Tình trạng tiktoker sử dụng content bẩn để kiếm tiền, quảng cáo, câu view hiện nay

Nội dung bài viết

Câu hỏi : Tình trạng tiktoker sử dụng content bẩn để kiếm tiền, quảng cáo, câu view, hành động trên ông đánh giá thế nào? Các đối tượng sẽ bị xử phạt ra sao? Người dân, cơ quan chức năng, nhà quản lý các ứng dụng nền tảng số cần làm gì để ngăn chặn tình trạng lợi dụng nội dung bẩn để kiếm tiền?

Trả lời:

Trong một thế giới bùng nổ thông tin, Tiktok hiện nay đang là một trong những nền tảng mạng xã hội thu hút số lượng người dùng nhất, đặc biệt là giới trẻ thông qua những video ngắn với nội dung mới lạ, hấp dẫn. Câu chuyện nội dung “bẩn” tràn lan trên mạng xã hội đã là đề tài bàn luận của dư luận rất lâu. Chẳng khó khăn để bắt gặp một sản phẩm chứa content “bẩn” trên mạng.

Thực tế nhiều năm qua, các nội dung do các TikToker hay Youtuber thực hiện có phần tiêu cực, không phù hợp tràn lan trên mạng xã hội không còn hiếm gặp. Nhiều nội dung đều có phần nhạy cảm và không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục hoặc phát ngôn kém duyên, thô tục… khi lan truyền sẽ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc.

Chúng ta đều không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng, mạng xã hội đã giúp cho việc giải trí, học tập và kinh doanh thuận lợi. Đặc thù của mạng xã hội là tính đào thải cao, để kênh của mình tăng số người theo dõi, không ít người bất chấp chiêu trò, sáng tạo ra những content “bẩn”. Trong khi đó đa số người theo dõi các kênh nội dung này đều là trẻ vị thành niên, chưa có đủ nhận thức các vấn đề xã hội nên rất dễ bị chi phối và “dắt mũi”.

Với các hành vi tiktoker sử dụng content bẩn để kiếm tiền, quảng cáo, câu view có thể sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật tùy vào mức độ và hành vi vi phạm.

Thứ nhất, xử phạt hình chính

Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ -CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số, vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP), quy định đối với các hành vi đăng video có nội dung nhảm nhí, giật gân, câu like, câu view, tùy từng trường hợp cụ thể rõ ràng thì những người đăng tải sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, những người đăng tải các hình ảnh lên như vậy còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Nếu như trong quá trình đăng tải dẫn đến gây thiệt hại tới quyền và lợi ích của người khác. Họ còn phải đền bù thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 cho người mà họ gây thiệt hại.

Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp đăng tải hình ảnh nhạy cảm của cá nhân, kèm theo những dòng trạng thái sỉ nhục, lăng mạ hoặc chửi bới, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015; hành vi vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015,…

"Content bẩn" giống như một loại virus vô hình, nếu không tìm cách ngăn chặn, ngày qua ngày nó lại lan truyền, chia sẻ và bị một số nhà sáng tạo nội dung "học hỏi" để kênh của chính mình được thật nhiều người xem và dễ dàng lên xu hướng. Có thể thấy, những content độc hại đều xuất phát từ ý định câu view, kiếm fame của một bộ phận TikToker, thậm chí là trục lợi khi nền tảng này có thể hái ra tiền bằng lượt tương tác của người xem.

Để "virus Content bẩn" được kiểm soát, điều đơn giản nhất mà người dùng mạng xã hội có thể làm chính là nhấn nút "Báo cáo" khi nhận thấy một video thể hiện trò đùa kệch cỡm, hay một hành động thiếu văn minh. Người dùng cần phải quyết liệt hơn để loại bỏ virus tư tưởng độc hại.

Theo thống kê, một người hiện nay có gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau, trong khi đó lực lượng giám sát mỏng nên việc ngăn chặn thông tin xấu, độc thực sự gặp khó khăn. Do đó, cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội mới giải quyết được căn cơ vấn đề. Các bộ, ngành, địa phương… cần tăng cường quản lý các tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường trên không gian mạng...

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần phối hợp với các bộ, ngành đấu tranh, đàm phán để Facebook, Google, Tiktok... phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên các nền tảng này. Đồng thời, liên tục vận hành hệ thống giám sát an ninh mạng quốc gia, trong đó có giám sát an ninh thông tin để chủ động rà quét, gỡ thông tin xấu, độc.

Song song với các giải pháp nêu trên, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền, thực hiện nghiêm quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Luật An ninh mạng… Đồng thời, tăng cường giám sát an ninh mạng để kiểm tra, giám sát, phát hiện, đấu tranh và xử nghiêm với hành vi đưa tin, chia sẻ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan