Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật TNHH SB LAW đã trả lời trong chương trình BẠN VÀ PHÁP LUẬT về nội dung: Tội danh nào cho đối tượng làm giả giấy tờ, con dấu của các cơ quan tổ chức cũng như người sử dụng nó?
Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu 1: Chúng ta vừa nghe phóng viên chương trình phản ánh về một vụ việc từng gây xôn xao dư luận tỉnh Phú Thọ. Luật sư nghĩ sao về vụ việc này?
Trả lời:
Qua phóng sự vừa rồi, có thể nhận thấy tại nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện tình trạng làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan nhà nước, từ đó dùng nhiều thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người dân nhẹ dạ, cả tin, … Thậm chí, nhiều nạn nhân chỉ biết mình bị lừa khi dùng giấy tờ đó tiếp tục giao dịch với cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, qua vụ việc tại Phú Thọ, còn bộc lộ một số sơ hở của UBND cấp xã, phường trong việc chứng thực hồ sơ công chứng, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu, lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Câu 2: Một vụ việc điển hình về làm giả giấy tờ của các cơ quan chức năng. Dù chưa đề cập nhiều đến vai trò đồng phạm của một số đối tượng mà chúng ta vẫn hay gọi là “cò”, những người tiếp tay và nhận tiền chênh lệnh từ hành vi làm giả giấy tờ của đối tượng Nguyễn Mạnh Thái song chúng ta có thể thấy họ đã bị truy tố trước pháp luật. Tội danh nào là dành cho những đối tượng này, thưa luật sư?
Trả lời:
Những người có hành vi môi giới cho người khác mua bán tài liệu giả và nhận tiền chênh lệch có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với vai trò là đồng phạm.
Câu 3: Thế còn đối với ủy ban nhân dân các phường xã, nơi mà Thái đã lợi dụng sự quen biết hay gì đó để các cơ quan hành chính nhà nước này công chứng vào những tờ giấy Chứng nhận kết quả thi đại học mà hắn đã làm giả, trách nhiệm của họ trong vụ việc này đến đâu, thưa luật sư?
Trả lời:
Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định: Trong trường hợp tiếp nhận yêu cầu chứng thực mà người thực hiện chứng thực nghi ngờ, phát hiện giấy tờ, văn bản chứng thực là giả thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực và lập biên bản tạm giữ, chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với giấy tờ, văn bản yêu cầu chứng thực được cấp sai thẩm quyền, giả mạo hoặc có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định này.
Như vậy, trong trường hợp tiếp nhận giấy tờ, văn bản có yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính người thực hiện chứng thực nghi ngờ hoặc phát hiện giấy tờ văn bản giả mạo thì phải xử lý theo quy định pháp luật và từ chối chứng thực. Trong trường hợp từ chối chứng thực, người thực hiện chứng thực phải giải thích rõ lý do bằng văn bản cho người yêu cầu chứng thực.
Trường hợp bằng mắt thường người thực hiện chứng thực không phát hiện được giấy tờ, văn bản giả mạo và đã thực hiện chứng thực thì công chức tư pháp - hộ tịch chỉ chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao đúng với bản chính và sẽ không phải chịu trách nhiệm khi chứng thực giấy tờ, văn bản hợp lệ, hợp pháp do họ không cố ý thực hiện chứng thực giấy tờ, văn bản giả mạo. Người yêu cầu chứng thực bản sao phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của bản chính giấy tờ, văn bản dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao.
Câu 4: Vâng, 17 học sinh mà gia đình các em đã bỏ tiền ra để nhờ Thái làm giả giấy chứng nhận kết quả thi đại học nếu không bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện thì có lẽ giờ này đã là những sinh viên của trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Trong vụ việc này, vai trò của họ được hiểu như thế nào thưa Luật sư, bị hại hay đồng phạm, tiếp tay và nếu chủ động đặt vấn đề thì họ có bị coi là chủ mưu trong việc làm giả giấy tờ không?
Trả lời:
Người có hành vi mua bán, sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi đại học có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Về xử phạt hành chính:
Điều 16 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật và công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ.
5. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này”.
Theo quy định này thì người mua, sử dụng chứng chỉ giả có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu chứng chỉ giả đã mua.
- Về xử lý hình sự:
Trong trường hợp việc mua, sử dụng giấy tờ giả đủ yếu tố cấu thành Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:
“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm ...”.
