Trả lời câu hỏi về diễn biến vụ Tân Hiệp Phát – Kim Oanh

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SB Law mới đây đã trả lời câu hỏi phỏng vấn liên quan đến hai tập đoàn lớn là Tân Hiệp Phát và Kim Oanh. SB Law trân trọng gửi đến độc giả nội dung bài phỏng vấn như sau:

Diễn biến vụ Tân Hiệp Phát – Kim Oanh

Căn nguyên sự việc bắt nguồn từ thỏa thuận Kim Oanh mua 100% cổ phần công ty Minh Thành (đơn vị sở hữu dự án rộng 56,7ha tại Đồng Nai). Do thiếu tiền, Kim Oanh đã vay của Tân Hiệp Phát để thanh toán cho Minh Thành. Đồng thời với hành vi vay tiền, Kim Oanh kí hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần Minh Thành cho Tân Hiệp Phát.

Do sau đó xuất hiện những tình tiết mới, việc thanh toán nợ giữa Kim Oanh và Tân Hiệp Phát không thể thực hiện đúng thời hạn giao kết. Điều này đồng nghĩa công ty Minh Thành (cùng dự án 56,7ha) thuộc về Tân Hiệp Phát.

Kim Oanh phản ứng, cho rằng hợp đồng chuyển nhượng 100% công ty Minh Thành cho Tân Hiệp Phát khi vay tiền chỉ là hợp đồng giả cách và rằng Tân Hiệp Phát đã chiếm đoạt tài sản của mình, nên tố cáo lên Bộ Công an.

1, Với nhãn quan của một luật sư nhiều kinh nghiệm, ông nhìn nhận ra sao về bản chất của sự việc trên? Theo ông, trong sự vụ này, đúng sai của các bên như thế nào?

Trả lời:

Hiện tại thì chúng ta mới chỉ biết đến vụ tranh chấp giữa hai tập đoàn là Tân Hiệp Phát và Kim Oanh thông qua một số thông tin trên báo. Những thông tin này có thể chỉ phản ánh một chiều hay một phần của vụ án. Bên Kim Oanh thì cho rằng hợp đồng chuyển nhượng cổ phẩn chỉ là một hợp đồng “giả” nhằm che giấu giao dịch thật sự là vay tài sản giữa các bên. Còn bên Tân Hiệp Phát thì lại khẳng định chỉ có hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Vụ việc vẫn còn nhiều uẩn khúc, do dó, hiện tại chưa thể đưa ra kết luận bên nào đúng, bên nào sai.

2, Công ty Kim Oanh nói rằng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty Minh Thành cho Tân Hiệp Phát là hợp đồng giả cách. Luật pháp có quy định nào về “hợp đồng giả cách” không? Liệu một hợp đồng có đầy đủ yếu tố pháp lý (chữ kí, con dấu, người làm chứng…) thì có thể bị vô hiệu không? Trường hợp như vậy thì pháp luật bảo hộ cho quyền lợi của doanh nghiệp như thế nào?

Trả lời:

Hiện nay pháp luật của nước ta không có quy định về khái niệm “hợp đồng giả cách”. Tuy nhiên, có quy định về giao dịch giả tạo. Đó là những giao dịch dân sự do các bên xác lập nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác (Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015). Thực tiễn ghi nhận các hợp đồng giả tạo thường xuất hiện trong các giao dịch vay tài sản. Thay vì lập hợp đồng vay, các bên lại lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản. Đó có thể là chuyển nhượng nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng cổ phần, … Các hợp đồng giả tạo này có thể bị tuyên vô hiệu khi các bên đưa vụ việc lên cơ quan giải quyết tranh chấp như Tòa án hoặc Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, để đánh giá, phát hiện ra đâu là giao dịch giả tạo cũng là một việc khó khăn và có thể có nhiều quan điểm trái chiều.

Ngoài các yếu tố pháp lý cơ bản như người ký kết phải có thẩm quyền, hợp đồng có chữ ký, đóng dấu, … thì giao dịch hay hợp đồng dân sự vẫn có thể bị vô hiệu bởi các nguyên nhân khác như: bị nhầm lẫn (Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015), một bên ký kết bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127) hay do giả tạo như đã trình bày ở trên.

