Tọa đàm khảo sát, đánh giá về tình tình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Nội dung bài viết

Ngày 03/10/2017, tại TP. Đà Nẵng, trong khuôn khổ hoạt động hoạt động hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng cường toàn diện năm 2017 (Dự án GIG), nhằm khảo sát, đánh giá, tìm hiểu thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án GIG tổ chức Tọa đàm khảo sát, đánh giá về tình hình thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, qua đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ pháp lý hiệu quả cho doanh nghiệp, xây dựng cơ chế phối hợp, cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật. Tọa đàm do TS. Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và Ông Trương Đức Tùng – Giám đốc Hợp phần Dự án GIG đồng chủ trì Tọa đàm trao đổi với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng.
Tại Tọa đàm, trên cơ sở trao đổi giữa các đại biểu tham dự và các chuyên gia Dự án GIG, Ông Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế tỉnh Bắc Ninh cho rằng, hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay đã được ban hành từ năm 2008, gần 10 năm thi hành vì vậy có nhiều quy định hiện không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, cần được nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Theo Ông Nguyễn Phương Bắc, mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” là mô hình đã được thí điểm thành công ở tỉnh Bắc Ninh cần được nghiên cứu để nhân rộng ra cả nước trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn pháp lý cho doanh nghiệp, hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, vai trò của luật sư trong công tác hỗ trợ pháp lý là rất quan trọng, trong trường hợp này, Nhà nước đóng vai trò đầu mối, điều phối công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các văn phòng luật sư, luật sư rất sẵn sàng hỗ trợ pháp lý miễn phí cho doanh nghiệp. Mô hình hỗ trợ pháp lý một số nước thì Nhà nước là kênh xúc tác và hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác này, còn các luật sư và doanh nghiệp sẵn sàng xã hội hóa và đóng góp vào các hoạt động này.
Luật sư Võ Văn Đáng – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng có ý kiến cho rằng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất đề hoàn thiện cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới là công việc rất quan trọng mà cần được sự quan tâm của Nhà nước và bản thân các doanh nghiệp. Đội ngũ Luật sư Việt Nam, trong đó có các Luật sư hoạt động trên địa bàn TP. Đà Nẵng luôn mong muốn đóng góp vai trò của mình cùng với Nhà nước trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Các luật sư, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng có nhiều ý kiến, kiến nghị về các vướng mắc pháp lý đối với doanh nghiệp, trong đó có nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai, đất thương mại, đất dịch vụ… với những tồn tại trong nhiều năm qua ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển của TP. Đà Nẵng trong thời gian những năm gần đây. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Giám đốc Công ty Phương Gia đề nghị các cơ quan nhà nước có các hình thức hỗ trợ pháp lý cụ thể, hiệu quả cho các doanh nghiệp nói chung, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở đây cần được nhìn nhận rằng không chỉ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mà các cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước cũng rất cần được hỗ trợ pháp lý để thực hiện hỗ trợ pháp lý tốt hơn cho doanh nghiệp.
Tổng kết Tọa đàm khảo sát, TS. Nguyễn Thanh Tú đánh giá cao sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, các luật sư, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Ý kiến của các đại biểu tham dự Tọa đàm sẽ được Ban Tổ chức tổng kết để có những nghiên cứu, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là việc triển khai chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018./.
Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
Nguồn: http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-cac-don-vi-thuoc-bo.aspx?ItemID=2795
0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan