TỒN TẠI BẤT CẬP PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ ĐỐI VỚI CÁC NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Nội dung bài viết

Chỉ có “các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ” mới được phép tiếp cận thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Mới đây, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - chủ tịch công ty luật TNHH SB Law đã có phần trả lời của mình trên một bài báo liên quan đến vấn đề này. Theo ý kiến của luật sư, quy định này của dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013 mang tính chủ quan, không rõ ràng và phân biệt đối xử.

Cụ thể, Khoản 2(c) Điều 67 của dự thảo quy định: các doanh nghiệp chi phối 1 trong 5 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ thương mại điện tử theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Theo luật sư Hà, khái niệm “chi phối” có điểm trùng lặp với quy định của Luật Cạnh tranh. Và một hành vi (chẳng hạn như nhà đầu tư nước ngoài mua 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp) có thể làm cho doanh nghiệp phải thực hiện cùng lúc 2 thủ tục thẩm định riêng biệt theo dự thảo (ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và Luật Cạnh tranh (thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh quốc gia - trực thuộc Bộ Công Thương).

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến hoạt động vận hành hàng ngày của doanh nghiệp như kiểm soát hệ thống công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc quyền quyết định ngành nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh của doanh nghiệp… cũng có thể phải thông qua thủ tục thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Trong một thời gian dài, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng mình được quyền tiếp cận thị trường theo các khuôn khổ pháp lý đã được thiết lập bởi Luật Đầu tư 2014, Nghị định 52. Nhưng với quy định trong dự thảo thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường theo các khuôn khổ đã được thiết lập trước đó.

Đáng nói, dự thảo cũng đặt các nhà đầu tư nước ngoài đứng trước rủi ro có khả năng mất một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư tại Việt Nam nếu không thể thoái vốn cho một bên thứ ba do các rào cản về đầu tư nước ngoài - đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ sàn thương mại điện tử vẫn đang trong tình trạng lỗ (với số lỗ năm sau cao hơn năm trước) và một số doanh nghiệp đã phải tính đến phương án mua bán, sáp nhập doanh nghiệp để tiếp tục có vốn hoạt động.

Khoản 2(c) Điều 67c của dự thảo còn giới hạn việc tiếp cận thị trường ở quy định chỉ có “các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ” mới được phép tiếp cận thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.

Luật sư Hà cho rằng việc giới hạn ở “công ty công nghệ uy tín toàn cầu” là tiêu chí mang tính chủ quan, với các tiêu chí không rõ ràng và mang tính phân biệt đối xử. Điều này có thể khiến cho nhiều nhà đầu tư có uy tín ở cấp độ khu vực hoặc trong các lĩnh vực không phải là lĩnh vực công nghệ bị hạn chế tiếp cận thị trường Việt Nam.

"Bộ Công Thương đang gây sự bất bình đẳng cho chính các nhà đầu tư đến từ khu vực ASEAN hoặc các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc - là những quốc gia có đầu tư hoặc đóng góp về vốn ODA lớn cho Việt Nam.

"Hơn nữa, việc hạn chế chỉ có những 'công ty công nghệ' có uy tín cũng loại bỏ một nhóm các nhà đầu tư có tiềm lực từ nước ngoài là các quỹ đầu tư hiện đang có các hoạt động đầu tư tại Việt Nam", luật sư Hà nhận xét.

Link nguồn: https://vietnamfinance.vn/sua-doi-nghi-dinh-522013-nha-dau-tu-asean-nhat-ban-han-quoc-dang-bi-phan-biet-doi-xu-20180504224248358.htm

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan