Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình quốc hội trong Chương trình Hiểu Đúng - Làm Đúng về Tội hiếp dâm. Dưới đây là nội dung chi tiết:
TH2 (TỘI HiẾP DÂM): Chị Thu với anh Trọng quen nhau qua mạng, sau vài lần hẹn hò, anh Trọng đến nhà chị Thu và đã tìm cách hãm hiếp chị Thu. Vì muốn kiện anh Trọng, chị Thu đã tìm đến luật sư để xin tư vấn.
Trước hết, bạn nên gửi đơn tố cáo kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi của anh Trọng đến cơ quan công an để xem xét và tiến hành điều tra theo thẩm quyền.
Khi xác định có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án và tiến hành điều tra vụ án. Sau khi có đủ căn cứ để xác định những người này đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
Nếu hết thời hạn ra quyết định khởi tố mà cơ quan điều tra vẫn chưa ra quyết định khởi tố bị can ra trước tòa thì bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan điều tra yêu cầu xem xét khởi tố bị can đòi lại quyền lợi hợp pháp cho bạn. Theo như bạn nói, bạn đã bị anh Trọng và bạn đã đủ 18 tuổi, do đó, người thực hiện hành vi hiếp dâm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự như sau:
- Về trách nhiệm hình sự:
Căn cứ theo Điều 111 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì người thực hiện hành vi hiếp dâm có thể bị xử phạt như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
2. Về trách nhiệm dân sự
Vấn đề bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong trường hợp này được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cho người bị hại, cụ thể như sau:
- Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm: Theo quy định tại Điều 590 thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: Theo quy định tại Điều 592 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.