Như vậy, việc sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi đại học được xem là có hành vi “sử dụng giấy tờ giả” là một điều cấm. Nhưng để xác định người sử dụng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xem xét mục đích của hành vi, nếu mục đích đó nhằm “thực hiện hành vi trái pháp luật” thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự.
Câu 5: Xin chào luật sư. Tôi có một việc mong luật sư giải thích giúp tôi vì mấy ngày qua tôi rất lo lắng. Nhà tôi có mở một hiệu ảnh nhỏ và cũng thường xuyên chụp ảnh cho người ta làm chứng minh nhân dân. Hôm vừa rồi có 2 bạn thanh niên đến nhờ tôi chụp ảnh chứng minh nhân dân nhưng yêu cầu là dùng kỹ thuật số để thay quần áo vì bạn ấy nói là sinh viên trường công an rồi thêm phù hiệu, sao, mũ… Họ yêu cầu thì tôi làm thế nhưng mấy ngày hôm sau tôi nghe tin là họ đã giả danh công an, dùng ảnh của cửa hàng tôi để làm CMT công an giả mạo để đi lừa đảo. Tôi lo quá, không biết mình có bị liên đới trách nhiệm gì không?
Trả lời:
Do bạn không biết mục đích của 2 đối tượng trên là dùng ảnh của cửa hàng bạn để làm giấy chứng minh công an nhân dân giả mạo để đi lừa đảo => Bạn sẽ không phải liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp này.
Câu 6: Một thính giả đến từ Vũ Thư, Thái Bình thì có hỏi chương trình như sau: Ở cơ quan tôi có trường hợp một lãnh đạo phòng bị phát hiện dùng bằng ngoại ngữ giả nhưng sau khi thanh tra phát hiện thì chỉ nhắc nhở, kiểm điểm đồng chí đấy trước cơ quan mà không có hình thức xử lý nào khác. Tôi muốn hỏi là tại sao công an không vào cuộc, truy tìm đối tượng đã làm bằng giả và sao pháp luật không xử lý người sử dụng bằng giả khi đó là một việc làm sai phạm nghiêm trọng?
Trả lời:
Trong trường hợp này, nếu bạn không đồng ý với quyết định của cơ quan thì bạn có thể góp ý hình thức xử lý khác đối với người này (có thể dấu tên) hoặc bạn có thể phản ánh tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp xử lý phù hợp hơn.
Câu 7: Tôi muốn hỏi chương trình là nếu tôi phát hiện ra một người có sử dụng bằng cấp giả thì tôi nên tố giác với cơ quan nào?
Trả lời:
Khi bạn phát hiện một người có sử dụng bằng cấp giả thì bạn có thể phản ánh với cơ quan nơi người đó học tập, công tác hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp xử lý đối với người có hành vi sử dụng bằng cấp giả đó
Câu 8: Vâng, còn đây là câu hỏi của một bạn thính giả. Bạn này cho rằng: Xét về hành vi thì người sử dụng bằng giả và người là bằng giả là hai kẻ đồng phạm, mà người sử dụng là người chủ mưu, còn người làm giả chỉ là người giúp sức. Và người chủ mưu cần phải xử lý nghiêm hơn, nặng hơn người giúp sức. Xử lý người làm bằng giả mà không xử lý người sử dụng là quy trình ngược. Thưa Luật sư, ông nghĩ sao về ý kiến của bạn thính giả này?
Trả lời:
Như tôi đã phân tích ở trên, theo quy định của pháp luật, người sử dụng giấy tờ, tài liệu giả cũng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất của mỗi vụ việc. Tuy nhiên, trên thực tế lại thấy nhiều vụ việc mới chỉ đưa những người trực tiếp làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ giả ra xử lý hình sự mà chưa xử lý hình sự những người sử dụng bằng giả.
Thiết nghĩ, qua các vụ việc trên cho thấy, người dân cần hết sức cảnh giác khi thực hiện các quan hệ giao dịch có liên quan đến các loại giấy tờ như: mua bán, cầm cố tài sản hoặc tiếp nhận hồ sơ xin, tránh không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Việc bắt giữ và xử lý nghiêm minh các đối tượng sản xuất, tiêu thụ và sử dụng các loại tài liệu, con dấu giả sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những ai đã và đang nuôi tham vọng thu lời bất chính từ những hành vi vi phạm pháp luật này.