Trong những trường hợp như vậy thì chủ thể giải quyết tranh chấp có thẩm quyền sẽ tuyên giao dịch vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận. Như vậy thì phần nào quyền lợi của doanh nghiệp vẫn có thể được bảo đảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chú ý đến các rủi ro pháp lý ngay từ ban đầu để tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”.

3, Thưa luật sư, đối với một vụ tranh chấp như trên, nguyên tắc xem xét và xử lý là gì?

Trả lời:

Trong vụ việc trên công ty Kim Oanh tố cáo lên Bộ Công an cho rằng hợp đồng chuyển nhượng 100% công ty Minh Thành cho Tân Hiệp Phát khi vay tiền chỉ là hợp đồng giả cách và rằng Tân Hiệp Phát đã chiếm đoạt tài sản của mình. Đối với một vụ tranh chấp như tên thì đơn tố cáo được thụ lý giải quyết khi thỏa mãn các điều kiện cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về hình thức tố cáo phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật với một trong hai hình thức: thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thứ hai, về chủ thể tố đảm bảo đủ điều kiện về chủ thể như: có năng lực hành vi dân sự và đảm bảo về độ tuổi, trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật. Không thuộc phạm vi bị cấm tố cáo như: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo; Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.

Thứ ba, xem xét vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hay không.

Thư tư, nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

4, Những sự vụ tranh chấp doanh nghiệp như trên có phổ biến không? Ông có thể chia sẻ về một vài án lệ (nếu có)?

Trả lời:

Những vụ tranh chấp liên quan đến việc sau khi vay tiền một số đối tượng, bị lừa ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng nhà đất, sau đó các đối tượng cho vay “biến giả thành thật” chiếm đoạt tài sản hiện nay cũng khá phổ biến.

Ví dụ: tại Bản án 97/2019/DS-PT ngày 19/06/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản, đòi lại tài sản, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nội dung như sau:

Vào tháng 08/2013, em rể của bà T là ông N, mượn bà T, ông H giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay tiền. Ông N nói ông, bà ra văn phòng công chứng B làm thủ tục công chứng. Do ông N nói đây là người quen và tin tưởng để thế chấp vay tiền.

Vì vậy, ngày 29/08/2013, ông C, bà L nhận chuyển nhượng của ông H, bà T nhà đất thuộc thửa đất số 179, tờ bản đồ 32, diện tích 108,5m2 tại khu phố H, phường T, thành phố B với giá 200.000.000đ. Hợp đồng được Văn phòng công chứng B công chứng số 4517. Mục đích ký hợp đồng để đảm bảo cho ông N vay được tiền chứ không có việc mua bán nhà đất.

Ngày 27/9/2014, ông C, bà L làm thủ tục sang tên và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên. Sau khi nhận chuyển nhượng đã nhiều lần ông C, bà L đề nghị ông T, bà H chuyển đi nơi khác và giao lại nhà đất.

Ngày 08/6/2015, bà T ông H có đơn khởi kiện độc lập yêu cầu hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký ngày 29/08/2013 và yêu cầu hủy phần điều chỉnh trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông C, bà L vì hợp đồng giả tạo.”

Tại bản án sơ thẩm số 88/2018/DS-ST ngày 12/11/2018, Tòa án nhân dân thành phố B quyết định: Hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất số 179, tờ bản đồ 32, phường T, thành phố B ký giữa Bà T, ông H và L, ông C được Văn phòng Công chứng B chứng nhận ngày 29/08/2013.

Tại cấp phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tuyên hủy bản án sơ thẩm 88/2018/DS-ST do Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để làm rõ có sự liên quan giữa những hợp đồng vay tài sản và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Những vụ việc này thường mất rất nhiều thời gian cho các cơ quan hành pháp thụ lý vụ án khi có tranh chấp.

5, Thưa luật sư, sự vụ giữa Tân Hiệp Phát và Kim Oanh chỉ là vụ việc dân sự – kinh tế thuần túy nhưng lại đang bị hình sự hóa. Hình sự hóa quan hệ kinh tế vẫn là một thực tế khiến các doanh nghiệp quan ngại. Ông có bình luận gì về điều này?

Trả lời:

Hình sự hóa quan hệ kinh tế – dân sự đã luôn là một nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp, đến mức mà Chính phủ đã phải ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về “hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020” với mục tiêu và nguyên tắc: “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”, cũng đủ cho thấy mức độ nhức nhối của hiện tượng “hình sự hóa quan hệ kinh tế – dân sự.”

Trước hết, để hiểu rõ hơn về hiện tượng “hình sự hóa quan hệ kinh tế – dân sự”, thì cần phải hiểu đúng thế nào là “hình sự hóa quan hệ kinh tế – dân sự”. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu khoa học toàn diện nào về việc “hình sự hóa quan hệ kinh tế – dân sự” và cũng không có định nghĩa nhất quán cho khái niệm “hình sự hóa” trong bất kì văn bản phảp luật nào. Tuy nhiên, “hình sự hóa quan hệ kinh tế – dân sự” có thể được hiểu theo hai cách như sau:

Thứ nhất, “hình sự hóa quan hệ kinh tế – dân sự” được hiểu phổ biến đối với các nhà nghiên cứu pháp luật và giới luật gia là: trong quá trình xây dựng pháp luật, các nhà làm luật chuyển hóa các quan hệ pháp luật dân sự – kinh tế thành các quan hệ pháp luật hình sự, khi xét thấy mức độ nguy hiểm của một số hành vi vi phạm pháp luật cần thiết phải được áp dụng các biện pháp hình sự. Ví dụ như quan hệ đi vay – cho vay là một quan hệ dân sự, nhưng hành vi vi phạm pháp luật về mức lãi suất được quy định trong Bộ luật dân sự lại được hình sự hóa thành tội phạm trong Bộ luật hình sự tại Điều 201 Bô luật hình sự 2015.

Bên cạnh đó, cách hiểu thứ hai, là nỗi bức xúc thường được nhắc đến trên báo đài, “hình sự hóa quan hệ kinh tế – dân sự” là khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận sai các quan hệ kinh tế – dân sự trở thành quan hệ hình sự và sử dụng các quy định của pháp luật hình sự để giải quyết. Hiện tượng này diễn ra là do sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; là các sai lầm diễn ra trong quá trình áp dụng pháp luật.

Thực tế, trong đời sống dân sự và hoạt động kinh tế hoàn toàn có thể xảy ra tội phạm hình sự, việc có thể xác định đúng người, đúng tội, giải quyết theo đúng pháp luật là cần thiết cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, vấn đề của việc hiện tượng hóa quan hệ kinh tế – dân sự là trong quá khứ đã có nhiều bản án oan sai đối với các doanh nghiệp khiến cả doanh nghiệp và những người đứng đầu đều bị ảnh hưởng lâu dài, nặng nề, không thể hồi phục được.

Đối với tranh chấp giữa Tân Hiệp Phát và Kim Oanh, thì cho tới thời điểm hiện nay vẫn đang trong quá trình điều tra nên chưa thể kết luận được liệu có phải đây chỉ là quan hệ kinh tế đơn thuần và không cần có sự can thiệp của các quy định hình sự hay không.

6, Dân gian có câu “vô phúc đáo tụng đình”. Đối với tranh chấp như trên, theo ông, các doanh nghiệp nên lựa chọn phương án nào để hạn chế thiệt hại trong khi vẫn đảm bảo giải quyết vụ việc? Nên chăng, các doanh nghiệp đàm phán thay vì kiện tụng?

Trả lời:

Hiện nay, tranh chấp giữa các doanh nghiệp có thể được giải quyết theo những cách thức, như: Thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài, giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án.

Đương nhiên, trong mọi trường hợp phương thức thương lượng và hòa giải được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu bởi vì các bên không bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật trong mọi vấn đề nên đảm bảo được tính linh hoạt và hài hòa trong việc giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, để áp dụng hai biện pháp giải quyết tranh chấp này đòi hỏi tính tự nguyện rất lớn từ các bên. Đối với trường hợp một bên không hợp tác để giải quyết tranh chấp với bên kia, thì doanh nghiệp buộc phải sử dụng đến biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án hoặc Trọng tài, tùy theo sự thỏa thuận của hai bên trong Hợp đồng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan