Một số nội dung quan trọng của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW trả lời phỏng vấn VTC10 về Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dưới đây là nội dung chi tiết bài phỏng vấn:

  1. Theo luật sư, đâu là những điểm nổi bật của luật DN nhỏ và vừa, khác biệt so với Luật DN trước đây?

Luật sư trả lời:

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa được Quốc hội thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2017.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) gồm 4 chương, 35 điều, với nội dung chính là hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa như: hỗ trợ tiếp cận vốn từ các ngân hàng, miễn giảm thuế, hỗ trợ mở rộng thị trường, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý…

Một trong những điểm nổi bật của Luật là hỗ trợ DNNVV thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

So với Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 quy định cụ thể, chi tiết, chủ yếu về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể:

-Về đối tượng áp dụng: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng cho các doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này (Điều 4).

– Về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:

*Hỗ trợ chung:

+ Hỗ trợ tiếp cận tín dụng;

+ Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa;

+ Hỗ trợ thuế, kế toán;

+ Hỗ trợ mặt bằng sản xuất;

+ Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung;

+ Hỗ trợ mở rộng thị trường;

+ Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý;

+ Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.

*Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đỏi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (quy định cụ thể tại mục 2).

Đặc biệt, Luật này cũng xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, củng cố hệ thống triển khai chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Trung ương đến địa phương và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân.

  1. Luật DN nhỏ và vừa khi triển khai sẽ có tác động như thế nào đến cộng đồng DN này?

Luật sư trả lời:

Một động lực mới cho nền kinh tế, cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ được thiết lập khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai

Kích thích chuyển đổi mô hình

Luật hỗ trợ DNNVV được xây dựng theo quan điểm hỗ trợ theo quy mô, hỗ trợ có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế.

Như tôi đã trình bày ở trên, điểm nổi bật của Luật là hỗ trợ DNNVV thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

một lý do quan trọng khiến các hộ kinh doanh không có động lực chuyển đổi thành doanh nghiệp vì đang được thực hiện cơ chế thuế khoán đơn giản, dễ dàng hơn so với thủ tục đóng thuế khi trở thành doanh nghiệp; không phải đóng bảo hiểm cho người lao động, không phải thực hiện các quy định như phải có kế toán trưởng, phải thực hiện nhiều biểu mẫu kế toán, kê khai thuế, mất nhiều thời gian kê khai…

Quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV chỉ miễn thuế có thời hạn, cùng với hỗ trợ khác như miễn lệ phí môn bài, miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện… để tạo khuyến khích đủ mạnh các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Khơi thông nguồn vốn

Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ DNNVV vừa được thông qua cung cấp kênh tiếp cận vốn đa chiều cho doanh nghiệp, với 3 loại quỹ: Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Đối với Quỹ phát triển DNNVV, Luật quy định rõ: đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập để cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Luật cũng nêu rõ về Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật cũng quy định, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư vào các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những quy định này sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

  1. Luật này sẽ tháo gỡ những khó khăn cho cộng đồng DN nhỏ và vừa như thế nào? (vốn, quản trị, hợp tác chuyển giao công nghệ với khu vực FDI…)

Luật sư trả lời:

Mục 1- Chương II của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định các nội dung hỗ trợ chung đối với DNNVV, trong đó chủ yếu về chính sách, không đưa tiền trực tiếp cho bất cứ ai.

Ví dụ như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, kế toán, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, công nghệ, …

Mục 2 – Chương II của Luật này thiết kế theo hướng hỗ trợ có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, chỉ hỗ trợ cho nhóm DN sản xuất chế tác, chế tạo, tạo ra của cải vật chất thực sự, không hỗ trợ DN dịch vụ bán lẻ.

Thứ nhất là DN mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang. Mọi quốc gia đều hướng tới nền kinh tế chính thức phải lớn hơn phi chính thức, trong khi Việt Nam thì phi chính thức chiếm một nửa, thậm chí hơn. Để hộ kinh doanh chuyển thành DN thì phải hỗ trợ, cần cho họ thời gian quá độ vài năm. Thời gian đầu mới chuyển đổi sang DN, tần suất báo cáo 1 năm 1 lần, nội dung báo cáo đơn giản hơn, miễn thuế lúc đầu cho quen. Tiền hỗ trợ cho nhóm này ít, vì vốn dĩ họ chưa đóng thuế nên miễn thuế cho họ Nhà nước cũng không mất gì.

Thứ hai là hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo qua việc xây dựng các chương trình, tạo dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp. Các DN này ban đầu không thể tiếp cận vốn vay tín dụng từ ngân hàng được. Nhiều ý kiến cho rằng cho DN khởi nghiệp huy động vốn trên sàn chứng khoán, nhưng DN khởi nghiệp làm sao lên sàn được khi chưa có gì cả. Vì thế, phải có chính sách để các DN start up tìm kiếm được nguồn vốn, hỗ trợ về nơi làm việc chung.

Nhà nước có chính sách giúp cho các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của tư nhân như các quỹ đầu tư mạo hiểm… theo hướng nếu các quỹ này thực sự giải ngân cho DN khởi nghiệp thì họ được giảm thuế, miễn thuế. Đây là cách giúp cho người đi giúp DN khởi nghiệp chứ không đưa tiền cho DN. Ngoài ra, Nhà nước giúp các DN star up tiếp cận với các phòng thí nghiệm, xét nghiệm. Nhà nước giúp để họ được xét nghiệm với chi phí gốc, không lấy khấu hao. Các quỹ đầu tư mạo hiểm trả tiền. Với chương trình này Nhà nước không phải hỗ trợ bằng tiền, chỉ bớt thuế cho các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp khi họ giải ngân.

Thứ ba, hỗ trợ các DN theo cụm liên kết ngành, để xây dựng ra chuỗi giá trị bền vững. Khi hỗ trợ từng DN trong cụm liên kết ngành, có thể giúp cả chuỗi giá trị phát triển mạnh mẽ hơn.

Những sự hỗ trợ của luật này không tạo ra sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi trong Luật có phân chia các nhóm doanh nghiệp ở các mức hỗ trợ khác nhau, không tạo ra sự bao cấp cho các doanh nghiệp thiếu năng lực, không có khả năng phát triển và có nguy cơ giải thể, phá sản.

Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có tiềm năng được nhận sự hỗ trợ tốt nhất để phát triển, tránh đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp nguy cơ “chết”.

  1. Luật thì đã có, nhưng làm thế nào để luật đi vào thực tiễn lại là 1 khía cạnh khác. Ông có ý kiến như thế nào để tăng hiệu quả của luật này khi chính thức triển khai?

Luật sư trả lời:

Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời với mục tiêu giải quyết các tồn đọng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần trợ giúp chủ yếu từ phía cơ quan nhà nước. Vì vậy, để Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bám sát tình hình, thực trạng thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền phải đi nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin cho DN về cơ hội, định hướng làm ăn. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần cung cấp thông tin về pháp luật, đào tạo về quản trị, quản lý tài chính cho khu vực DN này. Nhà nước cũng có thể xây dựng trang web về các phần mềm quản lý tài chính đơn giản cho dùng chung, doanh nghiệp vào trang đó download về sử dụng miễn phí.

Đồng thời, phải xác định rõ ràng những quy định, quy phạm pháp luật trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, là phù hợp với thực tiễn và thỏa mãn được nhu cầu của đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Có như vậy, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời mới trở thành một công cụ pháp lý quan trọng, thiết thực, tác động tích cực vào sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Ngoài ra, để Luật đi vào cuộc sống thì nên ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành luật.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan