TÌNH TRẠNG VI PHẠM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG HIỆN NAY

Nội dung bài viết

Ngày 19/4/2017, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW đã có buổi phỏng vấn với Đài truyền hình Việt Nam trong Chương trình Kinh Doanh & Pháp Luật về tình trạng vi phạm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiện nay.

Câu 1: Trong 3 tháng đầu năm 2017 đã có 3 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép kinh doanh, trên 9 doanh nghiệp bị xử phạt hành chính vì có dấu hiệu vi phạm. Anh đánh giá như thế nào về tình trạng vi phạm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiện nay?

Luật sư trả lời:

Trong thời gian gần đây, tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động vi phạm diễn ra ngày càng nhiều. Có nhiều doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động bị phát hiện và xử lý, trong đó có cả xử phạt vi phạm hành chính.

Các vi phạm này tập trung vào việc thực hiện quy định về đăng ký hợp đồng, công tác báo cáo việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; công tác tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng; điều kiện hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động; tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và quản lý người lao động ở ngoài nước và thu phí không đúng quy định. Tổng số tiền xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm gần 4 tỷ đồng.

Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động diễn ra nhiều. Có những trường hợp văn phòng đại diện, văn phòng giao dịch không chỉ thực hiện nhiệm vụ tư vấn, tiếp nhận hồ sơ của người lao động, mà còn đứng ra tổ chức tuyển chọn, thu tiền của người lao động. Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn tuyển lao động không đúng đối tượng; không tổ chức đào tạo hoặc đào tạo không đầy đủ; đào tạo nhưng không tổ chức đưa đi mà chuyển nguồn lao động cho doanh nghiệp khác có hợp đồng tổ chức đưa đi; tình trạng tuyển lao động thông qua trung gian, môi giới vẫn còn tồn tại.

Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu lao động vi phạm bị phát hiện trong quá trình hoạt động không duy trì, đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, Bộ LĐ- TB&XH sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi hoặc không cấp đổi giấy phép cho những doanh nghiệp này. Từ khi triển khai Luật đến nay, Bộ LĐ- TB&XH đã thu hồi giấy phép của 50 doanh nghiệp do hoạt động không hiệu quả, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc vi phạm quy định trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Như vậy, tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đang có nhiều triển vọng, nhiều tín hiệu khả quan thì công tác tổ chức xuất khẩu tại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Việt Nam lại biểu hiện nhiều vấn đề bất cập, các hành vi vi phạm ngày càng tăng. Trước thực trạng này, cốt lõi là cần chấn chỉnh lại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, xem lại việc quản lý, đồng thời xử lý nghiêm để chấm dứt các sai phạm hiện tại.

Câu 2: Theo luật sư tại sao các doanh nghiệp xuất khẩu lao động lại bất chấp vi phạm để thu hút lao động xuất khẩu? Phải chăng có phải do việc chúng ta cấp phép quá dễ dàng?

Luật sư trả lời:

Nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp xuất khẩu lao động bất chấp vi phạm để thu hút lao động xuất khẩu là:

Thứ nhất, hiện nay vấn đề đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định chủ yếu trong các văn bản sau: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006; Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP. Trong các Nghị định này đã quy định chi tiết các hành vi vi phạm và mức xử phạt, tuy nhiên để tăng tính răn đe, tôn trọng pháp luật của các doanh nghiệp thiết nghĩ chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm cần phải được nâng lên, tránh dẫn đến tình trạng “nhờn” luật.

Thứ hai, các cơ quan quản lý còn tỏ ra thiếu hiệu quả. Ngay tại cơ quan quản lý cao nhất của công tác xuất khẩu lao động, tình trạng “sai phạm vẫn được cấp phép” còn đang tiếp diễn. Chính việc xử lý thiếu nghiêm minh, phạt cho có đối với những vi phạm nghiêm trọng đang vô tình tiếp tay cho các doanh nghiệp vi phạm.

Hơn nữa, các địa phương, nơi có các doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ, đã không nắm bắt được tình hình thực tế nên không biết được các hoạt động của các doanh nghiệp, các trung tâm XKLĐ này. Khi xảy ra sai phạm rồi, các cơ quan quản lý mới biết. Nhưng thiệt hại đã xảy ra, những người của các doanh nghiệp dịch vụ đó đã chuyển đi nơi khác (vì hầu hết các trụ sở là do họ thuê). Cuối cùng, người lao động vẫn là người phải gánh chịu hậu quả.

Thứ ba, việc thành lập các trung tâm, tổ chức có chức năng XKLĐ trong thời gian qua tăng nhanh, khiến cho công tác quản lý của các cơ quan có chức năng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay cả nước có 277 doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, các doanh nghiệp này mở các trung tâm và cơ sở một cách tràn lan và không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ các doanh nghiệp, khiến cho tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng phổ biến. Thêm vào đó, còn có tình trạng doanh nghiệp bán giấy phép XKLĐ khiến cho việc giám sát, theo dõi càng trở nên khó khăn.

Câu 3: Có ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp mở nhiều trung tâm xuất khẩu lao động như hiện nay là không hiệu quả, bởi những sai phạm trong xuất khẩu lao động thời gian qua đều tập trung ở những trung tâm này mà ngay cả giám đốc doanh nghiệp không hề hay biết? Điều này có đúng không thưa luật sư?

Luật sư trả lời:

Điều 16 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 có quy định: “1. Doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ cho không quá ba chi nhánh ở ba tỉnh, thành phố thuộc Trung ương khi có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này để thực hiện một số nội dung trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…”

Các doanh nghiệp luôn nghĩ rằng thành lập nhiều chi nhánh thì lợi nhuận sẽ càng nhiều, do đó nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lập ra các chi nhánh, trung tâm. Hiện với 277 doanh nghiệp được cấp phép, tính trung bình, mỗi doanh nghiệp được thành lập 3 chi nhánh, dưới các chi nhánh lại là các trung tâm đào tạo nên số lượng đơn vị làm xuất khẩu lao động thực tế phải tới hơn 800 đơn vị. Với con số “khổng lồ” của các chi nhánh hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nói trên, cơ quan chức năng rất khó kiểm soát, quản lý.

Nhiều doanh nghiệp lập ra các chi nhánh, trung tâm nhưng sau khi được cấp phép hoạt động thì thiếu quản lý, phó mặc cho các văn phòng đại diện, diễn ra các hành vi lừa đảo, lợi dụng để thu phí cao. Điều này, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không kiểm soát được chất lượng, số lượng lao động đưa đi, đến khi có vụ việc xảy ra với lao động lại đùn đẩy trách nhiệm, khiến cho tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng phổ biến. Do đó, việc các doanh nghiệp mở nhiều trung tâm xuất khẩu lao động như hiện nay là không hiệu quả. Muốn việc này trở nên hiệu quả thì các doanh nghiệp phải chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các chi nhánh, trung tâm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

1/5 (1 Review)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan