Nhằm đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Hiểu Đúng - Làm Đúng trên kênh Truyền hình quốc hội về tình huống trả tiền phí cầu đường bằng tiền lẻ. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Tình huống: Anh Tú là lái xe đường dài, trong một lần đi đường, anh Tú vô tình vướng vào vụ trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí BOT, vì việc đó mà cơ quan công an mời anh Tú lên làm việc. Trước thông tin về việc có khả năng bị truy tố, anh Tú đến gặp luật sư xin tư vấn.
Theo như thông tin bạn trình bày thì hành vi trả tiền phí cầu đường bằng tiền lẻ của bạn là không vi phạm pháp luật. Vì:
Thứ nhất, khi điều khiển xe lưu thông trên đường, gặp trạm thu phí thì tài xế phải nộp một khoản tiền cho nhân viên trạm thu phí để được cho phép lưu thông qua trạm thu phí. Đây được coi là một giao dịch dân sự (Điều 116 BLDS 2015). Khi tài xế đã nộp tiền xong và nhân viên trạm thu phí đồng ý cho xe qua là các bên đã thực hiện xong giao dịch dân sự. Giao dịch dân sự này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, tiền dù ở mệnh giá nào đều do Nhà nước phát hành, do đó được lưu hành hợp pháp, trạm thu phí không thể từ chối. Cũng không có bất kỳ quy định nào cấm dùng tiền lẻ trong giao dịch dân sự.
Có ý kiến cho rằng hành vi dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí còn vi phạm luật hình sự, cụ thể là phạm vào tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS 1999 và Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 BLHS.
Đối với Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):
Khoản 1 Điều 245 BLHS qui định: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, …”.
Xét động cơ, mục đích của bạn ở đây chỉ là “vô tình”; không có hành động hò hét, chửi bới, đập phá, đuổi đánh các nhân viên Trạm thu phí nên xét về hành vi khách quan của Tội gây rối trật tự công cộng là không thỏa mãn.
Đối với Tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):
Cản trở giao thông đường bộ là hành vi đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, …gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi cản trở giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên, nếu bạn có hành vi vo tròn tiền lẻ, làm tiền bị hư hỏng, nhàu nát, bôi bẩn, … thì bạn có thể bị xem xét về hành vi “phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật”. Tùy mức độ vi phạm mà người có hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Theo Khoản 3 Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật bị phạt 10 đến 15 triệu đồng.