấn đề về chất lượng công trình, với sự tham gia của đại diện cư dân và các bên liên quan (nếu có thể).
Thứ hai, cư dân có thể yêu cầu chủ đầu tư hoặc tự thuê đơn vị kiểm định độc lập (có thể là công ty kiểm định xây dựng hoặc các chuyên gia có chứng nhận) để đánh giá chất lượng công trình và xác định nguyên nhân các sự cố. Kết quả kiểm định này sẽ giúp xác định liệu hư hỏng là do lỗi thiết kế, thi công kém, hay các yếu tố thời tiết.
Thứ ba, cư dân cần xem kỹ hợp đồng mua bán căn hộ cũng như các quy định pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư để biết rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư và cư dân. Từ đó, so sánh với thực tế để xác định rõ trách nhiệm của từng bên.
Thứ tư, thông qua ban quản trị, là đại diện của cư dân chung cư, gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư giải quyết vấn đề, đính kèm bằng chứng về sự cố và yêu cầu họ sửa chữa. Văn bản này nên được gửi có ký nhận hoặc qua các kênh chính thức để làm cơ sở pháp lý trong trường hợp phải giải quyết tranh chấp sau này.
Vai trò của cơ quan nhà nước trong việc giám sát và xử lý các vi phạm xây dựng tại chung cư là gì? Họ có bị truy cứu trách nhiệm khi để xảy ra sự cố không?
Trả lời:
Cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và xử lý các vi phạm xây dựng tại chung cư, từ giai đoạn cấp phép, kiểm tra quá trình thi công, đến nghiệm thu và giám sát việc tuân thủ các quy định sau khi chung cư đi vào hoạt động. Có thể nói, về quản lý và sử dụng chung cư, Bộ Xây dựng đã liên tục có những văn bản pháp luật được chỉnh lý, bổ xung để cập nhật tình hình thực tế. Theo đó, các quy định ngày càng được cụ thể hoá chi tiết với đủ các đối tượng: Chủ đầu tư, Ban Quản trị, Ban Quản lý và Cư dân.
Các cơ quan nhà nước như UBND cấp xã, phường và Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thi công để đảm bảo công trình được xây dựng theo đúng thiết kế đã được phê duyệt. Đặc biệt, họ cần kiểm tra định kỳ và bất thường để phát hiện các vi phạm trong quá trình thi công như xây dựng sai phép, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Trong trường hợp để xảy ra sự cố do vi phạm xây dựng, cơ quan nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm nếu được xác định có sơ suất, bất cập trong công tác quản lý, giám sát. Điều này đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải thực hiện tốt vai trò quản lý, giám sát và xử lý nghiêm minh các vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tình trạng các cơ quan nhà nước chưa kịp thời xử lý các vi phạm xây dựng, gây bức xúc trong dư luận. Điều này cần được khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Khi chung cư mới xây xong nhưng đã bộc lộ nhiều yếu kém về kết cấu, liệu có thể quy trách nhiệm cho đơn vị giám sát và kiểm định chất lượng không? Nếu có, mức độ trách nhiệm cụ thể như thế nào?
Trả lời:
Khi chung cư vừa xây xong nhưng đã bộc lộ nhiều yếu kém về kết cấu, việc quy trách nhiệm cho đơn vị giám sát và đơn vị kiểm định chất lượng là hoàn toàn có thể, vì họ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng công trình tuân thủ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, mức độ trách nhiệm của từng bên cần được đánh giá cụ thể dựa trên các nhiệm vụ và nghĩa vụ của họ trong dự án.
Việc xác định trách nhiệm cụ thể của các bên (đơn vị giám sát và kiểm định) phụ thuộc vào quá trình điều tra và xác minh nguyên nhân của các vấn đề về kết cấu. Cần lưu ý rằng, nếu lỗi do thi công sai quy trình hoặc sử dụng vật liệu kém chất lượng mà giám sát không phát hiện, đơn vị giám sát có thể sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu vấn đề về kết cấu xuất phát từ khâu thiết kế hoặc kỹ thuật mà đơn vị kiểm định không phát hiện trước khi cấp giấy chứng nhận chất lượng, đơn vị kiểm định sẽ chịu trách nhiệm lớn. Trách nhiệm của các bên có thể được chia sẻ nếu có lỗi từ nhiều phía, bao gồm cả chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị giám sát, và kiểm định.
Trong trường hợp không xác định được nguyên nhân rõ ràng, cư dân có thể yêu cầu các đơn vị nào tham gia vào quá trình kiểm định và giải quyết sự cố?
Trả lời:
Trong trường hợp này, cư dân có thể yêu cầu chủ đầu tư hoặc ban quản trị thuê một đơn vị kiểm định độc lập (là các công ty hoặc tổ chức có chuyên môn trong việc kiểm định xây dựng) để tiến hành kiểm định lại toàn bộ công trình hoặc các phần xảy ra sự cố. Đây là các đơn vị có chuyên môn và trang thiết bị để kiểm tra lại các vấn đề về kết cấu, chất lượng vật liệu, và các tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình.
Cư dân cũng có thể đề nghị công ty tư vấn thiết kế và đơn vị giám sát (những bên đã tham gia từ giai đoạn đầu) tiến hành kiểm tra và đánh giá lại. Đây là những bên đã có trách nhiệm trong việc phê duyệt thiết kế và giám sát thi công, nên họ có nghĩa vụ cung cấp thông tin và hỗ trợ xác định nguyên nhân.
Bên cạnh đó, cư dân có thể xem xét gửi đơn khiếu nại lên Sở Xây dựng, đề nghị cơ quan này can thiệp và tổ chức kiểm tra lại công trình. Sở Xây dựng có thẩm quyền giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn và có thể yêu cầu kiểm tra công trình để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Cư dân có thể yêu cầu đền bù như thế nào nếu việc sửa chữa không đảm bảo hoặc gây ra thiệt hại về tài sản, sức khỏe?
Trả lời:
Nếu việc sửa chữa chung cư ở Hà Nội sau cơn bão số 3 không đảm bảo hoặc gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe thì cư dân có thể yêu cầu đền bù thông qua các bước như sau:
Đầu tiên, cư dân cần phải ghi nhận thiệt hại bằng cách chụp ảnh hoặc lập biên bản và gửi thông báo cho chủ đầu tư, ban quản lý. Cư dân cần ghi lại các thiệt hại như nứt tường, thấm dột, hư hỏng tài sản, và sức khỏe bị ảnh hưởng. Lập biên bản với sự chứng kiến của các cư dân khác hoặc đại diện ban quản lý chung cư. Cư dân nên gửi thông báo chính thức đến chủ đầu tư và ban quản lý chung cư về các vấn đề đã ghi nhận, yêu cầu sửa chữa và bồi thường thiệt hại.
Sau đó, cư dân có thể yêu cầu bồi thường dựa trên các quy định của pháp luật về nhà ở, Hợp đồng mua bán căn hộ. Nếu chủ đầu tư không thực hiện việc sửa chữa hoặc bồi thường, cư dân có thể yêu cầu bồi thường theo các quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể:
Về yêu cầu bồi thường theo Luật nhà ở, Hợp đồng mua bán căn hộ.
Căn cứ Điều 129 Luật nhà ở quy định về bảo hành nhà ở:
“1. Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng; tổ chức, cá nhân cung ứng trang thiết bị nhà ở phải bảo hành trang thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.
Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng trang thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định của pháp luật.
- Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau:
- a) Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng;
…”
Nếu sự cố xảy ra trong thời gian này và do lỗi xây dựng, chủ đầu tư, bên bán, bên cho thuê mua nhà ở phải chịu trách nhiệm sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, Hợp đồng mua bán căn hộ thường quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc bảo hành và sửa chữa. Nếu việc sửa chữa không đạt yêu cầu hoặc gây thêm thiệt hại, cư dân có quyền yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa lại và bồi thường những thiệt hại phát sinh.
Về yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Bộ luật dân sự 2015
Theo Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại: Các chi phí thực tế cần thiết cho việc sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản bị hư hỏng.
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng tài sản: Nếu tài sản bị thiệt hại dẫn đến mất mát lợi ích, cư dân có quyền yêu cầu bồi thường cho những lợi ích này.
Theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí cứu chữa: Các chi phí hợp lý cho việc khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại.
- Thu nhập thực tế bị mất: Nếu cư dân không thể làm việc do thiệt hại về sức khỏe, họ có quyền yêu cầu bồi thường cho thu nhập thực tế bị mất.
- Chi phí chăm sóc: Chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại cũng được tính vào bồi thường.
Trong trường hợp, nếu chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cư dân có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, bao gồm biên bản thiệt hại, thông báo đã gửi, và các bằng chứng liên quan. Và cần lưu ý đến thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Bên cạnh đó, cư dân có thể tìm đến luật sư để được tư vấn và hỗ trợ trong việc yêu cầu bồi thường, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình được bảo vệ.
Trong trường hợp chủ đầu tư không chịu trách nhiệm sửa chữa, cư dân có thể tiến hành khởi kiện theo quy trình nào? Các bước cần thiết để đảm bảo quyền lợi là gì?
Trả lời:
Nếu chủ đầu tư không chịu trách nhiệm sửa chữa, cư dân có thể tiến hành khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp theo Điều 194 Luật Nhà ở 2023 và quy trình tố tụng của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Cụ thể, căn cứ Điều 186, Điều 189, Điều 191, Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cư dân có thể tiến hành khởi kiện theo quy trình sau:
Bước 1: Soạn thảo đơn khởi kiện
Khi soạn thảo đơn khởi kiện, người khởi kiện cần lưu ý một số vấn đề sau: Xác định rõ ràng, chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định hiện hành và thể hiện nội dung này trong Đơn khởi kiện; Trình bày chi tiết các số liệu, các khoản bồi thường, đặc biệt lưu ý đến các số liệu là cơ sở quan trọng để xác định quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
Kèm theo Đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm, sau đó bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện
Sau khi đã chuẩn bị Hồ sơ khởi kiện, đương sự có thể nộp Hồ sơ khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng 03 phương thức sau: (i) Nộp trực tiếp tại Tòa án, (ii) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính, hoặc (iii) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 3: Phân công thẩm phán xem xét đơn
Theo Khoản 2 Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 4: Thụ lý vụ án
- Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
- Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
- Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
- Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Bước 5: Tiến hành hòa giải
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được hoặc vụ án được giải quyết theo
Bước 6: Chuẩn bị xét xử
Trong vòng 01 tháng để chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, ra các quyết định đình chỉ xét đơn, trưng cầu giám định, định giá tài sản, mở phiên tòa giải quyết việc dân sự… Nếu chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì có thể kéo dài thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu nhưng không vượt quá 01 tháng.
Bước 6: Đưa vụ án ra xét xử ở phiên tòa sơ thẩm
Theo Điều 222 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.
Có giải pháp nào về mặt pháp lý hoặc cơ chế kiểm soát để ngăn chặn tình trạng xây dựng kém chất lượng, đặc biệt là với các dự án chung cư quy mô lớn không, thưa anh?
Trả lời:
Để ngăn chặn tình trạng xây dựng kém chất lượng, đặc biệt trong các dự án chung cư quy mô lớn, cần có sự kết hợp giữa các giải pháp pháp lý và cơ chế kiểm soát hiệu quả. Dưới đây là một số giải pháp mang tính pháp lý và cơ chế kiểm soát để có thể kiểm soát tình trạng này:
Thứ nhất, thắt chặt quy định pháp lý về tiêu chuẩn chất lượng xây dựng. Sửa đổi và bổ sung Luật Xây dựng và các văn bản liên quan nhằm nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng công trình, đặc biệt với các dự án chung cư quy mô lớn. Hiện tại, các tiêu chuẩn kỹ thuật này được quy định tại Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, nhưng cần tiếp tục cập nhật để đảm bảo phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật và yêu cầu về an toàn, chất lượng. Có thể học tập, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng và quản lý chất lượng đối với các dự án chung cư cao cấp để đảm bảo tính an toàn và chất lượng lâu dài cho công trình.
Thứ hai, cần thắt chặt điều kiện cấp phép xây dựng. Quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền cấp phép đối với các dự án chung cư quy mô lớn. Cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra kỹ lưỡng năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu, và các đơn vị liên quan về kỹ thuật, tài chính trước khi cấp phép. Cơ quan cấp phép có thể yêu cầu hồ sơ đánh giá năng lực của các bên liên quan (bao gồm nhà thầu, kỹ sư thiết kế, đơn vị giám sát) trước khi cấp phép xây dựng, đảm bảo rằng chỉ những đơn vị có đủ năng lực và kinh nghiệm mới được tham gia vào các dự án quan trọng.
Thứ ba, cần tăng cường công tác giám sát và kiểm tra. Cần thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập với chủ đầu tư để thực hiện giám sát trong suốt quá trình thi công. Theo Điều 120 Luật Xây dựng 2014, việc giám sát thi công xây dựng công trình phải được thực hiện liên tục, nhưng trong thực tế, vai trò này thường chưa phát huy hiệu quả. Để cải thiện, cần đưa ra các quy định cụ thể hơn về vai trò và trách nhiệm của các đơn vị giám sát độc lập. Tăng cường sự tham gia của Thanh tra xây dựng trong các dự án quy mô lớn.
Thứ tư, cơ chế bảo hành công trình và quyền lợi của cư dân. Bổ sung quy định rõ ràng về thời gian và điều kiện bảo hành công trình. Các dự án chung cư cần phải có cơ chế bảo hành công trình một cách minh bạch và chi tiết. Quy định tại Điều 126 Luật Xây dựng 2014 về bảo hành cần được nâng cao để đảm bảo quyền lợi của cư dân được bảo vệ một cách đầy đủ. Hơn thế nữa cần có cơ chế khiếu nại và xử lý nhanh chóng, minh bạch đối với các vấn đề phát sinh sau khi cư dân vào ở. Quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc khắc phục các lỗi kỹ thuật cần được cụ thể hóa và áp dụng nghiêm ngặt hơn.
Những giải pháp pháp lý và cơ chế kiểm soát trên không chỉ giúp ngăn chặn tình trạng xây dựng kém chất lượng mà còn góp phần nâng cao uy tín và chất lượng của các dự án chung cư lớn tại Việt Nam, đảm bảo sự an toàn và lợi ích của người dân sinh sống trong các công trình này.
|