Tình trạng bán công sản giá bèo cho doanh nghiệp

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã đánh giá về Tình trạng bán công sản giá bèo cho doanh nghiệp. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Ông đánh giá thế nào về tình trạng bán công sản giá bèo cho doanh nghiệp? Đâu là kẽ hở để các nhóm lợi ích lợi dụng để trục lợi?

Trả lời:

Trong thời gian qua, các chính sách pháp luật liên quan đến quản lý công sản ở nước ta đã không ngừng được hoàn thiện, tạo lập một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho lĩnh vực này.

Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với các tài sản có giá trị lớn, sử dụng phổ biến tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều 6 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã quy định rõ:

“5. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

6. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng”.

Tuy nhiên, trên thực tế, công sản vẫn bị bán giá bèo cho doanh nghiệp dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước thông qua các vụ giao dịch tay trong, chuyển nhượng trái phép, …Công sản thuộc sở hữu toàn dân, nhưng dường như người dân vẫn phải đứng ngoài cuộc trong tất cả các khâu liên quan đến quy trình quản lý và sử dụng loại tài sản đặc biệt này. Thậm chí ngay cả các tổ chức đoàn thể trong cơ quan xảy ra vi phạm nhiều khi còn khó nắm được các vi phạm này để ngăn chặn, tố cáo.

Dư luận đã không ít lần ngạc nhiên khi thấy nhà, đất công nằm ở vị trí đắc địa nhưng được cho thuê - mua với giá rẻ mạt. Tuy nhiên, giá thực sự hoàn toàn không rẻ như vậy, chỉ là chảy vào túi riêng của một số người thay vì chảy vào ngân sách. Tình trạng này không chỉ khiến nhà nước thất thu, môi trường kinh doanh thiếu minh bạch mà ngay chính các doanh nghiệp thuê - mua tài sản công cũng bị đẩy vào thế rủi ro.

Ví dụ: Kẽ hở lớn nhất của cổ phần hóa là việc xác định giá trị doanh nghiệp không sát thực tế, dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước. Các nghị định về cổ phần hóa hiện chưa tính đến yếu tố giá trị lợi thế của quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm vào giá trị tài sản cổ phần hóa. Trong khi, đây thường là khoản có giá trị rất lớn, đôi khi là lớn nhất của doanh nghiệp, nhất là giá thuê đất của Nhà nước thường rất thấp so với giá thị trường.

Lý do là Luật Ðất đai năm 2013 quy định, doanh nghiệp chỉ được giao đất đối với đất ở, còn các trường hợp khác thì phải thuê đất, với sự lựa chọn hai cách trả tiền thuê đất một lần hoặc hằng năm. Nếu trả tiền thuê đất một lần thì giá trị quyền sử dụng đất sẽ cấu thành vào giá trị tài sản, còn đối với đất thuê trả tiền hằng năm thì không được tính vào giá trị tài sản.

2) Ví dụ như dự án Vầng Trăng Khuyết (Đà Nẵng) được giao cho Vũ nhôm mà không qua đấu giá khiến ngân sách thiệt hại 570 tỉ, Bộ Công an đã có thông tin chính thức về việc khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch TP Đà Nẵng về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Dư luận đặt ra câu hỏi là: “Sẽ thu hồi 570 tỉ đồng thất thoát tại dự án Vầng Trăng Khuyết như thế nào? Liệu có khả thi? Có nên thu hồi dự án để bán đấu giá hay không? Xin ông cho biết quan điểm của mình.

Trả lời:

Thu hồi thất thoát ngân sách nhà nước trong các vụ án có bản chất là sự chiếm đoạt tài sản của nhà nước, tức của nhân dân, trên thực tế là vấn đề không hề đơn giản. Xem xét ở góc độ quản lý nhà nước, việc thu hồi các phần tài sản bị chiếm đoạt là yêu cầu bắt buộc nhằm khắc phục các thiệt hại cho đất nước mà loại tội phạm này gây ra. Hệ thống pháp luật hiện hành, theo tôi, dường như đã có khá đầy đủ các quy định từ tự nguyện đến buộc khắc phục hậu quả, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội. Quy định được thể hiện đầy đủ, nghiêm khắc trong Bộ Luật Hình sự cho đến Luật Thi hành án. Thế nhưng, thực tế giá trị thu hồi là những con số rất nhỏ, hoàn toàn không tương xứng.

Việc truy nguyên, truy nguồn gốc tài sản, đường đi của dòng tiền, dòng tài sản nhằm xác định sự… biến hình của số tài sản này làm cơ sở để thu hồi là vô cùng phức tạp, gian nan cho các cơ quan tố tụng, trước tiên là cơ quan điều tra.

Theo tôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên thu hồi dự án này để bán đầu giá nhằm công khai, minh bạch, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.

3) Giải pháp nào để chấm dứt tình trạng móc ngoặc, bắt tay nhau trục lợi tài sản của nhà nước? Thưa ông?

Trả lời:

Tài sản công có phạm vi rất rộng, đa dạng, phong phú về chủng loại, mục đích sử dụng, được giao cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng. Do vậy, việc phân cấp, giao quyền hạn và trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công là hết sức cần thiết.

Thứ hai, việc quản lý với đất đai, tài nguyên, tài sản hạ tầng do các bộ chuyên ngành thực hiện. Giá đất do các cơ quan chức năng của địa phương xác định và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Tài sản công khi thanh lý phải qua đấu giá theo quy định. Để chống thất thoát, lãng phí tài sản công, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là cần bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát. Phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền nên sửa đổi Nghị định 192/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 58/2015/NĐ-CP) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng xác định rõ hành vi, nâng cao mức phạt để răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thứ tư, cần đẩy mạnh thực hiện đấu giá trong giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, ...

Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để khắc phục cho được những lỗ hổng pháp lý như vấn đề định giá đất, đấu giá tài sản; bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát; …

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan