Trách nhiệm của Bộ Y tế trong lùm xùm việc mua máy xét nghiệm Covid-19

Nội dung bài viết

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì nó kéo theo nhiều vấn đề lùm xùm xoay quanh vấn đề này. Cụ thể gần đây Vụ việc mua máy xét nghiệm Covid-19 đang là mối quan tâm hàng đầu trong xã hội. Câu hỏi đặt ra ở đây là vụ việc này có những điểm nào không hợp lý? Và Bộ y tế có trách nhiệm như thế nào đối với những vấn đề vô lý, thiếu minh bạch đó?

Trả lời:

Không thể phủ nhận nhu cầu mua máy xét nghiệm Covid-19 trong thời điểm này là vô cùng cấp thiết, nhiều địa phương đang quan tâm và đã đầu tư để mua máy xét nghiệm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, giá của những chiếc máy này lại có sự chênh lệch đến hàng tỷ đồng giữa các địa phương cho cùng một loại máy. Sau khi bị phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ thì các địa phương lại lấy một lý do là đi mượn hay lấy lý do đã thoả thuận được với đối tác để được giảm giá với số tiền giảm giá lên đến một nửa số tiền đã bỏ ra để mua máy. Các lý do trên đều rất vô lý và có dấu hiệu vi phạm trong sự việc này.

Có thể thấy có rất nhiều vấn đề với dấu hiệu vô cùng phức tạp và cần phải làm rõ nhiều yếu tố trong khi nhà nước cũng đang vô cùng khó khăn khi dịch bệnh đang diễn biến khó lường. Vì vậy, trong việc này Bộ y tế cũng phải có trách nhiệm khi để xảy ra sự việc hết sức phức tạp như vậy.

Trước hết, pháp luật có quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ y tế tại Khoản 8, Điều 2, Nghị định số 75/2017/NĐ-CP quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Y tế về trang thiết bị và công trình y tế như sau: “a) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia về trang thiết bị y tế. Ban hành các quy định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị y tế; b) Ban hành danh mục trang thiết bị thiết yếu cho các đơn vị, cơ sở y tế; c) Cấp mới, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế, giấy chứng nhận lưu hành tự do cho trang thiết bị y tế sản xuất trong nước, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế; cấp giấy xác nhận nội dung hồ sơ quảng cáo trang thiết bị y tế; cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện phân loại, đủ điều kiện thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật, dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế trong phạm vi được phân công quản lý theo quy định của pháp luật; d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, phân loại, tư vấn về kỹ thuật, kiểm định, hiệu chuẩn và quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế; đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật và các tiêu chuẩn thiết kế – thiết kế mẫu các công trình y tế; tiêu chuẩn thiết kế các khoa, phòng chuyên ngành trong công trình y tế.”

Ngoài ra tại Khoản 21, Điều này cũng quy định: Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện dự trữ quốc gia về thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai thảm họa theo danh mục dự trữ quốc gia đã được Chính phủ quyết định và theo các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Bộ y tế có riêng Vụ “Trang thiết bị và Công trình y tế” có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế; quản lý máy móc, thiết bị chuyên dùng trong hoạt động sự nghiệp y tế và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng công trình y tế

Tuy Pháp luật có quy định rõ về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ y tế, chưa kể có riêng một cơ quan có chức năng đặc biệt trong lĩnh vực trang thiết bị công trình y tế như trên, nhưng trên thực tế, trước sực việc vừa rồi tất cả những việc Bộ y tế làm là ra 2 công văn số 2154/BYT-KH-TC và Công văn số 2288/BYT-KH-TC yêu cầu các địa phương báo cáo về việc mua sắm máy Real-time PCR tự động phục vụ xét nghiệm Covid-19. Xét về thời gian ra công văn trên thì chỉ khi vụ việc CDC Hà Nội bị điều tra thì Bộ Y tế mới vào cuộc để giải quyết, khắc phục chứ không hề có động thái quản lý chặt chẽ các quy trình thủ tục như Pháp luật quy định.

Vì vậy, trong sự việc lần này trách nhiệm của Bộ y tế có thể làm bây giờ là khắc phục những vấn đề nêu trên bằng cách:

Thứ nhất, phối hợp công tác điều tra cùng với các cơ quan có thẩm quyền. Bộ Y tế có thể cung cấp tất cả các giấy tờ, bằng chứng liên quan hay các báo cáo thu thập được từ các địa phương trong thời gian qua để sự việc nhanh chóng có lời giải đáp. Từ đó mới có thể đưa ra các biện pháp xử lý chính xác kịp thời.

Thứ hai, Bộ Y tế cần trình cấp có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia về trang thiết bị y tế, phân loại trang thiết bị y tế để có thể hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền định giá sản phẩm tránh trường hợp mỗi nơi bán và mua với một loại giá chênh lệch quá lớn như vậy.

Thứ ba, chỉ đạo chặt chẽ hơn và đưa ra các công văn yêu cầu các địa phương khai báo, nộp các giấy tờ chứng minh hợp lý đính kèm báo cáo gửi Bộ Y tế.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan